Dự kiến ngày mai (17/10), TAND Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự.
Trước đó ngày 29/5, phiên tòa xét xử bị cáo Đào Thị Lương đã diễn ra, nhưng nhận thấy nhiều vấn đề của vụ án chưa được sáng tỏ, vì vậy Hội đồng xét cử đã quyết định trả lại hồ sơ để cơ quan điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, ngày 18/12/2016, tại cửa hàng của mình ở Chợ Mộc (Minh Quang, Ba Vì), bà Đào Thị Lương bán một số gói mì chính và đồ khô khác cho người phụ nữ tên Hồng, với tổng số tiền 704.000 đồng. Hồng có nhờ bà Lương tìm hộ người chở thuê.
Lúc này, Nguyễn Hồng Nhung (con dâu của bà Lương) đến lấy đồ ăn về nấu cơm, nhận lời chở thuê. Thấy vậy, Hồng đã trả trước 500.000 đồng cho bà Lương và hứa sẽ trả nốt số còn lại cùng với 100.000 đồng tiền thuê Nhung chở hàng đến khu vực gốc Mít (Tản Lĩnh, Ba Vì).
Khi Nhung mang hàng tới điểm hẹn trên, thì Hồng lại yêu cầu chở tiếp đến địa điểm tổ 20, phường Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây) và hứa sẽ trả thêm 300.000 đồng tiền công.
Khi chở đến nơi, chị Nhung gặp anh Vũ Thanh Xuân (SN 1972, trú tại phường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây)- làm nghề xe ôm. Anh này được thuê đến nhận hàng và thanh toán tiền. Khi hai bên đang giao dịch thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, công an thị xã Sơn Tây phát hiện và bắt giữ.
Khám xét nơi ở của bà Lương, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ thêm 4 gói mỳ chính các loại. Tổng cộng 28 gói mỳ chính nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon có tổng khối lượng khoảng 7,4kg. Cơ quan điều tra đã niêm phong. Qua kiểm tra giám định, toàn bộ số mỳ chính trên là hàng giả.
Bà Lương cho biết, số mì chính mà bà bán là còn thừa từ sau đám cưới của con trai mua của một người tên là Tuyên.
Về người phụ nữ tên Hồng đến mua hàng nhà bà Lương, do bị cáo Lương không biết rõ về họ tên, địa chỉ mà chỉ biết số điện thoại nên cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Tập đoàn bưu chính viễn thông Quân đội Viettel xác định chủ sở hữu số điện thoại trên nhưng chưa nhận được kết quả.
Vì vậy, CQĐT tách hành vi của người phụ nữ tên là Hồng trên để xác minh, làm rõ xử lý sau.
Đối với chị Nhung và anh Xuân, do không biết trong số hàng hóa đã bán cho người phụ nữ tên là Hồng có mỳ chính giả, cơ quan điều tra không đưa ra hình thức xử lý đối với anh Vũ Thanh Xuân.
“Hành vi nêu trên của bị can là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước; quyền bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó cần phải xử lý theo pháp luật để giáo dục và phòng ngừa chung”, cáo trạng nêu rõ.
Bình luận