Chuyện giảm giá thành để thu hút người dùng vốn là xu thế chung của viễn thông thế giới nhưng giá thành các gói cước 3G ở Việt Nam vẫn tăng dần đều.
Nghịch lý trong thị trường 3G
Dịch vụ 3G xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2009, nhưng mới chỉ bắt đầu nở rộ với số lượng người dùng tăng mạnh kể từ khi các nhà mạng đua nhau giảm giá các dịch vụ này. Để tăng mức độ cạnh tranh, các nhà mạng liên tiếp tung ra các gói cước 3G hấp dẫn với những đợt khuyến mại khủng.
Trong thời gian ngắn, nhờ nỗ lực đua ngược dòng bão giá của các nhà mạng, số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G tăng chóng mặt. Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nước có giá cước 3G hấp dẫn nhất thế giới.
Đã có thời điểm giá dịch vụ này ở Việt Nam không bằng 50% giá thành các nhà mạng phải bỏ ra. Tại thời điểm hiện tại, giá cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn gần 10 lần so với Trung Quốc và kém khoảng 40 lần so với các nước châu Âu.
Đại diện của Viettel cho biết: Các nhà mạng tại Việt Nam đã giảm giá cước 3G xuống dưới mức giá thành. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G trên điện thoại di động đang tăng nhanh nhưng doanh thu từ mảng này lại tăng rất ít.
Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ doanh thu của dịch vụ dữ liệu di động chỉ tăng 7% và con số này là 10% trong năm 2013. Nhà mạng đã phải đầu tư thêm rất nhiều kinh phí nhằm mở rộng hạ tầng, nâng cấp hệ thống, chính vì vậy, doanh thu từ dịch vụ này khá ì ạch. Giá thành các gói cước 3G ở Việt Nam vẫn tăng dần đều
Nếu cứ giữ nguyên mức giá này, nhà mạng sẽ không thể đầu tư phát triển mạng lưới cũng như nâng cao chất lượng của dịch vụ 3G. Chính vì vậy, việc tăng giá cước 3G là chuyện bắt buộc.
Vấn đề sẽ không trở nên “dậy sóng” nếu cách đây 1 năm các dịch vụ OTT (over the top - dịch vụ thực hiện cuộc gọi qua Internet) không xuất hiện gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng. Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 40-50%.
Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho biết, các dịch vụ OTT đã làm giảm doanh thu của các nhà mạng viễn thông từ 9-10%. Bởi vậy, giá thành 3G ở Việt Nam thấp có lẽ chỉ là cái cớ để các nhà mạng đẩy giá lên nhằm đối phó với sự xuất hiện của những dịch vụ OTT như Viber, Kakao Talk, Zalo, WhatsApp, Line,…
Mới đây, các nhà mạng đã có những động thái khởi động lộ trình tăng giá dịch vụ 3G khi đề xuất lên Bộ TT&TT lộ trình tăng cước cho dịch vụ 3G trong vòng 1 năm. Nếu yêu cầu trên được chấp thuận, người dùng 3G ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cơn bão giá trên thị trường này.
Sẽ kéo theo nhiều hệ lụy
Từ tháng 4, ngay khi các nhà mạng âm thầm tăng giá 25%, nhiều khách hàng của dịch vụ 3G đã bày tỏ thái độ bức xúc. Trên các diễn đàn công nghệ thông tin, nhiều người cho rằng đây là hành vi độc quyền của các nhà mạng. Bởi họ đăng ký sử dụng khi đồng ý sử dụng gói cước 3G không giới hạn với mức giá 40.000 đồng/tháng. Nên khi điều chỉnh tăng cước các nhà mạng phải tham khảo ý kiến từ phía người tiêu dùng.
Tăng không thông báo là độc quyền, không tôn trọng khách hàng. Còn nếu như đem giá dịch vụ 3G ở Việt Nam đi so sánh với các nước trên thế giới là khập khiễng bởi mức sống, thu nhập bình quân, tỉ giá đồng tiền khác biệt nhau.
Đặc biệt, phần lớn những khách hàng sử dụng 3G của các nhà mạng là tầng lớp sinh viên, việc tăng giá cước có thể sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể về số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G hiện nay.
Anh Lê Đức Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “3G ở Việt Nam không hề ổn định, chập chờn lúc có lúc không. Người ta đòi tăng giá thì đem so với châu Âu. Tôi thiết nghĩ, chất lượng như của nước người ta đi rồi mới đem ra so sánh được. Cảm giác như mình bị các nhà mạng qua cầu rút ván, ép người dùng phải theo sự sắp đặt của họ. Giảm giá để thu hút khách rồi tăng giá vô tội vạ”.
Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2012 do Công ty Nielsen và Báo Bưu điện thực hiện thường niên cho thấy: Số lượng người dùng mạng 3G tại Việt Nam trong năm 2012 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011, nhưng tỷ lệ người dùng hài lòng với chất lượng dịch vụ lại giảm đáng kể.
Chỉ số hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ 3G nói chung giảm từ 71 điểm năm 2011 xuống 64 điểm năm 2012. Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, khách hàng hài lòng với độ rộng của vùng phủ sóng (84 điểm), song vẫn chưa thực sự hài lòng về tốc độ đường truyền của các nhà mạng (55 điểm). Bởi vậy, không ít người đã tính đến chuyện tẩy chay 3G ở Việt Nam.
Song cũng có rất nhiều trường hợp tính đến việc nhờ cậy các dịch vụ làm sim sinh viên, sim đoàn viên nhan nhan trên thị trường. Các nhà mạng đưa ra các gói sim sinh viên, sim đoàn viên dành cho khách hàng là các sinh viên, đoàn viên với nhiều ưu đãi lớn.
Thời gian vừa qua, lợi dụng việc quản lý không tốt của các nhà mạng, các dịch vụ làm sim sinh viên, sim đoàn viên mọc lên nhan nhản. Những dịch vụ này sẽ giúp khách hàng không thuộc diện được phép đăng ký có thể sử dụng gói cước với nhiều ưu đãi. Khách hàng chỉ cần CMND với mức phí từ 150.000 - 180.000 đồng để ngay lập tức hưởng những ưu đãi. Trong đó, mức phí sử dụng 3G không giới hạn chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng.
Anh Hiệp (chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Trần Quốc Hoàn) cho biết: “Tôi đã bất ngờ khi có nhiều khách hàng khi mua điện thoại tại cửa hàng của tôi đều hỏi thêm về dịch vụ làm sim sinh viên, đoàn viên. Họ cho biết có nhiều nơi thực hiện việc này rất dễ dàng mặc cho những quy định của nhà mạng. Nếu tiếp tục tăng giá như hiện nay, tôi nghĩ sẽ xuất hiện ngày một nhiều những sim giả sinh viên, đoàn viên để được hưởng lợi từ các ưu đãi khủng của các nhà mạng. Lúc đó, nhà mạng mới chính là những người bị thiệt hại nặng nề. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ 3G ở Việt Nam không tốt. Nên thông tin tăng giá chỉ làm khách hàng phẫn nộ. Tôi cho rằng, cứ quan tâm tăng chất lượng dịch vụ, sẽ đến lúc người tiêu dùng vui vẻ chấp nhận việc tăng giá. Đôi bên cùng có lợi”.
Trước thực tế trên, các nhà mạng cần thực hiện các cuộc khảo sát quy mô, để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề trên. Để giá tăng khi chất lượng tăng mới làm hài lòng các khách hàng đang chán nản với chất lượng dịch vụ. Không thể để mãi cái cảnh, nhà mạng cứ “kêu khóc” là được tăng giá. Tất cả lại giáng xuống đầu người sử dụng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông tin chắc, cơn bão giá 3G nếu không có lộ trình tốt, gây được sự tin tưởng của khách hàng sẽ kéo theo những hệ lụy khủng khiếp khi mà ứng dụng OTT đang lên ngôi.
Theo Thu Cúc/ANTĐ
Bình luận