Sau khi vụ việc cháu bé 10 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) và một người phụ nữ (66 tuổi) quê ở Hòa Bình bị tấm tôn cứa đứt cổ dẫn đến tử vong khiến dư luận bức xúc.
Về vấn đề này, PV VTC News đã phỏng vấn luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
- Theo quy định pháp luật, người chở hàng hóa cồng kềnh gây tai nạn sẽ bị xử phạt thế nào?
Liên quan đến quy định pháp luật về việc chở hàng hóa khi tham gia giao thông Khoản 1, Điều 20 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe”.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 31 Luật giao thông đường bộ 2008 thì hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
Những phương tiện tham gia giao thông chở hàng hóa vi phạm các quy định trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc trong trường hợp gây tại nạn, hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về quy định về xử phạt vi phạm hành chính đã được ghi nhận tại Nghị định 6/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
- Trong trường hợp cụ thể, lái xe chở tôn đậu bên đường nhưng gây tai nạn khiến cháu bé tử vong đã vi phạm quy định nào, sẽ bị xử lý ra sao?
Đối chiếu với các văn bản pháp luật nêu trên, người lái xe xích lô chở tôn đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại tính mạng cho người khác.
Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Người này chắc chắn phải biết chở hàng hóa cồng kềnh như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, thiệt hại đến tài sản của người khác nhưng vẫn thực hiện, và thực tế thì hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.
Luật sư Giang Hồng Thanh
- Có người đưa ra ý kiến, do cuộc sống khó khăn, mưu sinh vất vả nên người lái xích lô mới phải chở vật liệu cồng kềnh khi tham gia giao thông. Quan điểm của ông thế nào?
Được biết người lái xe xích lô có hoàn cảnh rất khó khăn, nghèo khổ. Đó là điều mà cơ quan pháp luật thường sẽ lưu tâm khi xem xét giảm nhẹ.
Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, việc làm của người lái xe xích lô cũng rất đáng lên án, bởi lẽ người này chắc chắn phải biết chở hàng hóa cồng kềnh như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, thiệt hại đến tài sản của người khác nhưng vẫn thực hiện, và thực tế thì hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.
- Cũng có ý kiến cho rằng, lực lượng CSGT phải có trách nhiệm trong sự việc này, vì chính họ đã buông lỏng trong quản lý, xử phạt để những chiếc xe này hoành hành một thời gian dài?
Hàng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh tương tự, người tham gia giao thông mang vác, kéo, chở hàng hóa cồng kềnh đi nghênh ngang trên đường. Không ít vụ án đau lòng đã xảy ra khi người khác va chạm vào hàng hóa cồng kềnh đó. Thế nhưng, một phần vì mưu sinh cuộc sống, một phần vì coi thường pháp luật, nhiều người vẫn bất chấp để tiếp tục vi phạm.
Tình trạng này tồn tại cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng và lực lượng CSGT. Như đã nói ở trên, hàng ngày hàng giờ những hình ảnh vi phạm giao thông như vậy vẫn xuất hiện nhan nhản, vậy mà không hiểu vì lý do gì, hành vi đó vẫn không thuyên giảm. Có thể đặt câu hỏi về sự buông lỏng công tác quản lý ở đây được không?
Được biết là sau khi sự việc nêu trên xảy ra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quân tập trung xử phạt xe chở hàng cồng kềnh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý quyết liệt, thì sự nguy hiểm vẫn luôn có thể xảy ra với người tham gia giao thông bất cứ lúc nào.
- Xin cảm ơn ông!
Video: Xe "máy chém" tung hoành vượt chốt CSGT Thủ đô
Bình luận