• Zalo

50 năm và câu chuyện quanh bức tường Berlin

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 13/08/2011 09:52:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ghi chép của nhà báo Hải Hà (VTC News) về cuộc sống và những dấu tích thời Đông – Tây ngăn cách ở Berlin nhân 50 năm bức tường Berlin xây dựng.

(VTC News) - Tròn 50 năm bức tường Berlin được đặt những viên gạch đầu tiên (13/8/1961), những dấu tích của thời chiến tranh lạnh Đông – Tây ngăn cách vẫn còn in đậm ở mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi con người Berlin. Nhà báo Hải Hà (VTC News) đã ghi chép lại những dấu tích ấy.

Câu chuyện bất tận của người Berlin

Lần đầu tiên tôi đến Berlin khi nước Đức thống nhất được hơn chục năm. Bức tường Berlin cũng chỉ còn lại một đoạn dài chừng 1 km nằm ở phố Muhlenstrasse.

Người ta giữ lại đoạn tường này như một dấu ấn của quãng thời gian lịch sử không thể nào quên. Với riêng tôi, bức tường Berlin đã gắn với những ước mơ con trẻ thật đẹp. Vì thế, mỗi lần sang Berlin, tôi đều ghé qua Muelenstrasse thăm bức tường như một ký ức đẹp của tuổi thơ.

Người đàn ông ngoại quốc đang vẽ tranh lên bức tường Berlin trên phố Muhlenstrasse. 

Vào khoảng năm 1983, khi tôi vừa biết đọc, chú tôi là bộ đội biên phòng về phép mang cho tôi cuốn tạp chí rất đẹp, hình như của Liên Xô in bằng tiếng Việt. Hồi ấy ở cái làng nghèo bên sông mãi tận cuối tỉnh Thái Bình quê tôi, có được tờ báo phát hành trước lúc đến tay đọc hàng năm trời đã là quý lắm, huống hồ đây lại là cuốn tạp chí mới của nước ngoài có hình bức tường Berlin trên trang bìa với tựa lớn: “Bức tường Béc-lin là gì?”.

Bài báo kể về cuộc sống tươi đẹp ở thủ đô Berlin của nước Cộng hòa Dân chủ Đức phía sau bức tường ngăn cách với Tây Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức. Đọc xong bài báo ấy, tôi cứ tưởng tượng đến xứ xở thần tiên, ai ai cũng được hưởng cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có việc làm, được học hành, vui chơi và chăm sóc y tế miễn phí.

Tôi say sưa đọc bài báo nhiều lần trước khi chuyển cho mấy đứa bạn ham đọc cùng lớp. Trong câu chuyện trên đường đến trường làng những ngày sau đó, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng nhắc đến bức tường Berlin và ước mơ được một lần đặt chân đến đất nước tươi đẹp nhưng quá đỗi xa xôi, cách trở với cái làng nhỏ của chúng tôi…

Phố Muhlenstrasse không thay đổi nhiều, ngoại trừ nhà hát O2 khổng lồ vừa mọc lên. 

Tôi cứ tha thẩn thả bộ dọc bức tường bêtông cao chừng 3m ngắm những bức họa từ thời còn Đông – Tây ngăn cách xen lẫn với những bức graffiti được vẽ gần đây, để cho trí tưởng tượng của mình đi ngược thời gian về cuộc sống ở thành phố lớn nhất châu Âu này vào những thập niên sau Thế chiến Thứ II.

Ngày ấy, sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử với bản thỏa thuận ký giữa Tổng Bí thư Liên Xô - Đại nguyên soái Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill và sau đó bị thay bởi Clement Attlee diễn ra ở Cecilienhof, cung điện của thái tử Wilhelm Hohenzollern, Berlin được chia làm bốn khu vực, trong đó có ba khu vực do Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát.

Ba khu vực này được hợp nhất thành một chính quyền liên bang độc lập vào tháng 3-1948. Phần còn lại của thành phố đặt dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Điều rất lý thú là toàn bộ thành phố Berlin nằm gọn trong vùng Đông Đức thuộc Liên Xô và sau đó vùng Tây Berlin nghiễm nhiên nằm lọt thỏm trong lãnh thổ nước Cộng hòa Dân chủ Đức khi nước này được thành lập vào năm 1949, một thời gian ngắn sau khi nước Cộng hòa Liên bang Đức ra đời.

Tác giả (bên phải) chụp ảnh cùng khách du lịch bên bức tường Berlin. 

Tôi đã được nghe nhiều người Đức kể những câu chuyện về hành trình đến những vùng khác của CHLB Đức. Có cảm giác rằng với mỗi người Berlin, đặc biệt là lớp  trung tuổi, những câu chuyện quá khứ xoay quanh bức tường Berlin luôn không thể thiếu khi họ có dịp trò chuyện với người nước ngoài.

Tôi hay có dịp gặp gỡ ông Hans-Juergen Boesel – Trưởng nhóm Quản lý dự án của Viện Báo chí quốc tế Đức (IIJ) thuộc Cơ quan bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế (InWEnt). Là người Berlin nên ông rất hay kể về những kỷ niệm của ông và gia đình gắn với bức tường này.

Nhà ông ở Tây Berlin. Muốn đi thăm họ hàng ở thành phố Bonn hoặc muốn đi du lịch đến CHLB Đức, gia đình ông phải đi máy bay hoặc bắt tàu chạy ra khỏi lãnh thổ CHDC Đức. Không có bất cứ nhà ga nào để họ dừng lại suốt hành trình trên lãnh thổ CHDC Đức.

Ở Berlin, tôi cũng đến thăm những ga tàu điện ngầm đặc biệt. Những ga tàu đó nằm ở nơi trước đây là thủ đô của CHDC Đức, nhưng có nhiều chuyến tàu ở Tây Berlin bắt buộc phải đi qua đó. Hành khách qua ga này không được dừng lại. Họ chỉ được thấy những người lính biên phòng CHDC Đức canh gác cẩn mật trên sân ga vắng lặng…

Người Việt chụp ảnh cùng 2 người đóng giả sỹ quan quân đội CHDC Đức ở cổng thành Brandenburg Tor, nơi bức tường Berlin cắt ngang ngay phía trước. 

Dấu xưa còn đó

Sau khi nhà nước CHDC Đức và CHLB Đức được thành lập, ở Berlin, người dân hai nước vẫn qua lại bình thường. Thậm chí, hàng chục ngàn người phía Đông vẫn làm việc ở Tây Berlin. Cho đến một buổi sáng mùa thu năm 1961, người ta ngạc nhiên thấy bức tường bêtông sừng sững ngăn cách phần lãnh thổ của CHDC Đức với phần còn lại của Berlin. Bức tường cứ đứng như thế cho đến ngày 9-11-1989.

Bây giờ, đoạn bức tường Berlin đã trở thành nơi tham quan không thể thiếu của du khách đến thành phố này. Trong cái màu xám xịt và cái rét thấu xương giữa mùa đông Âu châu, tôi cũng hòa vào dòng người đông hơn hẳn những lần trước thả bộ dọc bức tường.

Hai người đàn ông trong trang phục lính biên phòng Đông Đức (phải) và quân cảnh Mỹ (trái) tại trạm gác biên giới Charlie Checkpoint cũ ở cổng thành Brandenburg Tor kiếm tiền bằng cách cho du khách chụp ảnh cùng. 

Hơn 20 năm đã trôi qua, nhiều bức tranh của các họa sỹ nổi tiếng trên bức tường đã bắt đầu rêu phong. Người ta sơn lại rồi vẽ phủ lên đó những bức tranh mới. Các bức tranh thuộc rất nhiều trường phái, từ ấn tượng, lập thể cho đến siêu thực và đều thể hiện khát vọng tự do. Nhưng không phải ai muốn vẽ gì cũng được mà phải đăng ký với cơ quan quản lý văn hóa của thành phố.

Xem lại những bức ảnh chụp ở khu vực này những năm 80 của thế kỷ trước, tôi không thấy sự đổi thay quá lớn. Vẫn con đường xe vùn vụt chạy ngay kế bên bức tường. Vẫn là cảnh thưa thớt, vắng vẻ nơi những bãi đất trống. Có chăng là bên cạnh con đường này đã mọc lên hai công trình lớn: Nhà ga Ostbahnhof và công trình đa năng Thế giới O2 có sức chứa 17.000 người.

Được xây dựng với công nghệ hiện đại nhất, đang từ một sân vận động, nó có thể trở thành một nhà hát khổng lồ chỉ sau vài giờ. Trong đó là cả một quần thể khách sạn, sòng bạc, khu mua sắm và nhà hàng… Với màn hình LED cao 12m và dài tới 120m bao quanh bên ngoài được xem là lớn nhất thế giới, Thế giới O2 quả là niềm tự hào của bất cứ người Berlin nào.

Ostbahnhof (nhà ga phía Đông) vốn là ga trung tâm Hauptbahnhof của thủ đô Berlin, CHDC Đức - một trong những ga cổ nhất ở Berlin với lịch sử gần 200 năm. Cái tên Ostbahnhof được chính thức đặt lại cho nhà ga này vào năm 1998, trước khi nó được xây dựng lại một năm. Bây giờ Berlin đã có ga trung tâm Hauptbahnhof ở nơi khác được coi là nơi trung chuyển hành khách lớn nhất châu Âu.

Từ bức tường này đi về phía Đông Berlin, có thể thấy rất nhiều tòa nhà chung cư xây theo lối kiến trúc cũ từ thời CHDC Đức đã xuống cấp. Những tòa nhà ấy đều có một màu tường xám xịt, đối lập hẳn với vẻ ngoài tươi tắn đầy màu sắc của các dãy chung cư ở phía Tây Berlin.

Càng sang phía Đông, càng gặp nhiều con đường đang trong quá trình sửa chữa, những tòa nhà trước đây là nhà máy, công xưởng nay xuống cấp trầm trọng đang bị bỏ hoang hoặc cho thuê làm kho chứa hàng.

Hồi nước Đức mới thống nhất, Thủ tướng Đức lúc đó là ông Helmut Kohl tuyên bố nước Đức sẽ không mất một đồng nào để đầu tư cho phía Đông. Vậy mà từ đó đến nay, mỗi năm Chính phủ liên bang phải bơm tới 60 tỷ euro cho việc tái thiết các bang phía Đông.

Thế nhưng, đúng vào dịp nước Đức kỷ niệm 20 sự kiện bức tường đổ, Viện Kinh tế IW của Đức tính toán rằng dù đang có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 2 lần so với thời sau chiến tranh lạnh, phải mất 10 năm nữa các bang phía Đông mới theo kịp các bang nghèo nhất ở phía Tây Đức là Sachsen Hạ và Schleswig-Holstein.

Theo lý thuyết lạc quan nhất, hai miền Đông và Tây Đức sẽ đạt được mức phát triển ngang bằng nhau vào năm 2028. Một khi các bang phía Đông bắt kịp các bang phía Tây, khoản hỗ trợ tái thiết khổng lồ trên mới được dỡ bỏ.

Hải Hà

Bình luận
vtcnews.vn