Ngày 21/6, bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông xác nhận có một bệnh nhân qua đời do biến chứng của bệnh bạch hầu. Đó là bé Sùng Thị H. (9 tuổi, ngụ xã Quảng Hòa, H.Đắk G’long) bị "bạch hầu ác tính biến chứng tim”.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra qua quanh năm và chủ yếu xuất hiện ở trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Bệnh dễ thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp theo các giọt bắn của người bệnh khi tiếp xúc gần. Hiếm gặp hơn bệnh có thể lây trực tiếp qua tiếp xúc da. Bạch hầu lây nhiều nhất trong hai tuần đầu mắc bệnh.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Hồ Anh Tuấn, Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra.
Các dấu hiệu của bệnh là: Bệnh nhân sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm đau họng viêm họng, khám bên trong có giả mạc màu xám hoặc trắng xỉn, nếu không điều trị có thể lan rộng, bít tắc đường thở. Hạch ngoại biên cổ sưng to kiểu cổ bạnh.
Bệnh nhi còn bị ho, bỏ ăn, khàn tiếng, ho ông ổng nếu có viêm thanh quản kèm theo.
Ở thể nặng, ngoại độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, suy tim, viêm thận, liệt các cơ vận động và có thể gây thiệt mạng nhanh chóng.
Bệnh có thể nguy hiểm ở 2 trường hợp là bạch hầu thanh quản gây bít tắc đường thở và suy tim cấp do ngoại độc tố.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượn tỷ lệ tử vong cao.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không qua đời vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Tỷ lệ tử vong của bệnh vào khoảng 5 đến 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh cách tốt nhất để phòng bệnh là chích ngừa vaccine. Phụ huynh nên chủ động tiêm vaccine bạch hầu DPT lúc 2,3,4 tháng, nhắc lại lúc 1 tuổi và 5 tuổi. Người tiếp xúc gần với nguồn lây phải tiêm nhắc lại vắc xin (tùy tuổi) và dùng kháng sinh dự phòng
Những người có triệu chứng ho, sốt cần che miệng khi ho và hắt hơi; rửa tay và vệ sinh cá nhân.
Bình luận