• Zalo

5.000 dân sống chung với hoá chất giữa Thủ đô

Thời sựThứ Năm, 02/08/2012 03:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nước thải lẫn hoá chất từ nhà máy xả ra khiến hơn 5.000 người dân giữa thủ đô đang lao đao.

(VTC News) – Dù bị xử phạt nhiều lần nhưng nhà máy dệt 19/5 (tại Hà Nội) vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của hơn 5.000 người dân sống trong khu vực.



5.000 người dân sống trong ô nhiễm

Theo phản ánh, nhiều tháng nay, 400 hộ dân với 5.000 nhân khẩu ở thôn Văn, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) luôn sống trong môi trường ô nhiễm do khói bụi, mùi hóa chất, nước thải, tiếng ồn… của nhà máy thuộc Công ty TNHH Dệt 19/5 nằm ngay trong khu dân cư gây ra.

“Hàng ngày nước thải của nhà máy được thải vào khoảng 1-12h trưa, 23h đêm, đặc biệt là thứ bảy, chủ nhật hoặc những ngày mưa gió.Khói, bụi, mùi hoá chất, thuốc tẩy nhuộm, bốc lên nồng nặc, xen lẫn tiếng ồn của máy móc khiến người dân chúng tôi bị đau đầu, chóng mặt, tức ngực và khó thở” - bà Xuyên, chủ hộ dân sống cạnh công ty 19/5 bức xúc.

Nước thải có màu xanh đen, sủi bọt từ nhà máy được xả ra sông.
Ảnh: Nguyễn Dũng

Bà Đặng Thị Toàn (thôn Văn) cho biết thêm, mùi hóa chất nồng nặc từ nhà máy bốc ra gần khu dân cư đặc biệt gần trường mầm non, ảnh hưởng rất lớn đến các cháu nhỏ.

“Trẻ em và người già suốt ngày quanh quẩn ở nhà, sống trong mùi hóa chất nên nhà lúc nào cũng phải đóng cửa kín mít, suốt ngày phải bịt khẩu trang, cứ đà này thì sớm muộn người dân chúng tôi cũng ngã bệnh” – bà Toàn lo lắng.

Đặc biệt, 5.000 người dân của thôn chủ yếu sử dụng nước từ nguồn giếng khoan, việc nhà máy dệt 19/5 xả nước thải bẩn trực tiếp ra sông Tô Lịch khiến cho nguồn nước ăn uống của người dân bị nhiễm bẩn. Người dân rất lo sợ khi sử dụng nguồn nước, nhưng vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác.

Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đã được xây dựng nhưng không che đậy, bốc mùi hôi thối đến khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Dũng

Trước phản ánh trên của người dân, phía công ty Dệt 19/5 đã nhiều lần tiếp xúc với người dân và cam kết sẽ tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên những cam kết đó theo người dân chỉ là “cam kết cho có”, vì thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra.


Ông Trần Hồng Tuy, Phó Tổng giám đốc Công ty dệt 19/5 cho biết, hiện nhà máy đang trong quá trình tái sắp xếp. Toàn bộ thiết bị máy móc đang trong quá trình chuyển giao nên đây mới là vận hành thử nghiệm chứ nhà nhà máy chưa vận hành chính thức.

“Chúng tôi đã bị các cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính về những vi phạm. Trước mắt sẽ dừng hoạt động của nhà máy để khắc phục vấn đề ô nhiễm” – ông Tuy nói.

Theo vị Phó Tổng giám đốc này thì Công ty 19/5 đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trị giá 20 tỷ đồng để đảm bảo môi trường.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, bề mặt của bể xử lý này không được che chắn, nước thải trực tiếp từ nhà máy ra đây bốc mùi trực tiếp và lan sang khu vực sinh sống của người dân chỉ cách đó chưa đầy 50m.


Những chiếc cống xả nước ra sông Tô Lịch theo lý giải của công ty 19/5 là để xả nước mưa, tuy nhiên theo quan sát và phản ánh của người dân, nước chảy từ những chiếc cống này có màu xanh đen của hóa chất và bốc mùi khó chịu.

Phạt cứ phạt - vi phạm vẫn vi phạm

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, sau khi nhận được phản ảnh của người dân, xã đã thành lập tổ công tác về kiểm tra, làm việc với đại diện công ty dệt 19/5.

Bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt.
“Chúng tôi phát hiện hệ thống nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của công ty dệt 19/5 chưa được xử lý, chảy thẳng xuống sông Kim Ngưu. Công ty này cũng chưa có khu vực chứa rác thải nguy hiểm theo quy định, chưa có hợp đồng thu gom rác thải. Đặc biệt là chưa cung cấp được các hồ sơ liên quan về đảm bảo môi trường” – bà Hiếu nói.

Với những vi phạm trên, tổ công tác đã yêu cầu công ty dệt 19/5 tạm dừng sản xuất, cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc sản xuất của công ty tại địa bàn.

Ngày 15/6, Công ty dệt 19/5 đã cung cấp cho UBND xã một số văn bản theo quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn thiếu giấy phép xả thải; giấy phép khai thác nước ngầm; hợp đồng thu gom rác, phế thải; báo cáo về quan trắc môi trường.

UBND xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng theo thẩm quyền xử lý của xã.

Trong các ngày 20/6 và 6/7, tổ công tác đội 5 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an TP Hà Nội (PC49) đã đến làm việc với lãnh đạo công ty dệt 19/5.

Qua kiểm tra, cảnh sát đã phát hiện công ty này chưa đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; chưa có hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; chưa có giấy phép khai thác nguồn nước dưới đất; chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Nước thải chứa hóa chất rò rỉ từ nhà máy ra khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Dũng

Ngày 2/7, Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường đã thông báo kết quả phân tích mẫu nước thải của công ty dệt 19-5 tới phòng PC49.

Kết quả đã có 3 chỉ tiêu vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột B) là: màu vượt 90,71 lần; COD vượt 30,03 lần; TSS vượt 13,97 lần.


Như vậy, công ty dệt 19/5 đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10m3/ngày đến dưới 50m3/ngày tại nhà máy hoàn tất dệt vải thoi của công ty, vi phạm điều 10, khoản 4, điểm B của nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mặc dù đã bị xử phạt vì hành vi gây ô nhiễm môi trường đến khu dân cư, nhưng theo người dân, tình hình gây ô nhiễm của nhà máy dệt 19/5 vẫn không thay đổi.

Hiện tại, hàng nghìn hộ dân vẫn đang sống trong mùi thối nồng nặc của hóa chất mà nhà máy ngang nhiên xả thải ra sông.


Ngày 1/8, lãnh đạo thôn Văn đã tổ chức buổi đối thoại giữa người dân, đại diện nhà máy dệt và lãnh đạo UBND xã Thanh Liệt để tìm hướng giải quyết.

Phía công ty đã cam kết tạm dừng sản xuất để khắc phục nhưng người dân vẫn chưa đồng tình vì lo ngại việc việc cam kết nhưng rồi vẫn tái phạm của công ty này.


Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn