BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, rau ngót là loại rau phổ biến, thông dụng trong bữa ăn của người Việt. Rau ngót dễ trồng, dễ sống và được trồng bằng thân, trồng ở mọi nơi, thường trong vườn, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi... chủ yếu là để tận dụng đất.
Rau ngót sinh trưởng nhanh và đặc biệt ít sâu bệnh, không phải dùng đến thuốc trừ sâu, vì vậy rau ngót ăn rất lành và an toàn.
Người ta sử dụng lá rau ngót để nấu canh với thịt, xương, hay tôm, hến cũng đều rất ngon và bổ dưỡng cho bữa ăn gia đình, lại thêm tác dụng giải nhiệt mùa hè. Người thể hư hàn kiêng dùng hoặc nếu dùng nên cho thêm mấy lát gừng.
Theo Đông y, rau ngót tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ huyết, nhuận tràng.... Thành phần dinh dưỡng của rau ngót chứa lượng đạm thực vật cao nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật.
Rau ngót cung cấp chất xơ quý, giúp tiêu hóa dễ dàng, tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch.
Trong 100g rau ngót chứa: canxi 169mg; sắt 2,7mg; magiê 123mg; mangan 2.400mg; phospho 65 mg; kali 457mg; natri 25mg; kẽm 0,94mg; đồng 190μg, vitamin C 185mg và vitamin A 6.650μg.
Rau ngót có hàm lượng vitamin A, C cao hơn hẳn so với bưởi, chanh, cam... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, lượng chất đạm trong rau ngót có thể so sánh với những loại đậu xưa nay nổi tiếng giàu đạm, là loại đạm thực vật quý, hiếm có, còn vitamin C trong rau ngót thậm chí được cho là có hàm lượng cao hơn cả trong cam hay ổi.
Dưới đây là một số tác dụng tốt của rau ngót đối với cơ thể.
Thanh nhiệt, giải độc
Rau ngót tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giúp hạ sốt, tăng tiết nước bọt.
Hạ huyết áp
Trong rau ngót chứa papaverin, chất này tác dụng gây giãn mạch, chống co thắt cơ trơn. Vì vậy rau ngót có tác dụng giảm huyết áp hữu hiệu.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Người bệnh tiểu đường chỉ được ăn ít cơm để glucoz – huyết không tăng nhiều sau bữa ăn. Rau ngót có inulin giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường (đường và cơm là đường nhanh). Mặt khác, khả năng sinh nhiệt của inulin chỉ bằng 1/9 của chất béo.
Giúp giảm cân
Nước ép rau ngót là cách sử dụng rau ngót để giảm béo khá tốt, đặc biệt là giảm béo tại vùng bụng.
Cách dùng: Mỗi ngày uống khoảng 200ml nước ép rau ngót sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả.
Tuy nhiên, với phụ nữ sau sinh không nên uống loại nước ép này vì rau ngót có tính hàn, dễ gây hại cho sức khỏe phụ nữ sau sinh. Sau sinh khoảng 2-3 tháng, sản phụ mới được uống loại nước ép này.
Khơi thông nguồn sữa
Thưởng thức rau ngót giúp bà mẹ tăng lượng sữa, điều này bắt nguồn từ những tác động nội tiết của các hợp chất hoá học sterols có tính chất estrogen.
Rau ngót cũng chứa chất ephedrin tốt cho những người bị cúm.
Giảm nguy cơ viêm nhiễm
Nguồn vitamin C trong lá rau ngót thậm chí cao hơn nhiều so với cam hoặc ổi, do đó rau ngót được các nhà khoa học biết đến như là nguồn cung cấp vitamin C rất cao.
Vitamin C như hợp chất trong chính cơ thể, cần thiết cho việc việc sản xuất collagen (protein hình sợi để hình thành mô liên kết trong xương), vận chuyển chất béo, vận chuyển điện tử từ một số phản ứng enzyme, nướu răng siêu khỏe mạnh, điều chỉnh nồng độ cholesterol, và miễn dịch.
Ngoài ra, vitamin C trong cơ thể là yếu tố cần thiết để chữa lành vết thương và cải thiện chức năng não, giúp chúng ta đạt được cường độ làm việc tối ưu.
Tăng cường hệ miễn dịch
Lá rau ngót giàu vitamin A, giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt, tăng trưởng tế bào, hệ miễn dịch, sinh sản và duy trì làn da khỏe mạnh.
Theo đông y rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt nhằm thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.
Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh, còn là một vị thuốc nhân dân dùng làm chữa sót nhau thai và chữa tưa lưỡi.
Bình luận