Năm nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải chính với khoảng 40% sản lượng. Tại Bắc Giang, vào vụ thu hoạch có trên 200 thương nhân Trung Quốc đến giám sát thu mua vải thiều.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng vải tại 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đều giảm so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái sản lượng vải của Bắc Giang đạt 200.000 tấn, Hải Dương 40.000- 60.000 tấn thì năm nay ước giảm khoảng 10%.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, nguyên nhân sản lượng vải giảm là do giảm diện tích để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay cao hơn những năm trước.
Mặt khác, ông Tấn cho biết, thị trường xuất khẩu chính của quả vải vẫn là Trung Quốc, chiếm 90% số lượng vải xuất khẩu. Còn lại các thị trường mới mở số lượng vẫn hạn chế.
Cục Bảo vệ thực vật cũng như các tỉnh đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp ùn tắc. Bên cạnh đó, hàng không cũng cam kết với tỉnh dành tải trọng, tạo điều kiện để xuất quả vải đi các nước.
Ông Tấn cũng cho biết, công tác xúc tiến đang được tiến hành bài bản. Thông điệp phải được giải quyết từ quả vải thiều, không thể để tình trạng được mùa mất giá.
Heo bị bơm nước, tiêm thuốc mê
Ngày 31/5, Chi cục Thú y TP HCM cho biết đang lưu giữ 325 con heo có nguồn gốc từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An có dấu hiệu bơm nước và tiêm thuốc tiền mê trước khi đưa vào giết mổ.
Số heo này thuộc 4 lô, trong đó có 3 lô đưa về cơ sở giết mổ Xuyên Á và 1 lô đưa về lò Tân Thạnh Đông (cùng huyện Củ Chi). Qua làm việc, các chủ hàng đã thừa nhận số heo trên có bơm nước.
Theo quy định, chủ lô heo sẽ bị phạt 5,5 triệu đồng/trường hợp đồng thời chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm. Ngoài ra, số heo trên sẽ được lưu giữ đến khi đào thải hết nước, sức khỏe bình thường mới được cho giết mổ. Quá trình lưu giữ, có 2 con heo đã bị chết, chủ hàng buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, vào giữa tháng 5, Chi cục Thú y TP HCM cũng đã chặn được 623 con heo bơm nước từ các tỉnh đưa về TP giết mổ, quá trình lưu giữ cũng có 12 con heo bị chết.
Thời gian qua, hoạt động lấy mẫu kiểm tra chất cấm (chủ yếu là nhóm chất tạo nạc) vẫn được lực lượng thú y triển khai thực hiện nhưng chưa phát hiện lô nào dương tính sau vụ việc một lô heo 80 con bị tiêu hủy hồi cuối tháng 4 vừa qua.
37 triệu nuôi một nhân viên SCIC
Báo cáo tài chính năm 2015 vừa công bố của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, mức chi bình quân cho mỗi cán bộ, nhân viên SCIC đạt 37 triệu đồng/tháng – cao hơn 9% so với con số 34,4 triệu đồng/tháng của năm 2014.
Mức chi bình quân cho mỗi cán bộ, nhân viên SCIC đạt 37 triệu đồng/tháng – cao hơn 9% so với con số 34,4 triệu đồng/tháng của năm 2014
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, số nhân viên của Tổng công ty và công ty con là 273 người. Chi phí nhân viên của năm 2015 là 49,3 tỷ đồng – tăng 1,9 lần so với năm 2014. Chi phí nhân viên quản lý là 71,7 tỷ đồng – tăng 10%. Như vậy, tổng chi phí cho cán bộ, nhân viên SCIC năm 2015 là 121 tỷ đồng.
Mức chi này không hẳn là tiền lương bình quân mà cán bộ nhân viên SCIC thực lĩnh mà bao gồm nhiều chi phí liên quan đến lương mà doanh nghiệp phải trả như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay kinh phí công đoàn.
Hiện SCIC chưa công bố mức thu nhập chính thức của nhân viên trong năm 2015. Trong khi đó, theo báo cáo hoạt động năm 2014 được công bố công khai của Tổng công ty này, thu nhập bình quân của người lao động là 30,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức thu nhập của viên chức quản lý chuyên trách là 47,2 triệu đồng/tháng và của viên chức quản lý không chuyên trách là hơn 15 triệu đồng/tháng.
Riêng thu nhập của lãnh đạo ở mức 45-50 triệu đồng/tháng. Cụ thể, thu nhập hàng tháng của Tổng giám đốc là 51,2 triệu đồng, các phó TGĐ là hơn 47 triệu đồng.
Bầu Thắng trúng đậm
Công ty cổ phần Đồng Tâm vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Tại đại hội, Đồng Tâm cho biết năm 2015, công ty đạt doanh thu thuần 1.886 tỷ đồng, tăng 6,88% so với năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 58,09%, lên mức 279 tỷ đồng.
Đây là mức lãi lớn nhất của Đồng Tâm, ghi nhận dấu ấn trở lại của Bầu Thắng sau giai đoạn làm ăn sa sút vào khoảng 2011-2012.
Khoản lợi nhuận lớn của Đồng Tâm là do chiến lược đầu tư vào đế chế bánh kẹo Kinh Đô (sau này đổi tên thành KiDo) trong năm 2014, dù Đồng Tâm suốt 45 năm chỉ gắn với gạch, ngói, bê tông và sơn nước…
Cuối tháng 5/2014, Bầu Thắng và ban lãnh đạo Đồng Tâm đã quyết định chi gần 460 tỷ đồng mua hơn 10,4 triệu cổ phần KDC. Khoản đầu tư này đã gặp nhiều ý kiến trái chiều, lúc đó giới đầu tư cho rằng đây là một quyết định đầu tư mạo hiểm bởi nguồn tiền đầu tư lớn này chiếm tới hơn 80% vốn chủ sở hữu của Đồng Tâm lúc đó. Cổ phiếu KDC khi đó cũng được định giá ở mức khá cao.
Hơn nữa, trong nửa đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của Đồng Tâm kém khả quan khi doanh thu giảm tới 35% và lợi nhuận chỉ đạt 32,4 tỷ đồng, giảm tới 65% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cũng chủ yếu đến từ tiền bồi thường, vi phạm hợp đồng.
Khi đó Bầu Thắng giải thích quyết định đầu tư vào Kinh Đô vì đây là doanh nghiệp tốt, có chiến lược kinh doanh mới tiềm năng và cổ tức hàng năm chi trả ở mức khá cao. Cuối năm 2014, khoản đầu tư đã cho "quả ngọt" khi giá cổ phiếu tăng mạnh do thông tin Kinh Đô đã hoàn tất thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International thu về 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD). Ngay sau đó, Kinh Đô quyết định trả cổ tức "khủng" 200%, cổ phiếu KDC được nhà đầu tư săn lùng và luôn trong tình trạng cháy hàng.
Đến tháng 8/2015, Đồng Tâm với việc sở hữu gần 12,5 triệu cổ phiếu (tăng do chia cổ phiếu thưởng) đã nhận về khoảng 260 tỷ đồng tiền mặt. Trước đó năm 2014 cũng nhận về 23 tỷ đồng tiền cổ tức. Khoản tiền này đã góp phần lớn vào lợi nhuận của Đồng Tâm năm 2015.
Sau khi nhận cổ tức khủng, Đồng Tâm đã có động thái thoái vốn và không còn là cổ đông lớn của Kinh Đô nữa. Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm xuống 210 tỷ, trả cổ tức dự kiến là 25%.
Bầu Đức sẽ bán nước ép
Mới đây, tỉnh Gia Lai đã có quyết định thu hồi hai 2 dự án tiêu của Hoàng Anh Gia Lai và đồng ý cho tập đoàn này chuyển đổi tổng cộng gần 685ha đất trồng cỏ sang trồng cây ăn trái để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến các sản phẩm trái cây của tập đoàn.
Cụ thể, Công ty Bò sữa Tây Nguyên được chuyển đổi 195,8ha đất tại huyện Ia Grai do tỉnh cho thuê tại quyết định số 73 năm 2015.
Công ty Chăn nuôi Gia Lai được chuyển đổi 488,8ha tại huyện Mang Yang được tỉnh cho thuê tại quyết định số 79 năm 2015.
Đây là một hướng đầu tư mới của Hoàng Anh Gia Lai trong giai đoạn khó khăn này. Khoản nợ 28.000 tỷ đồng dù được phía Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu giãn nợ, song vẫn là một gánh nặng đòi hỏi tái cơ cấu doanh nghiệp. Cách đây vài ngày Hoàng Anh Gia Lai đã bị thu hồi dự án nuôi bò, trồng cỏ và nuôi bò thịt công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng thu hồi 50ha của Hoàng Anh Gia Lai ở TP Pleiku với hiện trạng là đất đang trồng tiêu và đất đường lô. Sau khi thu hồi, đất sẽ được giao cho Công ty nông nghiệp Nuti (công ty con của Nutifood) để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây hồ tiêu.
Bình luận