Kỳ 1: Huyền thoại kho báu dưới chân núi Bạc.
Từ bao đời nay, người dân Hà Giang vẫn cho rằng ở xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang, Hà Giang) tồn tại một kho báu cực lớn với vô số bạc vàng, đồ cổ...
Những câu chuyện đã dần trở thành huyền thoại, hấp dẫn nhiều người với ý muốn có được gia sản kếch xù nên đã tìm lên đây để thăm dò và đào bới.
Nhiều cụ già khi được hỏi đến đều kể câu chuyện về thời điểm cách đây hơn 200 năm trước. Quân Thiên Địa Hội (một hội kín của người Hán bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời Khang Hy với mục đích phản Thanh phục Minh, khôi phục lại giang sơn của nhà Minh, đánh đuổi quân Mãn Thanh ngoại tộc) thất trận, chúng lùi dần về phía biên giới Việt Nam, chiếm đóng luôn mảnh đất Hà Giang.
Bên cạnh việc mang theo rất nhiều của cải để không rơi vào tay quân Mãn Thanh, quân Thiên Địa Hội cũng tranh thủ vơ vét sản vật địa phương. Về sau, do thất thế không đánh lại được cả quân Mãn Thanh lẫn những cuộc chiến tranh với quân khởi nghĩa ở địa phương, chúng dần dần tan rã.
Một trong những địa điểm tình nghi chôn cất kho báu
Bao nhiêu vàng bạc châu báu không thể mang theo về nước, quân lính đem chôn và vẽ lại sơ đồ để đời sau con cháu đi tìm.
Một trong những địa điểm chính chôn cất kho báu được khẳng định nằm ở huyện Bắc Quang, rải rác khắp các xã. Trong đó, tập trung rất nhiều ở xã Vĩnh Phúc, thời điểm ấy còn là một khu rừng rậm hoang vu, núi non hiểm trở.
Cụ Mạc Thịnh, ở xã Vĩnh Phúc, năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, khi được hỏi đã khẳng định: “Tôi cũng đã từng được cha ông kể lại, ngày xưa lính Tàu trước khi về đã cất giấu của cải nhiều lắm. Chúng huy động hàng vạn dân công, ngựa thồ, đào nơi chôn giấu ròng rã suốt mấy tháng trời. Tuy nhiên, những dân công đó cũng không bao giờ quay trở lại nữa, họ đã bị giết để giữ bí mật về kho báu.
Chỉ có duy nhất 1 người băng rừng lội suối trốn thoát được, có kể lại cho dân làng”.
Theo cụ Thịnh, thời gian trước, những người dân Vĩnh Phúc đi làm nương rẫy thỉnh thoảng cuốc đất lại đào được những đồ vật cổ xưa, lúc thì quả chuông ngựa, lúc thì cái bát bằng đồng... Có người nhặt được cả đạn chì của súng kíp ngày xưa. Thậm chí, có người còn nhặt được cả vàng.
Hiện vật được người dân tìm thấy
Bên cạnh những câu chuyện xưa mang tính chất truyền miệng đang tồn tại, thì hiện nay ở Vĩnh Phúc còn tồn tại một kho báu cực lớn nữa đang được nhiều người nhắm đến.
Đây chính là kho báu do một tướng quân có tên Giàng Phụng chôn lại sau khi ông dựng cờ chiêu tập binh sỹ theo Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
Theo ông Lò Văn Quán , hậu duệ 4 đời của Giàng Phụng, hiện đang sinh sống tại thành phố Hà Giang, gia phả của dòng họ có ghi rất rõ, những năm 1885 đến 1888, phong trào Quảng Mã (người dân gọi như vậy bởi trên lá cờ của nghĩa quân có hình con ngựa lớn đang tung vó) lớn mạnh không ngừng, xây dựng căn cứ ở Vĩnh Phúc.
Thực sự cảm thấy sự nguy hiểm từ phong trào này, năm 1888, thực dân Pháp kiên quyết tiêu diệt căn cứ, tổ chức quân đội với số lượng lớn, và rất nhiều tay sai tiến đánh rầm rộ từ nhiều phía.
Ông Lò Văn Quán bên những gia phả của dòng họ
Sau gần nửa tháng, sức cùng lực kiệt, biết không thể cầm cự thêm, Giàng Phụng đã quyết định nghị hòa, giải tán nghĩa quân theo yêu cầu của quân giặc để tránh những thương vong, mất mát không cần thiết.
Khi nghĩa quân giải tán, một phần kim ngân, tiền bạc của phong trào đã được phát cho binh lính để họ về quê ổn định cuộc sống. Phần lớn còn lại, do sợ cướp bóc không thể mang đi nơi khác, nghĩa quân đã quyết định chôn giấu ở ngay tại căn cứ, bao gồm 12 thùng sắt lớn, ước tính gần 2 tấn vàng.
Nơi cất giấu kho báu, theo lời kể là khoảnh đất dưới chân một ngọn núi thấp ở thôn Vĩnh Chà, bây giờ người ta quen gọi là núi Bạc.
Sắc phong vua Hàm Nghi phong tặng nghĩa quân Giàng Phụng
Về câu hỏi tại sao chỉ trong một thời gian ngắn mà nghĩa quân Giàng Phụng lại có thể tích trữ được một số lượng của cải lớn đến như vậy, có một giả thiết cho rằng ông đã tìm thấy một trong hầm chôn cất kho báu của lính Tàu hồi trước. Ông dùng số tiền bạc, kim loại quý đó nuôi quân, rèn vũ khí chống giặc.
Thời điểm nghĩa quân giải tán, dân bỏ đi biệt xứ vì sợ trả thù, xung quanh núi Bạc là một bãi tha ma rộng mênh mông với hàng nghìn ngôi mộ. Mấy chục năm sau, mọi người trở lại sinh sống, thì cây cối đã mọc lên um tùm. Những dấu tích cũ gần như không còn nữa.
Thông tin chỉ vỏn vẹn có vậy nhưng nhiều năm qua, những kẻ đam mê kho báu khi thì bí mật, khi thì công khai tìm kiếm.
Ngọn núi với những câu chuyện huyền thoại về kho báu
Những thông tin về kho báu luôn được ông Dự lưu giữ cẩn mật
Không chỉ người tứ xứ mà ngay cả những người trong xã Vĩnh Phúc đều có tham vọng về kho báu này. Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước,nhiều người đã bỏ thời gian tổ chức tím kiếm vàng bạc của cải, nhưng do những của cải thời xưa được chôn dấu rất bí ẩn, lại nằm ở nơi lún thụt và trũng nhất của thôn Vĩnh Chà nên người ta vẫn chưa lấy được tý nào.
Rầm rộ nhất là cuộc tìm kiếm của cha con ông Hứa Văn Dự. Họ đã đầu tư cả cơ nghiệp cho hai cuộc tìm kiếm, khai quật quy mô lớn bởi họ có niềm tin là sẽ tìm được những gì tiền nhân để lại.
Chúng tôi không khó để tìm ra nhà ông Dự ở ngay sát chân núi Bạc. Mới 60 tuổi nhưng đầu tóc đã bạc trắng, nhắc đến kho báu, ánh mắt ông Dự trở nên rạng rỡ. Ông hồ hởi kể chuyện.
Ông Dự hồ hởi kể chuyện về kho vàng 1,5 tấn
Theo ông Dự thì bà nội ông là người xã Tiên Kiều, một xã nằm ngay cạnh xã Vĩnh Phúc. Mấy chục năm làm dâu ở đất này, bà đã có được một bí mật. Trước khi chết, bí mật đó đã được bà kể lại cho con trai là ông Hứa Văn Lình, năm nay đã 82 tuổi.
Trước đây, bố của bà có người bạn làm lính của nghĩa quân Quảng Mã. Trong những lần trò chuyện với bố bà, ông đã nhiều lần nhắc đến việc chôn giấu của cải, binh khí của nghĩa quân. Theo đó, nơi chôn cất của cải nằm ở giữa gốc vải cổ thụ với mương nước, cách chân núi Bạc chừng hơn trăm mét.
Ông Dự khẳng định, việc đào bới, cày cấy... nhặt được những khối vàng cũng như là dao, kiếm, đồ gốm, súng kíp... của một số người trên địa bàn thôn là có thật.
Còn tiếp...
Bình luận