Bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một bệnh nhi hóc dị vật nhưng đành bất lực trong việc cứu chữa.
Bệnh nhi là một đứa trẻ mới 11 tháng tuổi, ăn kẹo rau câu bị sặc, tím tái toàn thân.
Người nhà đưa cháu vào bệnh viện cách 20 phút di chuyển. Tại BV tuyến trước, cháu hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở phải hồi sức tim phổi 30 phút nhưng đồng tử 2 bên dãn, không còn phản xạ thần kinh.
Theo nguyện vọng gia đình, cháu được chuyển lên BV Nhi Đồng 2. Tuy nhiên tình trạng của cháu đã quá nặng.
"Đây là tai nạn rất thường gặp nhưng có thể để lại hậu quả thương tâm. Ba mẹ và những người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn và chế biến thức ăn cho trẻ cũng như các loại đồ chơi trong nhà. Thức ăn nên được cắt nhỏ theo chiều dài, trong lúc ăn tuyệt đối không nên đùa giỡn chạy nhảy..." - bác sĩ Mỹ cảnh báo.
Trước đó vào đầu năm 2017, một bé trai 5 tuổi, ngụ TP.HCM trong lúc ăn rau câu trái cây cũng bị sặc gây hóc dị vật ở đường thở. Khi đưa vào BV, toàn thân đứa trẻ đã tím tái, truỵ mạch, mê man và không còn khả năng cứu chữa.
Bác sĩ cảnh báo khi xảy ra tai nạn, phụ huynh cần sơ cứu ban đầu đúng cách rồi tiến hành đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.
Cụ thể nếu trẻ còn tỉnh, phụ huynh cho trẻ đứng, ra phía sau lưng choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Nếu trẻ hôn mê thì phải đặt trẻ nằm ngửa. Phụ huynh quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống nạn nhân hôn mê kèm không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn.
Bình luận