• Zalo

Bác sĩ cấp cứu: 'Thời gian một giây cũng là vàng'

Sức khỏeThứ Bảy, 19/01/2019 07:27:00 +07:00Google News

12 năm theo nghề, bác sĩ Vũ Tưởng Lân ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai luôn giữ "trái tim nóng, cái đầu lạnh" để cứu người thật nhanh.

1

Bác sĩ Vũ Tưởng Lân 36 tuổi, làm việc tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Anh còn là giảng viên trường Đại học Y Hà Nội. Mỗi ngày, anh làm việc hơn 10 giờ và thay phiên trực đêm 12 tiếng. Bác sĩ Lân chia sẻ rằng khoa cấp cứu đã tôi luyện cho anh tâm thế vững vàng trước mọi thử thách của cuộc đời.

2

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến đầu tại miền Bắc có nhịp độ làm việc căng thẳng và nóng bậc nhất cả nước. Riêng Hồi sức cấp cứu là khoa "đầu sóng ngọn gió" có khoảng 20 bác sĩ, 80 điều dưỡng thay phiên nhau trực 2 ca trên ngày. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận hơn 200 ca bệnh, trong đó đến 70% là bệnh nặng. Bệnh nhân được khám sàng lọc, đo chỉ số sinh tồn và chuyển vào phòng cấp cứu 1 để phân loại. Những ca nặng điều trị tại phòng cấp cứu số 3, thở bằng máy và được theo dõi liên tục.

3 3

"Cấp cứu đương nhiên là không báo trước", bác sĩ Lân nói. Do đó, mọi người luôn phải trực với tâm thế sẵn sàng. Khi điều trị, anh luôn nói to, rõ tình trạng bệnh và hướng điều trị ban đầu. Đây cũng là cách anh hướng dẫn và giúp đỡ những bác sĩ nội trú, sinh viên học nghề.

4 3

"Không có một công thức chung nào cho bệnh nhân cấp cứu", bác sĩ Lân khẳng định. Mọi người thường nói về 48 giờ vàng, 72 giờ vàng trong cấp cứu hay bệnh nhân đột quỵ não phải can thiệp trong 3,5 giờ. Tuy nhiên, bác sĩ Lân cho rằng: "Đã là cấp cứu thì càng nhanh càng tốt, thời gian một giây cũng là vàng". Anh nhớ ca cấp cứu hai năm trước, bệnh nhân 40 tuổi mang thai lần ba bị rối loạn đông máu, chảy máu, mạch 0, huyết áp 0. "Tình thế nghìn cân treo sợi tóc", bác sĩ Lân và toàn bộ kíp trực tập trung tiến hành các xét nghiệm tổng quát, đặt ống nội khí quản hỗ trợ. Sau đó, anh trực tiếp gặp gia đình, giải thích tình trạng bệnh để thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân được chỉ định cắt tử cung bán phần, truyền 30 đơn vị máu. Sau 12 giờ, chị tiếp tục được mổ lần 2 để hồi phục hoàn toàn.

5 5

Thực hiện những ca mổ kéo dài, mệt mỏi là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên không ai bảo ai, anh và các bác sĩ tự nhủ phải nhanh chóng lấy lại năng lượng làm việc. Họ tranh thủ từng giây phút để giành giật sự sống cho người bệnh từ lưỡi hái tử thần. Nhiều ca nặng có nguy cơ tử vong cao nhưng "còn nước còn tát". Thậm chí khi bệnh nhân đã ngưng tim, ngừng hô hấp, bác sĩ vẫn nỗ lực ép tim vào lồng ngực, bóp bóng, sốc tim... và mong chờ một phép màu.

6 5

Bác sĩ Lân tâm sự: "Ở khoa cấp cứu thì phải xác định là nhiều áp lực, căng thẳng nhất". Cánh cửa phòng cấp cứu không bao giờ ngưng đóng mở, ánh đèn cũng không bao giờ tắt. Ngoài áp lực về công việc, về trình độ chuyên môn, bác sĩ còn đối mặt với áp lực từ phía người nhà bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân lúc hoảng loạn có những hành động quá khích, dùng bạo lực khiến nhiều y bác sĩ bị thương, không tiếp tục được công việc. Bác sĩ Lân nói đây là nỗi lo chung của các bệnh viện.

7 7

Quen với việc đối diện ranh giới sống chết trong gang tấc nhưng mỗi khi có một bệnh nhân ra đi, mất mát luôn khiến anh ngậm ngùi. Anh luôn tự nhắc nhở bản thân phải thật thận trọng và tỉnh táo, cứu người bằng mọi cách. "Chúng tôi không có nhiều thời gian cho những khoảng lặng bất lực", anh tâm sự. Tiếng còi xe cấp cứu vẫn dồn dập, bước chạy tăng dần, những chiếc cáng liên tiếp được được đẩy vào trong. Mọi người nhanh chóng lao vào cuộc chiến giành giật sự sống cho những người khác đang chờ.

8 7

Bên cạnh chuyên môn, bác sĩ cấp cứu cần có sự tinh tế khéo léo để ứng xử với người nhà. Thông thường, bác sĩ sẽ phân tích tình trạng bệnh, phân tích cho gia đình và hướng dẫn họ làm thủ tục. Cách giao tiếp của bác sĩ còn hạn chế sự mất bình tĩnh, trấn an người nhà.

9 9

Ngoài thời gian làm việc, các bác sĩ cùng tham gia các buổi workshop, đi buồng bệnh thăm bệnh nhân, giao ban để trau dồi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm. Kiến thức y học rộng lớn, bác sĩ phải bắt tay vào làm thì mới lên tiến bộ. 12 năm làm nghề, bác sĩ Lân tự hào khi đôi tay mình đã cứu sống được hàng triệu người, mang lại niềm hy vọng cho cuộc sống. Khó khăn và áp lực, song sự bình phục của bệnh nhân là niềm động viên lớn nhất cho bác sĩ tiếp tục với nghề.

10 9

"Bác sĩ cấp cứu nhàn chân nhàn tay nhưng chẳng nhàn đầu", anh chia sẻ. Dù là lúc nghỉ ngơi, anh vẫn không ngừng trăn trở về công việc. Với cường độ làm việc liên tục, thời gian dành cho gia đình cũng phải san sẻ. Anh tâm sự, "lúc bố đi làm thì con đi học, khi về thì con đã ngủ". Thế nhưng, anh tự nhận rằng mình may mắn khi được vợ cũng là bác sĩ thông cảm và sẻ chia. Anh lấy gia đình làm động lực để luôn làm việc hết mình. "Chỉ cần bệnh nhân và người nhà tin tưởng, cuộc chiến của chúng tôi xem như đã thắng một phần", bác sĩ Lân chia sẻ.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn