21 tuổi ôm con sang Mỹ
Tracy Trần (tên Việt là Trần Thị Thanh Thủy, sinh năm 1985), đặt chân đến đất Mỹ năm 2006. Hồi đó, chị và chồng - một người Mỹ gốc Việt - đã có chung một bé trai. Họ sống ở California. Như nhiều người Việt mới chân ướt chân ráo sang Mỹ, cô chọn nghề nail (làm đẹp móng tay móng chân) vì vừa dễ kiếm tiền, việc thi cử lấy bằng cũng không quá khó khăn.
Lương khởi điểm của Tracy thời điểm đó rất thấp, phần vì cô chưa biết tiếng Anh, phần vì những kỹ thuật cao cấp, Tracy chưa được đào tạo. Cô gần như không giao tiếp với ai, chỉ cắm đầu làm cho xong để khách khỏi phàn nàn thôi.
Ngoài giờ làm, Tracy cũng không có bạn bè, vì không có thời gian để gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng người Việt. Cô thấy bất lực, cô đơn khi ở Mỹ, khó thích nghi với cuộc sống quá nhanh. Không biết lái xe, Tracy thường lững thững đi bộ, hoặc đi xe bus theo kiểu “copy cat”- thấy người ta làm sao thì để ý bắt chước làm vậy, chứ không biết hỏi ai, mà cũng không có đủ vốn tiếng Anh để hỏi.
“Nhiều khi về nhà thấy con đang bò, mặt mũi lấm lem như con mèo, lủi thủi tự chơi một mình, trong khi ở nhà thì người này người kia ẵm, mình bật khóc. Đã có lúc mình nghĩ: Thôi, khổ thế này thì thà về Việt Nam ở. Nhưng rồi mình lại cố gắng và học cách sống được ở đất Mỹ”, Tracy nhớ lại.
Xác định ở lại rồi thì Tracy làm việc điên cuồng, đủ 7 ngày/tuần, nhưng tiền lương không đủ chi trả cho tiền bảo mẫu trông con (25 đô/ngày). Cô cứ làm hôm nay phải lo ngày mai, chi tiêu chắt bóp, vun vén sao cho đủ.
Hai năm sau, Tracy sinh bé thứ hai. Thu nhập thời điểm đó cũng khá lên chút đỉnh, nhưng vẫn ở mức rất thấp. Dù vậy, hai người chung lưng đấu cật thì cũng tạm đủ nuôi con.
Nhưng giấc mơ Mỹ vỡ tan cùng với việc ly hôn. Tracy bật khóc nhớ về đêm chồng cũ bỏ lại ba mẹ con trong căn hộ thuê trọ. Không có tiền thuê người dọn nhà, cũng không thể thuê căn nhà 800 - 900 USD/tháng như trước, Tracy tranh thủ ban đêm tự bê đồ đạc ra ngoài để trả nhà cho người ta. Cô xách hai đứa nhỏ đi thuê lại một cái phòng nhỏ xíu, kiểu như ở ké người ta, giá thuê cỡ 250 USD để ba mẹ con ở.
“Cứ sáng mình đi làm, tối về đón con là vô phòng ngủ. Người ta còn nói thẳng là không cho con nít ra ngoài, sợ ồn ào”, cô kể. “Năm đó, mẹ tôi mất, ở Việt Nam chỉ còn dì. Dì tôi xót xa, bàn tôi đưa lũ trẻ về cho bà trông. Lấn cấn mãi, cuối cùng tôi cũng gửi con về ngoại. Mà hồi đó tôi nghèo chứ, dì phải cho tiền mua vé đem tụi nhỏ về. Khi quay lại Mỹ, tôi khóc như điên suốt chặng bay”.
Trở thành bà chủ, kiếm hàng trăm nghìn USD/năm
Vượt qua hơn 1 năm đen tối nhất trong cuộc đời khi phải xa cách con, trái tim Tracy nở hoa trở lại với tình yêu từ Khanh - một thợ làm nail người Mỹ gốc Việt. Tracy chưa từng nghĩ sẽ đi bước nữa, nhưng “tình yêu làm gì có lý lẽ, yêu là yêu thôi”, Tracy tâm sự.
Họ trở thành gia đình của nhau bằng một bữa tiệc nho nhỏ ra mắt gia đình. Rồi Tracy mang chồng mới về… giới thiệu với con. Vốn định để kinh tế ổn định rồi mới đón con sang, nhưng người bạn đời của Tracy chủ động giục về quê. Ngày hai vợ chồng về quê, cô chỉ dám giới thiệu với lũ trẻ là bạn bè. “Nhưng tụi nhỏ tinh lắm, phát hiện ra ngay là chúng tôi thân thiết hơn bạn bè”, Tracy kể, “Con nít mà, cứ ai thương là nó thích thôi. Tôi hạnh phúc vì 2 con riêng của mình rất thích ba mới. Anh cũng rất yêu thương và công bằng với các con. 5 đứa nhỏ (con của 2 người) cùng ra đường, ai cũng nghĩ là con của anh cả 5 đứa”.
Chị tự hào nói thêm, ba mẹ chồng của chị cũng rất thương các con. Đặc biệt, gia đình chồng rất nề nếp, từ nhỏ tới lớn, cháu chắt tới nhà khoanh tay chào người lớn. Nhà cũng có lệ, dù ai bận cỡ nào, thứ Bảy hàng tuần và ngày lễ, con cái cũng phải tề tựu về nhà, tự tay mẹ nấu cho ăn. Gia đình Tracy cũng vậy, bận cỡ nào cũng không thể bỏ được những ngày sum họp đó.
Cũng nhờ tình cảm gia đình ấm áp, sự chung tay đó của chồng mà Tracy cũng có động lực kiếm tiền, vươn lên hơn. Năm 2012, hai vợ chồng mở tiệm nail, cuộc sống cũng dần ổn định. Tới năm 2017, sức khỏe giảm sút, Tracy chuyển dần sang kinh doanh online, còn anh Khanh làm đấu thầu sửa nhà, mua nhà cũ và bán lại.
Từ năm 2019, việc kinh doanh của Tracy thêm thuận lợi. Chị kinh doanh đồ bộ mặc nhà và đồ ăn vặt Việt Nam, từ ô mai sấu, cóc ngâm, me ngâm… cho tới mắm, măng khô, miến, mứt, củ kiệu… Dần dần đông khách, Tracy mở rộng hệ thống cộng tác viên, bỏ mối, chỉ cách cho những người Việt mới chân ướt chân ráo qua Mỹ cách kinh doanh để chị em cùng nhau tiến bộ, cùng có thêm thu nhập.
Thấy bán đồ bộ ổn, Tracy không mua sẵn nữa mà mày mò tự đặt may ở xưởng Việt Nam rồi chuyển sang. “Tôi đặt tiêu chí là đồ bộ phải đẹp, điệu, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo thoải mái. Ở Mỹ nhiều khi kiếm đồ bộ không ra hoặc mặc không hợp, nhưng đặt may ở nhà thì ai cũng ưng hết. Thế mới thấy người Việt ngộ ha, đi sang Mỹ nhưng vẫn mê đồ trong nước”, Tracy thổ lộ.
Mỗi đợt hàng, Tracy chị đặt may chừng 3.000 bộ, bán trong khoảng 2 tuần lễ là hết. Hiện tại, thu nhập từ việc kinh doanh của Tracy khoảng hơn 300.000 USD/năm, so với thu nhập chỉ khoảng mười mấy ngàn USD/năm thời mới sang Mỹ, chị thấy tự hào vì những nỗ lực của mình.
“Mình nghĩ sống ở nước ngoài phải luôn chăm chỉ, phải lao động cật lực vì vòng quay cuộc sống không cho phép nghỉ ngơi, con người rượt theo thời gian chứ thời gian không đợi mình đâu. Không thể làm biếng được nếu muốn có cuộc sống ổn định. Mình nhiều con nên càng phải cố gắng hơn”, cười, chị phân trần thế.
Năm 2022 là một năm đánh dấu bước tiến mới của Tracy, Chị quyết định sẽ đưa thương hiệu Five Fashion vào những thiết kế và sản phẩm đồ bộ mặc nhà trong thời gian tới. Five Fashion là sự kết hợp tình yêu của Tracy với 5 người con và tình yêu thời trang của Chị. Five Fashion như đứa con tinh thần và cũng là điểm son ghi lại thành quả cho sự nỗ lực không ngừng của một cô gái mang giấc mơ Mỹ, tay không lập nghiệp.
Bình luận