Các tàu ngầm Tổng cục Nghiên cứu nước sâu (GUGI) của Bộ Quốc phòng Nga được xem là tinh hoa của lực lượng tàu ngầm Nga. Đội tàu thứ 10 của GUGI từng được trao tặng huân chương Nakhimov danh giá. Chính các tàu ngầm nay trở thành bộ phận bí mật nhất của GUGI.
Trong đó, nhiệm vụ của các tàu ngầm hạt nhân và các trạm hạt nhân nước sâu GUGI được cho là nguy hiểm và có ý nghĩa quan trọng. Tất cả nhằm hoàn thành nhiệm vụ chung của GUGI là nghiên cứu đại dương, tìm kiếm và cứu hộ tàu đắm, nghiên cứu ảnh hưởng sinh lý của độ sâu tới cơ thể con người và thử nghiệm các thiết bị cứu hộ.
Tàu ngầm hạt nhân BS-136 “Orenburg”
Tàu ngầm hạt nhân nghiên cứu khoa học là phương tiện vận chuyển thiết bị lặn có người lái thuộc dự án 09786 BS-136 “Orenburg”. Ban đầu, tàu được xây dựng theo dự án 66BDR “Kalmar” và biên chế trong Hải quân Nga năm 1981.
Sau quá trình cải tiến, “Orenburg” chính thức trở thành tàu ngầm hạt nhân đặc biệt vào năm 2006. Con tàu này có lượng giãn nước 15.000 tấn.
Ngày 27/2/2012 trong chuyến thám hiểm Sevmorgeo, tàu BS-136 “Orenburg” có nhiệm vụ vận chuyển trạm nghiên cứu hạt nhân nước sâu – tàu ngầm AS-12 “Losharik" dự án 10831.
Tuy nhiên, hiện không rõ tình trạng của con tàu thuộc dự án tối mật này. Có thể nó đang được sửa chữa ở trung tâm sữa chữa tàu “Zvezdochka”.
Tàu ngầm hạt nhân dự án 09787 BS-64 “Podmoskovie”
Tàu ngầm này được xây dựng theo Đề án 667BDRM “Delfin” và thuộc biên chế Hải quân Nga từ năm 1986.
Năm 1999, tàu được chuyển đến trung tâm sửa tàu “Zvezdochka” để sửa chữa và cải tiến theo Dự án 0978.
Ngày 26/12/2016, tàu được bàn giao lại cho Hải quân Nga. Con tàu này có lượng giãn nước 18.200 tấn, lặn sâu tối đa 550-650 mét, với thuỷ thủ đoàn từ 135-140 người.
Tàu ngầm nguyên tử 18510 “Nelma”
Tàu ngầm dự án 18510 “Nelma” được sử dụng trong các hoạt động trinh sát, hỗ trợ các tuyến đường tuần tra chiến đấu của tàu thủy nguyên tử trong đội hình tác chiến của Hải quân Nga, nhằm giải quyết các nhiệm vụ khoa học kỹ thuật, cứu người trong tình huống khẩn cấp, trục vớt các thiết bị quân sự bị chìm dưới biển và thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt khác.
Các tàu ngầm nguyên tử dự án “Nelma” có lượng giãn nước gần 1.000 tấn và trang bị trạm điện công suất 10 MW. Vỏ được làm bằng hợp kim titan.
Ban đầu khi thiết kế, tàu ngầm này không có khoang phía trên, nhưng vì nước có thể tràn vào kể cả khi có sóng nhỏ, nên nó đã được lắp thêm sau cải tiến.
Trên tàu không có vũ khí, tàu có thể lặn sâu đến 1.000 mét. Để tiến hành các hoạt động lặn sâu, trên tàu có buồng áp lực chuyên dụng.
Hiện có 3 tàu ngầm nguyên tử thuộc dự án trên được chế tạo, phục vụ dự án 18510 và 18510.1. Cả 3 đều đang phục vụ trong Hải quân Nga. Phương tiện vận chuyển các tàu dự án này có thể là BS-136 hoặc BS-64.
Tàu ngầm nguyên tử dự án 1910 “Kashalot”
Tàu ngầm nguyên tử dự án 1910 “Kashalot” có lượng giãn nước 2.000 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý, lặn sâu hơn 1.000 mét, với thuỷ thủ đoàn gồm 36 người.
Thân tàu được làm từ hợp kim titan. Hệ thống động cơ cải tiến có thể giúp con tàu “biến mất” nhanh chóng dưới đáy đại dương.
Trên con tàu có máy đo độ sâu bằng tín hiệu dội, hệ thống giám sát vô tuyến, thiết bị thuỷ âm định vị, từ kế, hệ thống định vị vệ tinh, máy ghi biên dạng tần số cao, thiết bị chụp ảnh dưới biển sâu, cánh tay rô bốt điều khiển từ xa, buồng áp lực, và hệ thống thoát hiểm.
Theo thông tin từ các nguồn mở, có 3 tàu ngầm hạt nhân “Kashalot” đang phục vụ trong quân đội, tuy nhiên tình hình hiện tại vẫn chưa được cập nhật.
Tàu ngầm hạt nhân dự án 10831 “Kalitka”
Tàu ngầm hạt nhân dự án 10831 “Kalitka” hay “Losharik” được biên chế vào hạm đội Hải quân Nga từ khoảng năm 2010. Con tàu có lượng giãn nước 2.000 tấn.
Thân tàu bao gồm nhiều các buồng nhỏ hình cầu được làm từ titan có độ tinh khiết cao. Giữa các gian có lối đi bên trong thân tàu. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, con tàu có thể lặn ở độ sâu từ 3.000 – 6.000 m.
Mặc dù không trang bị vũ khí nhưng trên tàu có hệ thống điện tín, máy quay, hệ thống vét bùn, ống thuỷ tĩnh. Tàu ngầm “Losharik” có thể mang theo 25 thuỷ thủ và có thể ở dưới biển vài tháng trời.
BS-136 “Orenburg” được cho là phương tiện vận chuyển tàu Losharik tới điểm cần thiết.
Tàu nghiên cứu vùng nước sâu tự lái dự án 16811 “Konsul”
Tàu nghiên cứu vùng nước sâu tự lái dự án 16810 “Rus” và 16811 “Konsul” được sản xuất dựa trên các con tàu thuộc dự án 22010 “Cruise” và 2010 “Zvezdochka”. Các con tàu này khá giống nhau, và không có nhiều điểm khác biệt.
AS-37 Dự án “Rus” biên chế vào Hạm đội Nga vào năm 2010, trong khi AS-39 – năm 2011.
“Rus” có lượng giãn nước 25 tấn và có thể lặn sâu tới 6.000 mét, “Konsul” có lượng giãn nước 26 tấn và có thể lặn sâu tới 6.270 mét. Các tàu này có thể chứa được 2-3 thuỷ thủ và có đủ năng lượng cho 500 lần lặn ở độ sâu 4.000 mét và 1.000 lần lặn ở độ sâu 4.000 mét.
Nhiệm vụ của các tàu dự án 16810 và 16811 bao gồm phân loại và quay các vật thể dưới đáy biển; thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật dưới biển với sự giúp đỡ của hệ thống điện tín; kiểm tra những vật thể, công trình, cấu trúc khác dưới nước; đưa xuống hoặc nâng các vật nặng tới 200 kg.
Thiết bị lặn DeepWorker 2000
Thiết bị lặn DeepWorker 2000 được chế tạo dựa trên tàu thực nghiệm “Seliger” thuộc Dự án 11982. Đó là thiết bị do Canada sản xuất có khả năng lặn sâu tới 1.000 mét, thời gian lặn là 6 giờ ở chế độ bình thường và 80 giờ ở chế độ khẩn cấp.
DeepWorker 2000 trang bị 4 động cơ, với công suất 1 mã lực mỗi chiếc. Trên tàu có trang bị bộ điều khiển, máy quay, máy thuỷ âm định vị, vận tốc kế, hệ thống định vị thuỷ âm.
Thiết bị có vòm hình bán cầu giúp cho người lái có thể quan sát tốt nhất. Mái vòm trong suốt cho phép quay phim hoặc chụp ảnh bằng các thiết bị thông thường mà không cần sử dụng máy ảnh chuyên dụng đắt tiền.
Trọng lượng tương đối nhỏ, với 1.800 kg. Sự gọn nhẹ cho phép hầu như cần cẩu tàu không chuyên nào cũng có thể nâng lên hạ xuống một cách dễ dàng. Tàu được điều khiển bởi 1 thuỷ thủ.
Bình luận