• Zalo

5 mối tình kinh điển trên phim Việt

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 16/01/2014 10:04:00 +07:00Google News

Mối tình trong những bộ phim 'Chung một dòng sông', 'Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh'... trở thành những tình yêu kinh điển thời chiến tranh.

Mối tình trong những bộ phim 'Chung một dòng sông', 'Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh'... trở thành những tình yêu kinh điển thời chiến tranh.

Nhắc đến tình yêu thời chiến là nói đến nỗi khắc khoải, nhớ thương, sự chia ly day dứt của những đôi lứa yêu nhau tha thiết nhưng chấp nhận sống xa nhau vì nghĩa lớn.

Và điều này đã được phản ánh khá nhiều trong các bộ phim chiến tranh Việt Nam với nhiều màu sắc và cung bậc tình cảm khác nhau. Dưới đây là 5 cặp đôi được xem là đẹp nhất thời chiến trên phim Việt
.

Chung một dòng sông

Chuyện phim kể về nỗi đau chia cắt đất nước thông qua mối tình bị ngăn trở của hai nhân vật Hoài (Phi Nga) và Vận (Mạnh Linh).

Hai người, một ở bờ Nam và một ở bờ Bắc ngăn giữa bởi con sông Bến Hải, tạm chia đất nước thành hai miền trong hai năm.

Hoài và Vận vốn yêu nhau từ hồi còn tham gia kháng chiến chống Pháp, từng kết giao trăm năm và nay tiến hành đám cưới. Nhưng khi thuyền nhà trai sang bờ Nam đón Hoài thì cảnh sát và chính quyền không cho họ lên bờ.

chung một dòng sông
Cặp đôi Hoài và Vận trong Chung một dòng sông 
Trong lúc đó, ở bờ Nam, tên đồn trưởng vốn mê Hoài, tìm mọi cách mua chuộc, đe dọa, ép Hoài lấy hắn. Nhưng mọi âm mưu của hắn đều bị thất bại trước tinh thần cảnh giác đấu tranh của nhân dân hai bờ Nam – Bắc và trước cả mối tình chung thủy của Hoài và Vận.

Mặc dù bị ngăn trở quyết liệt bởi kẻ địch và dòng sông cách biệt nhưng tất cả đều không thể tách chia đôi lứa. Trong một lần dũng cảm đánh lạc hướng kẻ địch bờ Nam, Hoài đã sang được bờ Bắc tìm Vận.

Dù rất muốn ở lại chung sống cùng người yêu nhưng Hoài vẫn quyết định trở lại bờ Nam cùng gia đình và dân làng tiếp tục đấu tranh chống xâm lược và chia cắt đất nước.


Có thể nói, Hoài và Vận tồn tại trong ký ức người xem như một kỷ niệm đắng cay về thời kỳ đất nước ta bị chia cắt. Mối tình của họ cũng đánh dấu buổi ban đầu của cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước.

Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh

Vẫn là đề tài chiến tranh nhưng Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh mang nhiều yếu tố tâm lý. Một cuộc chiến đằng sau những tiếng bom đạn, Du (Bùi Bài Bình) – một người lính giải phóng bị thương sau trận đánh, đối mặt với đám lính ngụy càn lên trận địa.

Khi cận kề với cái chết, quá khứ lần lượt hiện về trong anh với hình ảnh người mẹ già, gương mặt thân thương của Phương (Lan Hương) – cô thanh niên xung phong phong sau 4 năm xông pha ngoài chiến trường, nay được về thăm nhà, anh mới quen trên tàu… Tất cả còn đang dang dở thì Du phải ra trận, không kịp chia tay Phương.

khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh
Bùi Bài Bình vai Du trong Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh 
Một tình cảm đẹp, trong sáng, không màu mè khi những người đồng đội giúp đỡ nhau trong hoạn nạn đã khiến Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh đem lại cảm giác ấm áp, có thể cảm được những điều khó nói thành lời.

Thu Phương cũng là vai diễn dài hơi có số phận đầu tiên trên màn ảnh của diễn viên Lan Hương và đây cũng là bộ phim đầu tiên chị đóng chung với diễn viên Bùi Bài Bình.

khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh
Lan Hương trong Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh 

Chiếc chìa khóa vàng

Trong Chiếc chìa khóa vàng, chiến tranh được tái hiện thông qua những hy sinh riêng tư của đôi nam nữ Dũng (Tạ Ngọc Bảo) – Nguyệt (Mỹ Duyên).

Mặc dù, phim nặng về bối cảnh chiến tranh nhưng trên hết đây là câu chuyện về con người với những nỗi khát khao đời thường nhất. Trong những năm tháng đầy khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Dũng đột ngột nhận được giấy gọi nhập ngũ.

Trước khi lên đường, Nguyệt – người yêu anh đã quyết định phải tổ chức đám cưới dù chỉ có vẻn vẹn một ngày chuẩn bị. Và họ đã phải chạy đua với thời gian những mong có được chiếc chìa khóa cho căn phòng hạnh phúc, nhưng họ đã gặp phải biết bao vật cản: bom đạn, thói cửa quyền thời bao cấp… đến khi có được phòng thì đúng lúc Dũng phải lên đường.

chiếc chìa khóa vàng
Dũng và Nguyệt trong Chiếc khóa vàng 
Chi tiết cuối phim với hình ảnh chiếc chìa khóa vàng được Dũng ném lại cho Nguyệt một lần nữa cho thấy niềm tin của con người trong sự chờ đợi với những khát khao về một tương lai tốt đẹp phía trước.

Đường thư

Gặp nhau lần đầu tiên khi cùng đóng phim Đường thư (năm 2005) của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Tuấn Tú vào vai anh quân bưu Hoàng An, còn Lưu Hà đảm nhận vai cô gái trong trắng tên Dịu.
tuấn tú
Tuấn Tú vai An trong Đường thư 
Từ một anh lính trẻ măng được đào tạo làm lính đặc công, vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường, nhưng do tính khí nóng nảy đã gây ra một trận ẩu đả với tốp 'lính cậu' khiến An bị phạt.

Thay vì trực tiếp cầm súng chiến đấu thì An bất ngờ được giao nhiệm vụ đưa thư và hoàn cảnh đã đẩy anh vào những thử thách khốc liệt của chiến tranh.

Vốn ôm ấp niềm kiêu hãnh trở thành lính đặc công nên ngày nhập ngũ, An đã trót tâm sự với Dịu – người yêu của mình ở hậu phương sẽ là một chiến sĩ đặc công oai hùng, nhưng không ngờ bị đẩy sang làm quân bưu nên An có sự mặc cảm, bức xúc.

Nhiệm vụ của An và Tân – anh quân bưu chuyên nghiệp là đem mật lệnh của Ban chỉ huy lên trọng điểm 861 nhưng vì chưa thông nhiệm vụ nên trên đường đi An luôn kiếm cớ gây sự với Tân.

đường thư
Lưu Hà vai Dịu trong Đường thư 
Chứng kiến trận đánh đầu đời, cái chết của đồng đội và cả sự hy sinh của Tân, An dần trưởng thành vượt bậc hiểu thế nào là nhiệm vụ của người lính và sức mạnh những lá thư đối với người lính.

Nhưng trớ trêu chính những bức thư anh gửi cho Dịu thì lại không bao giờ đến được tay cô, bởi chiến tranh tàn ác đã vĩnh viễn cướp đi tuổi xuân của Dịu.

đường thư
Tuấn Tú và Lưu Hà đã làm nên mối tình hậu phương - tiền tuyến trong Đường thư 
Hình ảnh cô gái nhỏ bé, trong trắng chèo thuyền trên dòng sông quê hương đã đem lại màu sắc êm dịu, lãng mạn bên cạnh không khí nhuốm màu chiến trận. Và khi hình ảnh đẹp đó bị bom đạn hủy diệt thì nỗi đau và sự mất mát càng được nhân lên.

Những người viết huyền thoại


Trương Minh Quốc Thái trong vai Nghĩa đã lột tả được con người đầy tình cảm ẩn sâu dưới vẻ bề ngoài lạnh lùng, khô khan của một anh lính giao liên, đặc biệt là ánh mắt đau đớn khi nghe thấy tiếng mìn nổ ngay sau khi đoàn văn công lên đường vượt Trường Sơn ra Bắc.
những người viết huyền thoại
Trương Minh Quốc Thái và Tăng Bảo Quyên trong Những người viết huyền thoại 
Còn Tăng Bảo Quyên trong vai chiến sĩ văn công người Hà Nội, mặc dù xuất hiện không nhiều, nhưng cũng thể hiện khá tốt vẻ đẹp giản dị, dịu dàng, lãng mạn nhưng đầy gan dạ. Cảnh đoàn văn công trở ra Bắc bị vướng mìn trong lòng suối đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Đặc biệt là khi anh mắt cuối cùng của Hà khi vượt suối cùng đồng đội, tay còn nắm chiếc là đỏ vừa hẹn ước với Nghĩa cách đó không lâu, nhưng chân đã đặt bên trên quả mìn thực sự khiến người xem xúc động.

Theo Thế giới điện ảnh
Bình luận
vtcnews.vn