BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, rau ngót là loại rau mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam. Rau ngót cung cấp chất xơ quý, giúp tiêu hóa dễ dàng, tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch.
Trong 100g rau ngót chứa: canxi 169mg; sắt 2,7mg; magiê 123mg; mangan 2.400mg; phospho 65 mg; kali 457mg; natri 25mg; kẽm 0,94mg; đồng 190μg, vitamin C 185mg và vitamin A 6.650μg.
Rau ngót có hàm lượng vitamin A, C cao hơn hẳn so với bưởi, chanh, cam... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch.
Tác dụng của rau ngót
Theo bác sĩ Vũ, trong y học hiện đại rau ngót có nhiều tác dụng tốt với cơ thể như:
Khơi thông nguồn sữa
Thưởng thức rau ngót giúp bà mẹ tăng lượng sữa, điều này do bắt nguồn từ những tác động nội tiết của các hợp chất hoá học sterols có tính chất estrogen.
Rau ngót cũng chứa chất ephedrin tốt cho những người bị cúm.
Giảm nguy cơ viêm nhiễm
Nguồn vitamin C trong lá rau ngót thậm chí cao hơn nhiều so với cam hoặc ổi, do đó rau ngót được các nhà khoa học biết đến như là một nguồn cung cấp vitamin C rất cao.
Vitamin C như hợp chất trong chính cơ thể, cần thiết cho việc việc sản xuất collagen (protein hình sợi để hình thành mô liên kết trong xương), vận chuyển chất béo, vận chuyển điện tử từ một số phản ứng enzyme, nướu răng siêu khỏe mạnh, điều chỉnh nồng độ cholesterol, và miễn dịch.
Ngoài ra, vitamin C trong cơ thể là yếu tố cần thiết để chữa lành vết thương và cải thiện chức năng não, giúp chúng ta đạt được cường độ làm việc tối ưu.
Tăng cường hệ miễn dịch
Lá rau ngót giàu vitamin A, giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt, tăng trưởng tế bào, hệ miễn dịch, sinh sản, và duy trì làn da khỏe mạnh.
Khơi dậy ham muốn
Lá rau ngót cũng rất giàu các hợp chất có thể tăng chất lượng và số lượng tinh trùng, bao gồm cả khơi dậy tiềm năng, khả năng tình dục.
Theo đông y rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt nhằm thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.
Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh, còn là một vị thuốc nhân dân dùng làm chữa sót nhau thai và chữa tưa lưỡi.
Một số bài thuốc từ rau ngót
- Chữa sót nhau thai: Hái 40g lá rau ngót rửa sạch giã nát. Thêm ít nước đã đun sôi để nguội vào, vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm hai lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút. Sau chừng 15-20 phút nhau sẽ ra.
- Chữa tưa lưỡi: Giã nát rau ngót tươi độ 5-15g, văt lấy nước uống. Thấm vào bông đánh lên lưỡi, lợi và vòm miệng trẻ em, chỉ hai ngày sau là bú được.
- Chữa cốt thống (nhức trong xương, không phải sưng đau khớp): Nấu rau ngót với xương lợn.
- Trẻ bị âm hư ra mồ hôi trộm, người luôn nóng: Rau ngót 30g, rau bầu đất 30g, nấu với bầu dục lợn.
Ai không nên ăn nhiều rau ngót
Bác sĩ Vũ lưu ý, trong rau ngót tươi chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến dễ sảy thai. Vì vậy thai phụ, đặc biệt là với những người tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.
Ngoài việc hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, glucocorticoid là kết quả của quá trình trao đổi chất của lá rau ngót sẽ gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho.
Bình luận