>> Bộ trưởng Thăng lại 'ra tay' với vấn đề vé tàu Tết
Sau 14 ngày tiến hành kiểm tra công tác bán vé phục vụ hành khách đi tàu tại Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (từ 21/12/2011 tới 5/1/2012), chiều qua (9/1), Thanh tra Bộ giao thông vận tải đã công bố kết quả kiểm tra công tác bán vé phục vụ hành khách đi tàu tại Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn. Qua đây, nhiều kẽ hở trong quá trình tổ chức bán vé qua mạng phục vụ hành khách đi tàu đã được phát hiện.
Cụ thể, Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Sài Gòn đã dành hơn 6.000 vé (gần 6%) để dành bán theo hình thức đối ngoại, đây là một tỉ lệ kho vé lớn.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện, chỉ cần có tài khoản của website vetau.com.vn là khách hàng có thể đặt được tối đa 4 vé chiều đi và 4 vé chiều về. Trong trường hợp khách hàng không thanh toán thì sau 72 giờ hệ thống mới tự động thu hồi các vé để tiếp tục bán.
Vì vậy có thể xảy ra các vé đã được đặt chỗ hết nhưng chưa phải đã được bán. Điều này dẫn tới tình trạng khan vé ảo. Bị cò vé lơi dụng để ôm vé, tạo ra các thời điểm khan hiếm vé giả tạo để trục lợi.
Thanh tra Bộ GTVT xác định việc bán vé tàu qua website của Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn còn nhiều điểm hạn chế, dễ bị cò vé lợi dụng.
Khi phân tích dữ liệu của hệ thống, Thanh tra Bộ nhận thấy tỷ lệ nhóm tài khoản giống nhau chiếm tỷ trọng lớn, nhiều tài khoản chỉ khác nhau ở phần số cuối và được tạo từ một địa chỉ IP. Số lượng chỗ đặt ảo chiếm khoảng 30% số chỗ đặt.Cùng đó là sai lệch dữ liệu giữa website vetau.com.vn và hệ thống bán vé điện toán.
Cụ thể, vetau.com.vnhiện tại chỉ thực hiện thao tác đặt chỗ và thanh toán. Sau khi kháchhàng thanh toán xong, nhân viên bán vé sẽ nhập dữ liệu hành khách đi tàu vào hệ thống bán vé điện toán do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, để thực hiện thao tác in vé cho hành khách. Vì vậy, việc sai lệch dữ liệu khi in vé phụ thuộc vào nhân viên bán vé. Điều này rất dễ bị các nhân viên bán vé lợi dụng thay đổi thông tin hành khách đi tàu.
Ngoài ra, đoàn thanh tra Bộ cũng phát hiện, website có thiết kế chức năng phân loại nhóm khách hàng và phân loại kho khác nhau. Quyền truy cập các kho, số lượng vé đặt được trong mỗi lần truy cập phụ thuộc vào nhóm khách hàng. Điều này có thể dẫn tới các đại ly có các ưu tiên về số lượng chỗ đặt, quyền truy cập kho.
Nếu quản trị hệ thống và các đại lý lợi dụng quyền này sẽ gây ra sự không công bằng trong đặt chỗ. Đây là quá trình vận hành có kẽ hở dễ bị các đại lý lợi dụng để đặt chỗ trên mạng.
Về công tác giám sát, kiểm tra việc bán vé tàu, Thanh tra Bộ cho rằng, từ tháng 10/2010, Đường sắt Việt Nam đã ủy quyền cho các công ty vận tải đường sắt chủ động bán vé hàng năm, nhưng thiếu kiểm tra, giám sát để uốn nắn, điều chỉnh kịp thời những hạn chế trong công tác bán vé tàu của các công ty.
Kết luận thanh tra cũng khẳng định, tình trạng hành khách khó mua vé trên website vetau.com.vn là có thật, hiện tượng cò vé lợi dụng hạn chế của hệ thống bán vé qua website để đặt chỗ và bán lại cho hành khách đi tàu là có cơ sở.
Do đó, để tạo thuận lợi cho hành khách mua vé tàu, đặc biệt trong các thời gian cao điểm như Tết, lễ hội, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn không tổ chức bán vé theo hình thức đối ngoại như trên.
Đồng thời, nhanh chóng làm chủ hệ thống vetau.com.vn; đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng để đáp ứng yêu cầu thời gian cao điểm; kiểm soát, ngăn chặn các tài khoản ảo; kiểm soát các kẽ hở mà các đối tượng có thể lợi dụng để truy cập hệ thống; lập đề án thực hiện việc khắc phục các hạn chế của việc bán vé qua mạng… báo cáo về Bộ GTVT vào đầu quý II năm 2012.
Lê Việt
Bình luận