Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines Antonio Carpio nêu “ba kịch bản” có thể xảy ra đối với phán quyết mà ông cho là ảnh hưởng tới 85% diện tích Biển Đông. Thẩm phán Antonio Carpio là người đã theo đuổi vụ tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên PCA vào năm 2013. Đơn kiện của Philippines nói yêu sách của cái gọi là "đường chín đoạn", hay "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên.
Kịch bản thứ nhất
Thẩm phán Antonio Carpio nói rằng trong "kịch bản tốt" này, PCA có thể sẽ phán quyết "đường chín đoạn" là “vô hiệu”, bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển chủ quyền của Philippines, vốn là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines, nhưng Toà sẽ không ra phán quyết về các vấn đề khác. Nếu kịch bản này xảy ra, Philippines sẽ sở hữu vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể đánh bắt cá tại đây. Trung Quốc được dự đoán sẽ không tuân thủ phán quyết trừ phi có các nước lớn và các tổ chức quốc tế buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết và người Trung Quốc nhận ra tuyên bố "đường chín đoạn" không có cơ sở lịch sử. Nếu kịch bản này xảy ra, thẩm phán Carpio nói Philippines có thể sẽ tiếp tục một vụ kiện mới với tranh chấp tại đảo Ba Bình và khuyến khích Việt Nam cùng với Malaysia tham gia vụ kiện này.
Kịch bản thứ hai
Toà phán quyết "đường chín đoạn" không có giá trị hoặc vô hiệu trong việc tuyên bố chủ quyền, đảo Ba Bình không mang lại vùng đặc quyền kinh tế, bãi cạn Scarborough tạo ra vùng biển chủ quyền là vùng đánh cá truyền thống của người Philippines. Với kịch bản này, Philippines cần có các chiến dịch ngoại giao với Liên hợp quốc, các nước ASEAN khác, EU và thế giới để đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Toà và cấm việc tuyên bố chủ quyền trong khu vực "đường chín đoạn".
Kịch bản thứ ba
Toà án không phán quyết về giá trị của "đường chín đoạn", tuyên bố đảo Ba Bình có mang lại vùng đặc quyền kinh tế, Scarborough chỉ tạo ra vùng biển chủ quyền. Phán quyết không đề cập đến các vấn đề khác. Nếu phán quyết này xảy ra, Trung Quốc sẽ áp đặt "đường chín đoạn" là ranh giới chủ quyền, Trung Quốc sẽ chặn hoặc quấy rối đường tiếp tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia đến các đảo mà các nước này đang kiểm soát tại Trường Sa, cuộc tranh chấp pháp lý về vùng biển trong khu vực “đường 9 đoạn” vẫn tiếp tục.
Việt Nam có lợi
Trong buổi nói chuyện tại Manila ngày 24/6, thẩm phán Carpio đưa ra nhiều giải pháp để gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA, bao gồm việc xin đình chỉ giấy phép của Trung Quốc tại Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế.
Video: Trung Quốc ngày càng hung hăng và liểu, Mỹ bắn tên lửa vào biển Đông
Nói với Đài BBC từ Manila, thẩm phán Carpio nhận định: “Một trong những điều được đề cập đến tại toà là các đảo chìm như đá Vành Khăn, đá Subi. Nếu chúng tôi thắng kiện, theo luật là Trung Quốc phải rời khỏi các bãi đá đó. Song tất nhiên là ép Trung Quốc rời khỏi các bãi đá này là cực kỳ khó. Trung Quốc đã cải tạo tất cả các đảo mà họ chiếm, xây dựng các cấu trúc quân sự trên bảy đảo đá chìm. Tôi không cho rằng Scarborough có thể là ngoại lệ. Họ cũng sẽ xây dựng tại đây. Trung Quốc sẽ xây dựng tại Scarborough để khẳng định sự hiện diện của họ ở khu vực đó. Trung Quốc xem vị trí của Scarborough là rất chiến lược, cực kỳ chiến lược”.
Tuy nhiên, ông Carpio cũng thừa nhận phán quyết của PCA sẽ không giải quyết được tranh chấp trong khu vực quần đảo Trường Sa. Thẩm phán Carpio nhận định: “Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều từ phán quyết này bởi vì Việt Nam biết nếu họ kiện Trung Quốc về 'đường chín đoạn', phán quyết cũng sẽ tương tự. Vì thế, đó là lý do Việt Nam gửi thư đến PCA tuyên bố ủng hộ Philippines. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào tình hình của riêng của mỗi quốc gia. Việt Nam ở tình thế rất khác Philippines, có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc. Việt Nam từng có chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1979 và đã có xung đột trên biển năm 1988”.
Bình luận