Tác dụng của quả sung
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra những tác dụng của quả sung.
Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Từ xa xưa, quả sung được dùng như vị thuốc điều trị thay thế cho những vấn đề liên quan đến tiêu hóa, nổi bật phải kể đến chứng táo bón. Trong quả sung có khá nhiều chất xơ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hàm lượng chất xơ này sẽ làm mềm và bổ sung thêm lượng lớn vào trong phân, làm giảm tình trạng táo bón hiệu quả.
Các chất xơ cũng đóng vai trò như loại tiền sinh học hoặc cũng có thể là thức ăn cho các vi khuẩn lành mạnh bên trong đường ruột. Một nghiên cứu được thực hiện với 150 người bị tình trạng ruột kích thích đi kèm táo bón đã cho thấy, khi họ ăn khoảng 45g sung khô mỗi ngày thì các triệu chứng như đau, đầy hơi và cả táo bón giảm đi đáng kể.
Một nghiên cứu khác được thực hiện với 80 người cũng cho thấy, việc bổ sung thêm 300g bột sung mỗi ngày đều đặn trong 8 tuần sẽ làm cho tình trạng táo bón giảm đi đáng kể so với nhóm đối chứng.
Hỗ trợ sức khỏe mạch máu và tim
Tác dụng của sung còn là giúp huyết áp và mỡ máu được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, sức khỏe của các mạch máu cũng được ghi nhận ở mức tốt hơn, đồng thời làm giảm tỷ lệ bị mắc phải các bệnh về tim mạch chuyển hóa.
Sau khi thực hiện một nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, chiết xuất từ quả sung có thể làm giảm huyết áp ở trên những con chuột với chỉ số huyết áp từ bình thường cho đến cao. Theo những nghiên cứu trên động vật, cholesterol toàn phần được cải thiện đáng kể. Các cholesterol HDL và chất béo trung tính cũng ở trạng thái tốt hơn khi được bổ sung thếm chiết xuất lá của cây sung.
Tuy nhiên một nghiên cứu thực hiện với 83 người trong khoảng 5 tuần có hàm lượng cholesterol LDL (xấu) cao, thì việc bổ sung thêm 120g sung khô vào chế độ ăn hàng ngày đã ghi nhận kết quả như sau: Hàm lượng mỡ máu không có sự thay đổi so với nhóm thực hiện đối chứng.
Cho đến nay, chúng ta vẫn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để có thể phân tích và hiểu rõ được mối quan hệ của quả sung đối với sức khỏe của tim mạch.
Cải thiện sức khỏe làn da
Trong quả sung nhiều dưỡng chất có lợi với làn da, nhất là những người có tình trạng viêm da dị ứng, da khô. Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu với 45 trẻ em bị viêm da và cho thấy kết quả khá tốt. Họ sử dụng kem có chiết xuất từ quả sung khô hai lần/ngày trong 2 tuần liên tục. Các triệu chứng của bệnh viêm da cũng được cải thiện hơn rất nhiều so với các phương pháp điều trị khác.
Bên cạnh đó, chiết xuất từ các loại trái cây (có cả quả sung) cũng cho thấy được chúng có khả năng chống oxy hóa đối với các tế bào da. Không những thế, chúng còn làm giảm sự phân hủy các collagen và làm chậm lại sự xuất hiện của các nếp nhăn.
Vì vậy vẫn rất khó để có thể xác định được các tác động tích cực đối với làn da là do chiết xuất của quả sung hay là các loại quả khác. Các nhà nghiên cứu vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để làm sáng rõ tác dụng của quả sung đối với làn da.
Trong một nghiên cứu được đăng ở trên tờ Tạp chí Da liễu Quốc tế cho thấy, 25 người bị mụn cóc thông thường đã bôi mủ sung ở một bên và một bên dùng phương pháp áp lạnh từ quả sung. Kết quả cho thấy, 44% số người tham gia bôi mủ sung đã giải quyết được mụn cóc hoàn toàn. Bên cạnh đó thì phương pháp áp lạnh lại cho kết quả đáng kinh ngạc hơn với 56% còn lại.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không hiểu được lý do vì sao quả sung có thể giải quyết được vấn đề mụn cóc. Mủ của cây sung có thể mang đến những giải pháp điều trị khá an toàn và cũng rất dễ sử dụng mà lại ít tác dụng phụ.
Bên cạnh những lợi ích nổi bật kể trên thì các nhà khoa học cũng cho thấy quả sung còn có khả năng làm giảm lượng đường huyết, cải thiện sức khỏe của tóc và có thể hạ cơn sốt. Tuy nhiên, các công dụng này vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng thực được khả năng của chúng đối với sức khỏe.
Bài thuốc chữa bệnh từ quả sung
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Vũ Duy Thành cho biết, quả sung vị ngọt tính bình quy kinh phế đại tràng, có thể dùng tươi hay khô:
Dùng tươi: Quả sung tươi hàm lượng calo thấp và có thể làm thành món ăn nhẹ. Để sử dụng quả sung tươi cần đem ngâm nước muối 15-20 phút rồi rửa sạch bằng nước.
Dùng khô: Quả sung khô chứa nhiều đường và calo nên ăn vừa phải. Để làm quả sung khô cần đem rửa sạch rồi phơi khô trong bóng dâm.
Dùng bột sung chữa đau dạ dày
Rửa sung sạch ngâm với nước muối pha loãng khoảng 20 phút. Sau đó vớt sung ra để ráo nước. Tiếp theo bổ quả sung làm đôi, đem phơi khô, sao vàng và tán thành bột mịn cho vào hũ để nơi thoáng mát.
Khi bị đau dạ dày, lấy 2 thìa cà phê bột sung đem pha với 100ml nước ấm uống. Mỗi ngày 2 – 3 lần trước hoặc sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng, uống trong 7-10 ngày.
Sung khô ngâm nước trị đau dạ dày
Buổi tối trước khi đi ngủ, lấy 3 quả sung khô cho vào ly nước ấm ngâm để qua đêm, sáng hôm sau ngủ dậy chắt nước sung ngâm uống khi bụng đang trống rỗng và ăn cả quả sung. Nên thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần, kéo dài 2 – 3 tháng.
Chữa viêm họng
Cách 1: Sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút đưa vào họng trong 5-7 ngày.
Cách 2: Sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày.
Chữa táo bón
Cách 1: Sung tươi 9g sắc uống hàng ngày trong 5-7 ngày.
Cách 2: Sung chín ăn mỗi ngày 3 – 5 quả trong 5-7 ngày.
Cách 3: Sung tươi 10 quả rửa sạch bổ đôi, ruột già lợn 1 đoạn làm sạch thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày trong vòng 1 tuần.
Những lưu ý khi sử dụng quả sung
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Vũ Duy Thành cho biết, quả sung tuy tốt cho sức khoẻ nhưng khi sử dụng cần lưu ý những điều sau:
- Tiếp xúc da với quả sung hoặc nhựa lá sung có thể gây phát ban ở những người nhạy cảm.
- Do quả sung có hàm lượng chất xơ cao, nên ăn quá nhiều quả sung đặc biệt là quả sung khô có thể gây tiêu chảy.
- Không dùng cho người dị ứng với thành phần lá quả, nhựa sung.
Bình luận