Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 22/3 tiếp nhận 3 người ngộ độc nấm trong cùng một gia đình, 2 trong số đó đang rất nguy kịch.
Các bệnh nhân là Hà Thị Cúc (52 tuổi), Chu Văn Mai (58 tuổi) và Chu Văn Vinh (30 tuổi), cùng trú tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
Theo đó, sáng 20/3, anh Vinh vào rừng thấy nấm tươi nên hái về ăn. Bữa đó, chỉ anh và ông Mai (bố của V.) mỗi người ăn khoảng 6-7 cây nấm. Đến bữa tối, bà Cúc (mẹ của V.) cũng ăn phải những cây nấm để từ trưa. Sau ăn từ 6-10 tiếng, cả gia đình 3 người đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, đi ngoài, nôn mửa.
Lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tình trạng nặng. Qua xét nghiệm, các bệnh nhân đều bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận. Các bác sĩ ngay lập tức chỉ định lọc máu và giải trừ chất độc, điều trị suy thận.
Trung tâm Chống độc đã phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng tiến hành một thủ thuật mới là “Dẫn lưu mật mũi” để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài để điều trị cho các bệnh nhân.
Sau một ngày điều trị tích cực và lọc máu, giải độc, ông Mai và anh Vinh vẫn đang trong tình trạng rất nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), loại nấm 3 bệnh nhân trên ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đáng sợ nhất là loại nấm này có thể gây tình trạng viêm gan, nhiễm độc, phá huỷ tế bào gan, dẫn đến hôn mê gan. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người.
Bác sĩ cũng Nguyên lưu ý, thời điểm cuối xuân, đầu hè là mùa nấm phát triển nhiều nên rất dễ xảy ra ngộ độc nấm.
"Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Vì vậy, để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, đảm bảo là ăn được mà không bị ngộ độc ", bác sĩ Nguyên thông tin.
Video: Cách xử trí ban đầu khi trẻ bị ngộ độc
Bình luận