Một cuộc khủng hoảng xuất phát từ đại dịch có thể xoay chuyển mọi thứ. Barca lần đầu tiên trong lịch sử bán quyền đặt tên sân Camp Nou, với mục đích ban đầu để quyên góp tiền cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trên toàn thế giới, sau đó là tìm đối tác ký hợp đồng dài hạn lên tới hàng chục năm nhằm tăng cường ngân sách cho CLB.
"Năm đầu tiên cho COVID-19, 25 năm sau cho mục đích thương mại. Tại sao không?", Phó chủ tịch Jordi Cardoner mở đầu cuộc trò chuyện với ESPN. Tại đây, ông đã cung cấp cái nhìn toàn diện về cuộc khủng hoảng tài chính ở Barca hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đội chủ sân Camp Nou đang phải đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có khoản nợ gần nửa tỷ euro, khiến nhiều dự định của CLB phải tạm gác lại.
Hậu quả từ dịch COVID-19
Mùa giải 2017/18, Barca trở thành CLB thể thao đầu tiên có doanh thu hàng năm đạt mức một tỷ USD (khoảng 920 triệu Euro). Cuối tháng 2/2020, ông Cardoner thừa nhận việc tạm dừng bóng đá khiến đội bóng gặp tổn thất nặng nề, với khoản thu nhập giảm sút rõ rệt.
Barca mất khoảng 50 triệu Euro doanh thu từ việc bán vé và tham quan bảo tàng, 39 triệu euro từ bản quyền truyền hình, 20-25 triệu Euro thu nhập đến từ các hợp đồng thương mại, cửa hàng đồ lưu niệm, học viện bóng đá… Tổng số lên tới 120-140 triệu Euro.
"Chúng ta đều biết rằng cuối năm nay, hàng triệu người sẽ lâm vào cảnh thua lỗ. Barca cũng vậy, điều đó đồng nghĩa phải giảm chi tiêu", ông Cardoner cho biết.
Các cầu thủ Barca đã đồng ý cắt giảm 72% lương sau những cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Josep Bartomeu và nhóm nắm quyền lực trong phòng thay đồ gồm Lionel Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets và Sergi Roberto. Việc giảm lương sẽ chỉ bắt đầu từ tháng 3, giai đoạn các giải hoãn tổ chức, cho đến cuối mùa giải. Do đó, các cầu thủ sẽ chỉ mất khoảng 8-11% lương hàng năm. Con số này là đủ để hơn 500 nhân viên đang làm việc tại sân Camp Nou nhận lương đầy đủ trong mùa dịch.
Để có được thỏa thuận này, ban lãnh đạo Barca đã phải sắm vai "kẻ phản diện" trong mắt Messi và những cổ động viên của anh. Siêu sao người Argentina đăng tải lên trang cá nhân thông điệp khẳng định anh hoàn toàn ủng hộ việc giảm lương kể cả khi CLB không đòi hỏi điều đó. Song, mọi chuyện chưa dừng lại, Messi công khai chỉ trích "một số người" đã soi mói và hướng mũi dùi chỉ trích vào các cầu thủ.
Phản ứng của Cardoner và đồng sự là giữ hòa khí. Ông nói: "Các cầu thủ phản ứng rất tích cực với điều này. Họ hiểu tình hình ngay từ đầu và sẵn sàng nỗ lực vì điều đó. Ai cũng hiểu tình thế lúc này không phải trò đùa".
Doanh thu của CLB dự kiến sụt giảm mạnh vào mùa tới, đặc biệt nếu tình hình dịch bệnh không chuyển biến tích cực, khiến các trận đấu phải diễn ra trên sân không khán giả.
"Chúng tôi đang chuẩn bị ngân sách cho mùa tới và sẽ điều chỉnh chi tiêu tùy vào thu nhập của CLB", Phó Chủ tịch Barca khẳng định.
Ông Cardoner cũng tiết lộ Barca đang nợ khoảng 460-470 triệu Euro. Theo báo cáo của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), chỉ Man Utd và Tottenham Hotspur nợ nhiều hơn đội chủ sân Camp Nou. Tuy nhiên, vị phó chủ tịch cũng khẳng định tài chính CLB vẫn trong tầm kiểm soát. Khoản nợ chỉ bằng nửa doanh thu hàng năm. Trong khi đó, cách đây một thập kỷ, Barca nợ 400 triệu Euro, bằng với doanh thu hàng năm.
Cardoner chia sẻ: "Nhiều người đang tự hỏi liệu CLB có phải vật lộn với tình hình tài chính, qua đó khiến chất lượng trận đấu giảm sút? Điều này là không đúng. Tổng lợi nhuận trong giai đoạn 2011 - 2019 của CLB là 190 triệu Euro. Số tiền này có thể bù vào khoản lỗ năm nay. Về cơ bản, tình hình tài chính của Barca khá vững chắc, nên khoản nợ sẽ không ảnh hưởng đến chúng tôi nhiều như các CLB khác".
Nhiều kế hoạch đổ bể
Mới đây, ban tổ chức La Liga hy vọng giải đấu có thể quay trở lại vào tháng 6. Song, tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha đang diễn biến phức tạp, khiến thời điểm chính thức vẫn chưa được xác định. Không có bóng đá đồng nghĩa phong độ của các cầu thủ giảm sút.
Hiện tại, các CLB đã cho phép cầu thủ trở lại tập luyện nhưng phải kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt trước khi vào sân. Ông Cardoner dự đoán khán giả chỉ có thể trở lại sân sớm nhất vào tháng 2/2021.
Thị trường chuyển nhượng hè chưa biết khi nào mở cửa trở lại, trong khi các CLB cũng lâm vào cảnh khó khăn về tài chính. Nhiều khả năng các thương vụ bom tấn sẽ không xuất hiện, thay vào đó là những thỏa thuận cho mượn với thời hạn kéo dài, giữa nhiều CLB với nhau. Mới đây, Fabio Paratici, giám đốc thể thao của Juventus, cũng thừa nhận điều này.
Ông cho biết: "Những gì chúng ta sẽ thấy là các hợp đồng cho mượn với thời hạn dài hơn, khoảng 2 năm, thậm chí 3 năm. Chắc chắn sẽ có ít tiền lưu thông trên thị trường chuyển nhượng, điều đó là hiển nhiên. Tôi tin nếu chúng ta trao đổi cầu thủ giữa 12-15 CLB hàng đầu, giá trị chuyển nhượng của họ sẽ không giảm".
"Không gian Barca" cũng là một trong những dự án ban lãnh đạo phải tạm gác lại. Đây là kế hoạch biến sân Camp Nou thành khu phức hợp thể thao số một thế giới, với sân vận động được cải tạo, hệ thống văn phòng, nhà hàng, bảo tàng... được nâng cấp. Dự án này dự kiến tiêu tốn khoảng 630 triệu euro, khiến nó trở thành mục tiêu bất khả thi ở hiện tại.
Cardoner là một trong những thành viên thuộc ban lãnh đạo vẫn trung thành với Chủ tịch Bartomeu. Cách đây không lâu, 6 người khác đã đệ đơn từ chức khi cho rằng bị chủ tịch Barca lừa dối. Barca đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng tình hình nội bộ cũng không khả quan hơn là bao. Việc Chủ tịch Bartomeu ngày càng đánh mất lòng tin từ ban lãnh đạo và các cầu thủ khiến nhiệm kỳ cuối cùng của ông tại sân Camp Nou phải đối diện không ít sóng gió.
Bình luận