• Zalo

Bảo mẫu hành hạ trẻ em: Các luật sư phẫn nộ

Pháp luậtThứ Tư, 18/12/2013 07:08:00 +07:00Google News

“Sau khi xem xong video clip, tôi rất bàng hoàng và phẫn nộ trước hành động của bảo mẫu, thật sự không hiểu sao họ lại vô cảm đến như vậy".

“Sau khi xem xong video clip, tôi rất bàng hoàng và phẫn nộ trước hành động của bảo mẫu, thật sự không hiểu sao họ lại vô cảm đến như vậy".

Trước những hình ảnh, thông tin về vụ bảo mẫu đánh đập, ngược đãi trẻ em ở lớp mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức (TP HCM), nhiều luật sư đã bày tỏ sự bất bình. Dưới đây là những chia sẻ về luật pháp và thái độ của luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ.

- Việc bảo mẫu hành hạ trẻ em tại trường mẫu giáo tư thục Phương Anh đang gây phẫn nộ trong dư luận, luật sư có bình luận gì về vụ việc này?

Qua sự kiện này chúng ta thấy rằng, bạo hành trẻ em trong các trường mầm non tư thục không còn là những hiện tượng cá biệt, mà nó trở nên phổ biến. Trước đây, từng có những chuyện bạo hành gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Nhu cầu xã hội về việc gửi trẻ đang rất cấp thiết trong môi trường lao động tại các thành phố lớn, vì công việc nên gia đình có con nhỏ phải gửi các bé cho các trường mầm non chăm sóc. Tuy nhiên, hệ thống trường công lập hoàn toàn không đủ sức đáp ứng các nhu cầu hiện nay, từ đó ồ ạt các trường mầm non tư thục ra đời với các điều kiện thành lập quá dễ dãi, giáo viên không được đào tạo bài bản theo đúng quy định chuyên môn đã khiến cho các bậc cha mẹ không mấy yên tâm khi gửi con và thực tế thì việc hành hạ trẻ đang diễn ra nhiều nơi nhưng không được kiểm soát chặt chẽ.

- Là một người cha, luật sư có thấy phẫn nộ với những kiểu đày đọa trẻ em như thế không?


Sau khi xem xong video clip, tôi rất bàng hoàng và phẫn nộ trước hành động của giáo viên, bảo mẫu. Thật sự không hiểu sao họ lại vô cảm đến mức như vậy. Giữa con người với nhau mà đối xử như thế thiệt tình là không hiểu nổi bản chất của con người đó, đó là chưa kể họ có đến 7 năm kinh nghiệm tại một trường mầm non trong trung tâm thành phố. Bản thân tôi hiện đang có hai con nhỏ cũng gửi trường mầm non tư thục nhưng may mắn đó là một ngôi trường khá tốt mà vợ chồng tôi đã lựa chọn gửi các con trong nhiều năm.

- Theo luật sư, người bảo mẫu ấy sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật?


Trong trường hợp này, phải có biện pháp xử lý mạnh, công khai để đủ sức răn đe những ai có hành vi tương tự nhưng chưa bị phát hiện.

Về mức độ hành vi vi phạm pháp luật của hai “cô giáo” thì đã vi phạm Khoản 1, Điều 13, Nghị Định 91/2011/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mức phạt hành chính từ 1.000.000  đến 5.000.000 đồng.

Tuy nhiên, hành vi của các bảo mẫu này là nghiêm trọng. Nếu phụ huynh hoặc chính quyền đoàn thể có đơn tố cáo hành vi trên thì Cơ quan Điều tra vào cuộc, lấy lời khai, chứng cứ liên quan, nếu có căn cứ cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị khởi tố vụ án theo tội danh quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự: Tội hành hạ người khác, có mức phạt cao nhất là 3 năm tù giam.

- Luật sư có thể lý giải vì sao Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên tham gia ký công ước quyền trẻ em nhưng tình trạng này vẫn xảy ra?


Việt Nam ta tham gia Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã cho thấy rằng người Việt Nam cũng rất quan tâm đến sự phát triển của các thế hệ tương lai đất nước, nó là cơ sở quan trọng hình thành nên hệ thống pháp luật và nhận thức của Chính phủ Việt Nam trong quá trình đảm bảo phát triển giống nòi sánh ngang các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nước ta mới bắt đầu vận hành theo kinh tế thị trường nên mặt trái của xã hội còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết, đó là sự tập trung dân cư vào các thành phố phát triển, ngoài ưu điểm là dồi dào các nguồn lao động thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thì bên cạnh đó, gánh nặng về y tế và giáo dục không phải một sớm một chiều giải quyết được, trong đó, bao gồm hình thức giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà trẻ đúng theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất và giáo viên có chuyên môn đòi hỏi một nguồn lực quá lớn mà Nhà nước không gánh nổi. Xã hội hóa giáo dục là một chính sách đúng đắn, tuy nhiên có nhiều vấn đề mặt trái phát sinh khi tư nhân tham gia vào giáo dục đào tạo nói chung và hệ thống mầm non tư thục nói riêng.

Riêng hệ thống giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo tư thục chưa được ngành giáo dục và chính quyền địa phương quan tâm thỏa đáng, việc thành lập và hoạt động không được kiểm soát chặt chẽ, thiếu những quy định mang tính chất bảo vệ quyền lợi của trẻ em khi tham gia vào hệ thống đào tạo. Trong tương lai, nếu không sớm chấn chỉnh phương pháp quản lý thì những hiện tượng tương tự vẫn còn diễn ra với những hậu quả xã hội khôn lường mặc dù nước ta tham gia từ đầu Công ước Quyền trẻ em với quốc tế.

- Từ góc độ pháp luật, luật sư có kiến nghị gì để hạn chế tình trạng này?


Trước hết, về quan điểm giáo dục thì cần xem kinh doanh trong lĩnh vực “Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo” thuộc ngành nghề đặc biệt có điều kiện, từ đó sớm ban hành những quy chế thành lập và hoạt động, cơ chế giám sát hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết thực của phụ huynh gửi trẻ và nhà đầu tư thành lập trường.

Cơ chế giám sát nên tập trung cho chính quyền địa phương cấp phường xã phối hợp cùng cơ quan quản lý giáo dục cấp quận, huyện. Còn vấn đề xử lý vi phạm chỉ là giải pháp sau cùng khi hậu quả đáng tiếp đã xảy ra.

Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định tại Điều 4 Luật giáo dục, bên cạnh đó còn có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Do đó, để hạn chế tình trạng này thì hơn ai hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng ban hành các quy định hướng dẫn, cụ thể hóa các Quyền trẻ em cùng với xây dựng thể chế bảo vệ các quyền đó, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương kiểm tra giám sát thường xuyên thì trong tương lai gần tình trạng này sẽ chấm dứt.

- Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình – Đoàn luật sư TP.HCM, nhấn mạnh hơn từ góc độ Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em: Theo luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi của người bảo mẫu này đã vi phạm điều cấm cụ thể tại điều 7 quy định nghiêm cấm các hành trong đó có khoản 6 quy định, nghiêm cấm:

Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;

Tại khoản 2, điều 6 luật này quy định:

Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Bộ luật hình sự tại điều 110 có quy định về tội hành hạ người khác như sau:

1.Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.

Như vậy, hành vi của người bảo mẫu đã đủ yếu tố cấu thành tội hành hạ người khác theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, đối tượng ở đây là trẻ em thuộc trường hợp định khung tăng nặng theo khoản 2, điều 110 BLHS. Và do vậy, người bảo mẫu này sẽ chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ một đến ba năm tù.

Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ, hành vi những bảo mẫu này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại điều 104 BLHS.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, để hạn chế tình trạng này, theo tôi trước tiên là giáo dục ý thức, tuyên truyền rộng rãi pháp luật để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Đồng thời, nên tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, chúng ta cần có những quy định về quyền và nghĩa vụ của những người chăm sóc, trông giữ trẻ em chặt chẽ hơn. Cần có quy định những tiêu chuẩn nhất định đối với những người trong hoạt động hành nghề giữ trẻ.

Trong việc quản lý, đặc biệt là hoạt động của các trường mầm non, các cơ sở giữ trẻ cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm để bảo vệ, đảm bảo được môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ em. Nếu phát hiện những sai sót cần xử lý nghiêm minh kịp thời không bao che cho người phạm tội. Những loại tội phạm này khi xét xử cần mở những phiên tòa lưu động nhằm để phổ biến, giáo dục pháp luật vào quần chúng. Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, khi xảy ra những hành vi bạo hành  đối với trẻ em thì trách nhiệm cũng nên đặt ra đối với những người làm công tác quản lý địa phương để tạo tính răn đe và để họ thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình.





Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn