(VTC News) - Xu hướng sở hữu một CLB nổi tiếng ở châu Âu đang ngày càng được các đại gia khu vực Đông Nam Á ưa chuộng.
Vùng trũng lên tiếng
Đông Nam Á có thể là vùng trũng của bóng đá thế giới, khi mà đội có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng FIFA là Philippines chỉ đứng thứ 127. Còn đội xếp thấp nhất, Brunei, thậm chí đã gần chạm đáy bảng khi đứng ở tận vị trí 190 (theo bảng xếp hạng mới nhất tháng 12/2013).
Erick Thohir thâu tóm Inter là một thương vụ đầy bất ngờ |
Không chỉ trên bình diện thế giới mà ở trong châu lục, bóng đá Đông Nam Á cũng hầu như chẳng có tiếng nói đáng kể. Đội bóng vừa thâu tóm cả 4 chiếc HCV bóng đá ở SEA Games 27 - Thái Lan - cũng thường xuyên bị loại sớm ở các vòng chung kết bóng đá châu Á. Còn những đại diện khác như Indonesia, Singapore, Malaysia và thậm chí là Việt Nam đều sớm bị loại sớm khỏi sân chơi này.
Nhưng như thế, không có nghĩa là Đông Nam Á "chết chìm" trên bản đồ bóng đá thế giới. Nhờ những đại gia giàu có và sẵn sàng chịu chơi, vùng trũng của bóng đá thế giới vẫn biết cách cất lên những tiếng nói dõng dạc.
Người đầu tiên phải kể đến là Vincent Tan, vị tỷ phú sinh năm 1952 người Malaysia đang là Chủ tịch Cardiff, đội bóng vừa giành quyền thăng hạng Premier League mùa vừa rồi. Nhờ những đồng riggit từ Malaysia mà đội bóng xứ Wales đã chuyển mình mạnh mẽ, thậm chí họ còn gây ấn tượng trong mùa giải này khi quật ngã Man City và cầm hòa Man Utd.
Tiếp theo Vincent Tan là Erick Thohir, tỷ phú trẻ người Indonesia. Dù mới chỉ 43 tuổi nhưng vị đại gia này đã là Chủ tịch của CLB Inter Milan danh tiếng, đồng thời được cho là đang nắm giữ khối tài sản lên tới 25 tỷ USD. Tham vọng của Thohir với Inter là rất lớn, không chỉ ở biên giới Italia, mà còn là toàn châu Âu.
Mới nhất, theo phong trào đi lên của các tỷ phú Đông Nam Á là Peter Lim. Đại gia người Singapore vừa hoàn tất thủ tục thanh toán toàn bộ 500 triệu euro tiền nợ trong ngân hàng cho CLB Valencia tại Tây Ban Nha, kèm theo đó là lời hứa bơm 100 triệu euro phục vụ cho việc "shopping mùa đông".
Bước tiến tiếp theo của bầu Đức là phải mua 1 CLB châu Âu |
Chờ bầu Đức lên tiếng
Điểm chung của các vụ chuyển quyền sở hữu trên là chúng đều xảy ra ở những CLB gặp khó khăn về tài chính. Cardiff ngụp lặn tận xứ Wales, với miếng bánh được cắt ra từ bản quyền truyền hình và tài trợ là rất nhỏ. Inter đã kiệt quệ cùng cổ phiếu của ngài Chủ tịch Moratti. Còn Valencia, từ 5, 6 năm nay, họ liên tục phải "bán máu nuôi thân" qua những thương vụ như Villa, Silva, Mata, Soldado...
Những CLB như Valencia, như Inter hay Cardiff ở châu Âu bây giờ chẳng hiếm. Và vì thế, cơ hội dành cho những tỷ phú chịu chơi của Đông Nam Á, trong đó có bầu Đức, chắc chắn cũng không ít.
Đối thủ đáng ngại nhất của U19 Việt Nam
|
Sau thương vụ hợp tác thành công cùng gã khổng lồ Arsenal, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang chờ một bước tiến mới trong sự nghiệp làm thể thao của bầu Đức. Xét về khoản chịu chơi, chắc khó có ai bì kịp ông chủ của HAGL khi trong quá khứ, ông từng mời nguyên nửa đội hình tuyển Thái Lan về phố Núi để vô địch V-League ngay mùa đầu thăng hạng.
Sân chơi V-League giờ đã quá nhỏ bé với suy nghĩ của bầu Đức. Ông muốn xuất khẩu bóng đá, với sản phẩm ưng ý là lứa U19 hiện tại. Nhưng cái khó của đại gia này là tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi V-League thì không "xứng tầm" còn J-League hay một giải đấu nào khác ở châu Á vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Suy đi tính lại, phương án chu toàn nhất cho bầu Đức vẫn là mua lại một CLB có tiếng của châu Âu, sau đó xuất khẩu dần dần những sản phẩm của Học viện HAGL Arsenal JMG sang trời Âu. Một công đôi việc, ông vừa nổi tiếng hơn khi sánh vai cùng Vincent Tan, Erick Thohir, Peter Lim, lại vừa phát triển được thể thao nước nhà như ông hằng mong ước.
Vấn đề bây giờ chỉ còn là bầu Đức có dám "lên tiếng" không mà thôi.
Phan Nguyên
Bình luận