• Zalo

54% người dân cho rằng phải 'lót tay' mới xin được việc Nhà nước

Thời sựThứ Ba, 04/04/2017 15:14:00 +07:00Google News

Khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, hiện tượng này có xu hướng gia tăng, cao hơn năm 2015 (51%) và năm 2011 (46%).

Đó là một trong những nội dung trong lễ công bố chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 diễn ra sáng 4/4 tại Hà Nội. Báo cáo cho thấy, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cấp tỉnh năm 2016 tiếp đà sụt giảm của năm 2015.

Hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh thành được chọn phỏng vấn ngẫu nhiên trong năm 2016. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

PAPI20161

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu khai mạc. 

Trong 6 chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất ở 35 tỉnh thành so với năm 2011. Cụ thể, nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có bảo hiểm y tế tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016.

Báo cáo cũng cho thấy chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh: 32% người khảo sát cho biết dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”, cao hơn so với tỉ lệ 23% năm 2015. Người dân chấm điểm chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, thành phố có mức chênh lệch lớn: ví dụ, Sóc Trăng đạt 8,16 điểm trong khi Gia Lai chỉ đạt 1,9 điểm, theo thang điểm từ 1-10.

Tuy nhiên, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công năm 2016 có xu hướng giảm điểm. Tỉ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng lên trong năm 2016.

PAPI20163

Công bố khảo sát PAPI đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Bên cạnh đó, khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011. Tỉ lệ người dân cho rằng cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng.

Đói nghèo vẫn được xem là vấn đề hệ trọng nhất đối với người dân. Tuy nhiên, so với kết quả khảo sát năm 2015, năm 2016 tỉ lệ người dân cho rằng môi trường là mối quan ngại lớn nhất tăng 10%. Sự gia tăng đột biến này chắc chắn phản ánh mối quan tâm của dư luận sau sự kiện cá chết hàng loạt tại khu vực duyên hải miền Trung hồi tháng 4/2016.

Báo cáo cũng cho thấy người dân cả nước ngày càng quan ngại hơn về ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hơn 67% số người sống gần sông ngòi cho biết chất lượng nước từ những nguồn này kém hơn so với ba năm trước, và 36% số người trả lời cho rằng chất lượng không khí kém hơn so với ba năm trước. Những vấn đề hệ trọng khác là việc làm, phát triển kinh tế, tranh chấp biển Đông, tham nhũng và giao thông.

Ngoài ra, trách nhiệm giải trình với người dân vẫn còn hạn chế. Năm 2016, khoảng 22% người trả lời trên cả nước cho biết họ tìm gặp trưởng thôn/tổ trưởng dân phố khi có bức xúc với gia đình, hàng xóm hoặc cán bộ chính quyền (tăng khoảng 3% so với năm 2015).

Tỷ lệ này dao động từ 4% ở Thái Bình đến 51% ở Quảng Nam. Có tới 85% số người đã tìm gặp trưởng thôn/tổ trưởng dân phố đánh giá những cuộc gặp đó đem lại kết quả. Số người tìm gặp những cán bộ từ cấp xã trở lên, đặc biệt là cán bộ dân cử thấp hơn nhiều.

Kết quả khảo sát cho thấy dịch vụ hành chính công từng bước được cải thiện. Người dân nhìn chung hài lòng hơn với các thủ tục đăng ký cấp giấy phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã/phường cho giấy tờ tùy thân.

Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đạt điểm thấp nhất trong số bốn loại dịch vụ hành chính công PAPI đo lường. Khảo sát cũng chỉ ra khoảng cách về giới trong việc đứng tên sổ đỏ: trên phạm vi cả nước, mức chênh lệch giữa tỉ lệ nam giới với tỉ lệ nữ giới đứng tên sổ đỏ là 13% nghiêng về nam giới; và ở vùng sâu, vùng xa, mức chênh lệch này xấp xỉ 19%. Nguyên nhân, theo lý giải của người dân, là do hầu hết phụ nữ có gia đình không hoặc chưa đứng tên sổ đỏ.

Xu hướng thu hồi đất tiếp tục giảm: khoảng 6,8% người trả lời cho biết họ bị thu hồi đất năm 2016, thấp hơn tỉ lệ 7,4% của năm 2015 và 5,7% của năm 2014 không đáng kể, song giảm tương đối so với tỉ lệ 9% mỗi năm giai đoạn trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nhận xét: “Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy một bức tranh đa chiều. Một mặt, cung ứng dịch vụ công được cải thiện bền vững trong suốt sáu năm qua. Mặt khác, hầu hết các tỉnh thành có thể làm tốt hơn để cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước”.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng, với dữ liệu PAPI năm 2016 và 5 năm tới, Chính phủ có thêm nguồn thông tin tham khảo để theo dõi và đánh giá những nỗ lực hiện nay trong việc xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ Nhân dân”.

Video: Chi Cục trưởng Hải quan và 33 thuộc cấp nhận "lót tay" 1,7 tỉ đồng

 

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn