Sau khi chứng kiến cảnh sống bầy đàn, cơ cực, nghèo khó của nhân viên bán hàng đa cấp thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình và thuộc xã Phú Xuân (Thái Bình), phóng viên VTC News đã liên hệ với chính quyền địa phương để họ trả lời đến cùng mọi câu hỏi của độc giả.
Né phóng viên, Trưởng công an huyện 'lẩn như chạch'
Vượt hơn 100 cây số từ Hà Nội về huyện Vũ Thư vào một ngày mưa gió cuối tháng 4, chúng tôi tìm tới trụ sở Công an huyện Vũ Thư để liên hệ công việc. Khi đó ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng công an huyện cho hay ông đang nằm viện, không thể gặp chúng tôi.Phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng công an huyện Vũ Thư.
Không lâu sau đó, chúng tôi liên hệ lại với vị trưởng công an huyện này thì nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Tuần này cả cơ quan tôi đi du lịch cả tuần nên không gặp được. Sang tuần sau thì đồng chí liên hệ lại sau”. Ngắt lời, ông Hưng tắt luôn điện thoại, không để phóng viên kịp nói thêm lời nào.
Để độc giả không phải chờ đợi lâu câu trả lời từ giới chức Thái Bình, mới đây, trong lần trở lại “vương quốc bầy đàn” bán hàng đa cấp, chúng tôi lại một lần nữa tới trụ sở công an huyện Vũ Thư liên hệ phỏng vấn.
Sau một hồi báo cáo, trao đổi trong phòng trưởng công an huyện, nhân viên bảo vệ tất tưởi chạy ra nói với chúng tôi là “sếp đi vắng, đang họp ở địa phương, không có ở cơ quan”. Chúng tôi xin phép người này cho vào cơ quan để kiểm chứng thông tin đó.
Cánh cửa phòng của trưởng công an huyện Vũ Thư đúng là đóng im lìm, nhưng khóa trái. Một công an đang tập thể dục trong sân của cơ quan, thấy chúng tôi đứng đó chờ khá lâu liền mách nhỏ: “Anh Hưng đang ở trong kia (sân sau của cơ quan) kìa”. Nhân viên bán hàng đa cấp lũ lượt rời Thái Bình rồi lại trở về sau 3 - 4 ngày.
Tiến sâu vào bên trong theo lời chỉ dẫn của cán bộ này, khi chúng tôi hỏi chuyện, không ai nhận là ông Hưng cả và cũng chẳng ai đáp lời xem lãnh đạo của họ có ở cơ quan hay không.
Xã Phú Xuân: "Khát nước sạch", bị phân người bủa vây
Rời trụ sở công an huyện Vũ Thư, chúng tôi tìm tới Ủy ban Nhân dân xã Phú Xuân và xã Minh Quang để tìm hiểu thực trạng.
Tại xã Phú Xuân, thôn Nghĩa Chính mới thực sự là kinh đô sầm uất của vương quốc này. Nơi đây từ vài năm trước đã là nhà của 6.000 – 7.000 nhân viên, học viên thuộc Công ty Lô Hội. Còn giờ đây, sau loạt bài phản ánh của VTC News, chỉ còn khoảng 2.000 – 3.000 nhân viên bán hàng đa cấp ở thôn. Ông Nguyễn Văn Vị - Phó trưởng thôn Nghĩa Chính (xã Phú Xuân, Thái Bình)
Sau khi VTC News vào cuộc, nhân viên Lô Hội đồng loạt tới công an xã xin giấy xác nhận đã chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội quy của địa phương để thuận lợi trong việc chuyển địa bàn hoạt động cũng như tiện bề “đối phó” với báo chí.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thái – Bí thư đảng ủy xã lo ngại hiện tượng này không chỉ tồn tại ở Thái Bình.
“Hàng nghìn lao động trẻ tuổi không có công ăn việc làm, suốt ngày vất vưởng mà Sở lao động thương binh và Xã hội các tỉnh “làm ngơ”. Lần vào Nghệ An, Thanh Hóa công tác, tôi từng khuyên nhiều phụ huynh ra Thái Bình gọi con em họ về đi bởi tôi tận mắt thấy lũ trẻ suốt ngày tụ tập lêu lổng, chẳng làm được gì ra hồn.
Hay khi bạn bè từ Hà Tĩnh, Quảng Trị… ra Thái Bình dự tang ma, hiếu hỷ, tôi cũng kêu gọi họ khuyên nhủ các cháu đồng hương về quê tìm công ăn việc làm tử tế thay vì đi lừa đảo như thế”, ông Thái cho biết.
Nói về những phiền toái mà 'vương quốc' bầy đàn gây ra cho địa phương, ông Thái bức xúc cho hay: “Nhiều khi chỉ có vài quả xoài, họ cũng hò hét, cụng ly suốt cả đêm, gây mất trật tự trong thôn. Ồn ã, ô nhiễm môi trường, an ninh bất ổn định đặc biệt là về giờ giấc là những gì chúng tôi đang phải gánh chịu. Nhà vệ sinh cho 50 người lẽ ra chỉ để cho 3 – 4 thành viên trong gia đình họ dùng. Chưa kể 5 -7 nhà liền nhau cùng đổ ra thì sức chứa của hệ thống cống rãnh chịu làm sao được. Buổi tối là ô nhiễm nhất. Ông Nguyễn Văn Thái – Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân
Nhiều người dân, đặc biệt là những hộ không cho thuê trọ đang bức xúc phản ánh rằng, họ mất tiền đóng góp để xây đường ống, giờ lại mất thêm tiền mua máy bơm, xây bể, tiền điện để bơm nước từ dưới mặt đất lên do lượng người trong thôn quá tải so với nguồn cung cấp nước sạch thì quá thiệt hại.
Chưa kể môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Nhà vệ sinh của các chủ hộ cho thuê trọ chỉ mang tính tạm bợ, không đủ dung lượng cho hàng chục người sử dụng. Xả không tiêu hủy kịp sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Nhà vệ sinh cho 50 người ở, lẽ ra phải xây đủ dung tích, nhưng người dân địa phương tận dụng, cho hàng chục người khác cùng sử dụng nhà vệ sinh mà lẽ ra chỉ để cho 3 – 4 thành viên trong gia đình họ dùng. Chưa kể 5 -7 nhà liền nhau cùng đổ ra thì sức chứa của hệ thống cống rãnh chịu làm sao được. Buổi tối là ô nhiễm nhất.
Mọi sinh hoạt trong thôn, xã cũng bị xáo trộn. Ngoài giờ học, nhân viên Lô Hội hò hét, vui chơi gây mất trật tự trong thôn.
Tệ nạn cũng nảy sinh nhiều. Trước đây ở quê ra ngoài không phải đóng cửa, giờ ra khóa vào mở. Mới đây, thành phố còn có vụ game thủ vào quán net chơi để quên lựu đạn thối khiến dư luận hoang mang”.
Cũng theo chia sẻ của ông Thái, không lâu sau loạt bài của VTC News (khoảng 3 – 4 ngày), nhân viên Lô Hội lại tiếp tục trở về cuộc sống bầy đàn như trước kia. Khi hỏi lý do trở lại, bọn trẻ cho hay sang Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương… không có chỗ trọ.
“Giờ cuộc sống của nhân viên Lô Hội đỡ ồn ào hơn trước rất nhiều. Lượng người cũng đã giảm một phần, nhưng nhà trọ của họ vẫn tuềnh toàng như trước.
Nhà nào có nền đá hoa thì họ nằm luôn ra đất, còn không thì họ trải chiếu ra nằm, sống bầy đàn như thời nguyên thủy. Chính tôi từng phải đi giải quyết nhiều vụ cãi nhau giữa nhà nọ, nhà kia cùng thuộc hệ thống Lô Hội.
Học cái này vô bổ lắm. Họ trở thành bộ máy tuyên truyền, lừa đảo, ngụy trang dưới cái mác của nhân viên kinh doanh đa cấp. Sau khi lôi kéo đủ số thành viên để hoàn vốn gia nhập vào đội ngũ Lô Hội, nhân viên này sẽ chỉ phải làm một nhiệm vụ duy nhất là trông coi, giám sát, không cho những người bị dụ vào hệ thống bỏ trốn.
Về sinh lý, toàn người trẻ khỏe cả, lại “lửa gần rơm”, tránh làm sao được. Toàn thanh niên mới lớn, mua đồ tránh thai thì ngại mà nhiều khi họ cũng chẳng có tiền để mua nên xảy ra “sự cố” là điều dễ hiểu. Nhưng họ vậy quyết định ở bầy đàn như vậy để tiết kiệm tiền”, ông Thái nhấn mạnh.
Bí thư xã Phú Xuân cho hay, mới đây, công an thành phố đã có kế hoạch về triển khai điều kiện của nhà trọ đối với người nước ngoài, trong nước. Theo đó, nam nữ phải ở riêng, mỗi người ở tối thiểu 3 m2, nhưng trên thực tế, mọi việc vẫn nguyên thế. Họ vẫn ăn ở chung, sinh hoạt bầy đàn như trước.
“Xã mới chỉ phối hợp kiểm tra hành chính 1 – 2 lần, thông báo quy định về các điều kiện nhà cho thuê trọ tới các hộ dân. Tổ tự quản cũng đã xử lý một số trường hợp vi phạm, nhưng không nhiều. Giờ họ đặt theo nhóm, nhóm Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình… Mỗi nhóm có 1 người cầm đầu, còn lại là các nhân viên”, ông Thái tiết lộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vị - Phó trưởng thôn Nghĩa Chính, chủ một dãy nhà trọ chỉ cho nhân viên Lô Hội thuê, người hết sức ủng hộ kiểu sống bầy đàn này vẫn khăng khăng quan điểm: “Các cháu của công ty Lô Hội vẫn chấp hành toàn bộ quy chế của địa phương”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vị tỏ ra buồn rầu không phải vì lối sống quá thoáng của một bộ phận các bạn trẻ ngày nay mà bởi… giá phòng đã giảm.
“Mỗi nhà giờ chỉ còn 12 – 15 người, có giường theo yêu cầu của địa phương. Giờ họ ở riêng phòng, nam, nữ khi ngủ có vách ngăn riêng. Nhà giờ cũng phải xuống giá. 13m2 trước cho thuê với giá 2 – 3 triệu đồng, giờ chỉ còn khoảng 1 – 1,5 triệu đồng”, ông Vị nói. Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Minh Quang (Vũ Thư, Thái Bình)
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Thiêm – trưởng công an xã Minh Quang nói: “Từ khi có công ty TNHH Lô Hội, các hộ dân mới vay nợ làm nhà cho thuê lưu trú.
Đến nay, toàn xã gồm 2 khu có tới 35 hộ làm nhà cấp 4 cho sinh viên của công ty Lô Hội thuê với giá hai bên tự thỏa thuận. Có khoảng 800 – 900 sinh viên đang lưu trú tại địa bàn xã. Mặc dù vậy, họ chưa vi phạm về an ninh trật tự, có lối sống lành mạnh và kỉ luật nghiêm”.
Thế nhưng, lối sống lành mạnh và kỷ luật nghiêm tới đâu, qua loạt bài điều tra của phóng viên VTC News, hẳn độc giả đã có được cái nhìn khách quan nhất.
Độc giả có thể chia sẻ quan điểm, phản ánh của mình hoặc cung cấp thêm thông tin về bán hàng đa cấp bằng cách gửi phản hồi vào ô thảo luận phía cuối bài viết hoặc gửi email về địa chỉ [email protected]. Trân trọng cám ơn!
Nhóm PV
Bình luận