Cơm trắng là thực phẩm có chỉ số đường huyết và hàm lượng tinh bột cao nhưng nó là món không thể thiếu trong thực đơn ăn uống của người châu Á. Vì lý do này, cơm trắng được cho là nguyên nhân làm tăng đường huyết và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tiểu đường loại 2 là tình trạng xảy ra khi cơ thể không có khả năng sử dụng insulin, một hormone mà tuyến tụy sản xuất để điều chỉnh lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng châu Âu cho biết ăn nhiều cơm không liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu do Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thực hiện, tập trung vào tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người dân châu Á bởi chế độ ăn của cộng đồng cư dân tại đây có nhiều cơm trắng. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá liệu việc ăn nhiều cơm, mì và bánh mì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn hay không.
Nghiên cứu được thực hiện trên 45.411 người gốc Hoa trong độ tuổi 45-74. Kết quả, lượng cơm được tiêu thụ không liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn mà nguy cơ mắc bệnh thực chất phụ thuộc rất nhiều vào các thực phẩm thay thế. Nghiên cứu cũng chỉ ra việc thay thế cơm trắng bằng 1 phần bánh mì trắng hoặc bánh mì nguyên cám sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Báo cáo của nghiên cứu ghi rằng: “Mức tiêu thụ cơm cao hơn không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở nhóm người tham gia nghiên cứu. Các khuyến nghị giảm mức tiêu thụ cơm trắng để phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2 chỉ có hiệu quả khi thực phẩm thay thế được xem xét cẩn thận”.
Điều này có nghĩa là để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, chúng ta có thể thay thế cơm trắng bằng các loại thực phẩm khác phù hợp hơn và có lợi cho sức khỏe. Nếu không làm được điều này, việc giảm lượng cơm trắng ăn vào sẽ không mang lại kết quả.
Tuy nhiên, kết luận này không đồng nghĩa với việc ăn quá nhiều cơm trắng là an toàn đối với bệnh nhân tiểu đường hoặc những người đang có lượng đường trong máu cao. Ngược lại, nghiên cứu là bằng chứng cho thấy bệnh nhân tiểu đường cần phải lựa chọn thực phẩm cẩn thận và tốt cho sức khỏe dựa trên tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, hoặc bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường.
Ăn cơm trắng thế nào để an toàn?
Để không bị tăng đường huyết khi ăn cơm trắng, bạn nên ăn cơm cùng các loại thực phẩm bổ dưỡng khác như protein nạc, rau và chất béo lành mạnh. Ví dụ các loại đậu đều chứa chất xơ hòa tan, do đó kết hợp cơm và đậu có thể có lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Lượng chất xơ trong đậu có thể giúp ngăn lượng đường trong máu tăng nhanh sau bữa ăn.
Ngoài ra, việc duy trì vận động là vô cùng quan trọng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc kiểm soát đường huyết ở những người đã mắc bệnh. Tập thể dục không chỉ giúp giảm đường huyết mà còn cải thiện độ nhạy với insulin, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin.
Bình luận