Theo số liệu từ CBRE, tính đến quý II/2019, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại miền Bắc là 8.410ha đất công nghiệp và 149,8 ha nhà xưởng xây sẵn, tại miền Nam là 32.229,5 ha đất công nghiệp và 148 ha nhà xưởng xây sẵn.
Tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp đạt rất cao, trong đó, đối với đất công nghiệp ở miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy đạt 85,7%, nhà xưởng xây sẵn đạt 91,1%. Tại miền Nam, tỷ lệ tương ứng là 90% và 80%.
Mức giá thuê bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Hiện giá thuê đất công nghiệp tại miền Bắc là 88,2USD/m2/thời hạn thuê, nhà xưởng xây sẵn là 4,8USD/m2/thời hạn thuê. Ở miền Nam, giá thuê đất công nghiệp là 132USD/m2/thời hạn thuê, nhà xưởng xây sẵn là 4,5USD/m2/tháng. Mức giá này đã tăng khoảng 30 – 40% so với hai, ba năm trước đó.
Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường bất động sản công nghiệp có được nhờ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, định hướng xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, cùng các vùng kinh tế trọng điểm được thành lập.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gần đây đã khiến các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.
Chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng một phần ba Trung Quốc, điều này càng khuyến khích các công ty chuyển dịch về Việt Nam trong các năm qua.
Tuy nhiên, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, chiến tranh thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế. Điều này đem lại nhiều cơ hội khi hàng rào thuế quan giảm và tạo thêm động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vào Việt Nam cũng đang gặp phải một số thách thức, như việc tìm kiếm đối tác liên doanh tin cậy, vấn đề cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính còn hạn chế. Ngoài ra, chất lượng tài sản, tốc độ tăng trưởng giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất là những yếu tố mấu chốt cho quyết định của nhà đầu tư.
Ông Stephen kỳ vọng lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa sau 2019 và sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn vững mạnh. Việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp.
Để có thể thâm nhập được vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư sử dụng các hình thức khác nhau.
Thứ nhất là thu mua đất trực tiếp từ các công ty điều hành khu công nghiệp. Đây là phương thức truyền thống để mua được tài sản công nghiệp ở Việt Nam khi các nhà điều hành khu công nghiệp cho nhiều khách thuê khác nhau thuê lại đất trong chu kỳ thuê.
Các nhà đầu tư có thể mua tài sản trực tiếp từ Chính phủ như việc tập đoàn Amata Corporation – nhà cung cấp bất động sản công nghiệp từ Thái Lan, mua đất từ Chính phủ vào năm 1994, và thành lập nên khu công nghiệp Amata, một khu công nghiệp rộng 342 hecta tọa lạc tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Thứ hai là thành lập mối quan hệ liên doanh chiến lược với các đối tác địa phương có uy tín. Những doanh nghiệp này có quyền sử dụng quỹ địa ốc và có thể hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoàn tất các thủ tục và giấy phép kinh doanh.
Thứ ba là thu hồi đất trực tiếp, hoặc là bán và cho thuê lại các bất động sản công nghiệp đang hoạt động với thu nhập ổn định.
Như vậy có thể thấy, “trong cái khó ló cái khôn”, các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm ra nhiều hình thức để có thể triển khai bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, đón đầu xu thế dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang và từ các Hiệp định thương mại đã và đang có hiệu lực.
Bình luận