BS Nguyễn Thu Hường - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi cho biết, lúc nhập viện sau khi ăn nhầm lá ngón 2 bé Dừ Thị San (7 tuổi), Giừ Thị Trú (9 tuổi) đều trong tình trạng lờ đờ, da xanh tái, đau bụng, khó thở. Các bé được cấp cứu, tiến hành rửa ruột, truyền dịch giải độc và thùng thuốc đối kháng, thở oxi cấp cứu kịp thời.
Theo lời kể của gia đình, 2 chị em San và Trú rủ nhau đi chơi trong bản. Trong lúc đi chơi phát hiện thấy cây hoa lạ và đẹp bên đường liền ngắt ăn 3 lá, ăn xong các bé thấy đau bụng, nôn, khó thở... Khi bố mẹ phát hiện con có biểu hiện lạ liền hỏi các con, các bé chìa chiếc lá ra và gia đình phát hiện đó là lá ngón. Gia đình lập tức đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cấp cứu.
"Rất may 2 cháu được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm trong giờ thứ 3 nên chất độc trong lá ngón chưa kịp ngấm vào máu nên công tác cấp cứu thuận lợi hơn", BS Hường nói.
Hiện sức khỏe hai cháu đã ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện, có thể sẽ được xuất viện một đến 2 ngày tới.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngộ độc lá ngón là ngộ độc rất thường gặp đặc biệt ở vùng cao Tây Bắc nước ta, tuy nhiên cũng gặp rải rác ở một số nơi như Trung Bộ và Tây Nguyên. Nguyên nhân ngộ độc thường do tự tử nhưng cũng có thể do bị đầu độc và vô tình trúng độc do không phân biệt được cây lá ngón với rau ăn dẫn đến ăn nhầm.
Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch.
Sau đó khẩn trương hộ tống cấp cứu vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm nguy cơ dẫn đến tử vong.
Video: Nữ sinh Nghệ An chết bất thường nghi ngộ độc chè
Bình luận