35 năm nhà giàn DK1: Kiên cường qua bao mùa dông bão

Phóng sựThứ Bảy, 06/07/2024 08:54:18 +07:00

35 năm trôi qua, giữa biển khơi đầy gian khó, mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người lính đã hòa vào biển sâu để giữ cho nhà giàn hiên ngang trên biển.

“Nhà chòi', "chuồng bồ câu" là những từ truyền miệng của ngư dân khai thác trên thềm lục địa nói về nhà giàn DK1 những năm đầu tiên. Còn với các chiến sĩ Hải quân thế hệ đầu tiên ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ, hai chữ “nhà lô” hay “nhà chòi” đến giờ vẫn ăn sâu trong tiềm thức. Đó là bởi sự nhỏ bé, chênh vênh của nhà giàn trước biển cả mênh mông.

35 năm trôi qua là bấy nhiêu mùa dông bão. Giữa biển khơi đầy gian khó, mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người lính nhà giàn đã hòa vào biển sâu để giữ cho nhà giàn hiên ngang trên biển. Dẫu vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia vẫn kiên cường bám trụ nơi đầu sóng, bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 

Nhà giàn DK1 mùa biển động.

Nhà giàn DK1 mùa biển động.

Là người trở về trong bão dữ năm 1998, cơn bão làm đổ nhà giàn khiến 3 đồng chí, đồng đội của anh hy sinh, Trung tá Dương Văn Hoan, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn vẫn rưng rưng khi nhắc đến câu chuyện 26 năm trước. Lúc đó anh Hoan là Trung úy, chỉ huy phó nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6).

Được đồng đội đón về đất liền sau cơn bão dữ nhưng chỉ ba tháng sau, khi đã ổn định sức khỏe, anh Dương Văn Hoan tiếp tục quay lại với nhà giàn. Từ đó đến lúc nghỉ hưu, anh đã công tác ở tất cả các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam, bởi với anh “nhà của mình, đất của mình, chủ quyền của mình thì mình ở”.

Trung tá Dương Văn Hoan chia sẻ: "Sóng to, từng đợt đập vào chân nhà, nhà lắc làm anh em nôn thốc tháo mật xanh mật vàng, say sóng. Chúng tôi động viên nhau không sao đâu, nhà không đổ đâu, cứ yên tâm. Khi được lệnh rời nhà, chúng tôi lần lượt nhảy xuống biển, mỗi người bị sóng đánh một hướng. Sau đó được đưa lên tàu. Lúc đó chúng tôi thấy còn thiếu 3 người là anh Chương, An và Hồng, chúng tôi chia nhau tìm…"

Lên nhà giàn bằng thang dây giữa biển khơi.

Lên nhà giàn bằng thang dây giữa biển khơi.

Với Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn DK1, cơn bão tháng 12/1998 không thể nào quên. Khi đó anh là chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/15, cách Phúc Nguyên 2A khoảng 7 hải lý.

Đó là cơn bão mạnh, các tàu hoạt động trong khu vực cũng được lệnh về Côn Đảo tránh trú, chỉ còn những người lính trên nhà giàn ở lại bảo vệ nhà. Ký ức cùng đồng đội chống chọi với bão dữ, những đồng đội đã hy sinh để giữ nhà giàn; những đồng đội nhảy xuống biển trôi dạt trong bão vẫn hiển hiện trong tâm trí anh.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh cho biết: "Nhà giàn DK1/15, cách Phúc Nguyên 2A chỉ 7-8 lý, hàng ngày vẫn nhìn thấy nhà nhau. Bão vào khu vực, đổ thẳng vào Phúc Nguyên 2A (lúc đó nhà nhỏ, cũ); chúng tôi vẫn liên lạc qua bộ đàm hàng giờ, phút, tất cả chỉ biết động viên nhau. Tiếng gió rít, tiếng sóng ầm ào vỗ vào nhà…

Khoảng 4h sáng thì đồng chí Thùy, nhân viên thông tin có chào chúng tôi: "Chúng tôi đi nhé… chào các đồng đội", rồi nhảy xuống biển. Tất cả chúng tôi nhà bên này không ai cầm được nước mắt.

Rồi nhà đổ ụp vào biển. Biển lạnh. Ba đồng chí hy sinh, đồng chí Chương, đồng chí Hồng, đồng chí An (giọng nghẹn). Anh em chúng tôi bật khóc. Đến sáng bão gió giảm, tàu ra tìm các anh em, chúng tôi hỗ trợ tìm anh em. Đó là kỷ niệm trong cuộc đời không bao giờ tôi quên".

Công tác trên nhà giàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là bão biển. Mỗi lần bão đến và đi, các anh lại thêm một lần tôi luyện ý chí, vững chãi trên biển. Với Thiếu tá Trần Xuân Hòa (đang công tác ở nhà giàn DK1/14), tiếng gió mạnh với tiếng rít, giật liên hồi; những cơn sóng kinh hoàng liên tục đánh vào chân nhà chẳng còn xa lạ. Có những cơn bão mạnh, sóng cao hơn 20m đánh tràn qua nhà giàn nhỏ, bao trùm nhà một màu trắng xóa.

Phút thư giãn của lính nhà giàn DK1.

Phút thư giãn của lính nhà giàn DK1.

Thiếu tá Trần Xuân Hòa nói: "Cơn bão cuối năm 2017 sóng to lắm, phải 18-20m. Sàn bên nhà giàn nhỏ là bão cuốn hết các thứ xuống biển, nhà rung lắc mạnh. Tất cả anh em tập trung bên nhà lớn, cũng rung lắc lắm nhưng đỡ hơn bên nhỏ. Chúng tôi vừa quan sát vừa động viên anh em chiến sĩ để mọi người có tâm lý vững vàng hơn. Bây giờ nhà được xây dựng nâng cấp to hơn nên an toàn hơn. Còn người, còn nhà giàn, chúng tôi quyết tâm bám trụ để bảo vệ chủ quyền."

Chứng kiến trên 30 cơn bão biển, và khoảng 50 cơn áp thấp nhiệt đới khi ở nhà giàn. Trung tá Nguyễn Văn Đồng, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 “hiểu bão, đón ý bão, đối mặt với bão và vượt qua bão”.

Theo anh Đồng, bản lĩnh của người lính nhà giàn thể hiện ở mỗi cơn bão qua đi. Vượt qua nỗi sợ bão, tích lũy, truyền cho nhau kinh nghiệm để chống bão - Ý chí, tinh thần “thép” của người lính DK1 cũng được tôi luyện từ đó.

Trung tá Nguyễn Văn Đồng cho biết: "Tinh thần thép thể hiện ở mùa dông bão sóng gió, ngày xưa nhà giàn nhỏ có lung lay. Tinh thần thép thể hiện ở lúc gió bão dông, cuồng phong bão giật, chúng tôi kề vai, sát cánh động viên nhau khắc phục và chiến thắng sóng gió trong điều kiện khó khăn nhất. Tinh thần thép thể hiện ở tất cả anh em xác định rõ nhiệm vụ và cùng nhau vượt qua".

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên nhà giàn DK1.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên nhà giàn DK1.

Giữa mênh mông trùng khơi biêng biếc nước và trời, đời sống của các chiến sĩ nhà giàn những năm đầu vô cùng khó khăn, gian khổ. Tất cả mọi hoạt động của cán bộ chiến sĩ đều diễn ra trong phạm vi gần 150m2 của nhà giàn và luôn phải đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mặt biển.

Thời tiết khắc nghiệt, quanh năm nắng nóng, bão tố, đời sống vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Khó khăn nhất của người lính DK1 lúc ấy là nước ngọt và rau xanh. Có những khi sóng lớn, tàu trực cũng không thể đưa xuồng vào tiếp tế lương thực lên nhà giàn. Vì thế thực phẩm chủ yếu của cán bộ chiến sĩ là đồ hộp, lương khô và rau muống phơi khô.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Lữ đoàn 167, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) cho biết: "Đầu tiên nhìn lên nhà giàn mình sốc bởi vì mình chưa hình dung nổi tại sao giữa biển khơi mênh mông như vậy lại nổi lên một cái nhà rất lạ lẫm.

Khi bước chân lên thì mọi thứ nó hoàn toàn không như trong suy nghĩ của mình và cũng chẳng có trường quân đội nào đào tạo một mô hình sống như vậy. Cái cảm giác đầu tiên tôi nhớ mãi khi bước chân lên nhà giàn thực hiện nhiệm vụ là hình ảnh nhà giàn lúc đó, cuộc sống trên nhà giàn lúc đó, nó in mãi trong đầu mình đến tận bây giờ mà tôi nghĩ là sẽ theo tôi suốt đời không bao giờ quên".

Nhà giàn bảo vệ, hỗ trợ ngư dân khai thác trên thềm lục địa.

Nhà giàn bảo vệ, hỗ trợ ngư dân khai thác trên thềm lục địa.

Đó là cảm xúc của ngày đầu tiên Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh bước chân lên giàn thực hiện nhiệm vụ. Năm 1994, khi đang công tác tại Lữ đoàn 5, binh chủng Đặc công, Thượng úy Nguyễn Thế Dĩnh nhận quyết định chuyển sang Quân chủng Hải quân, vào Lữ đoàn 171 đóng tại TP Vũng Tàu để nhận nhiệm vụ. Mặc dù là cán bộ chính trị, nhưng anh được phiên ngay sang ngạch quân sự, làm chỉ huy trưởng nhà giàn Ba Kè A (DK1/4) trong khi vẫn chưa biết “nhà chòi”, “nhà lô” như thế nào.

Hơn 35 cống hiến trong lực lượng Hải quân, anh Dĩnh có thâm niên 25 năm công tác tại Tiểu đoàn DK1, trong đó hơn 10 năm giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn, nên anh rành rẽ mọi vất vả của bộ đội nhà giàn từ những ngày đầu tiên.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh chia sẻ: "Đặc thù nhà giàn không gian không được rộng, chật hẹp. Khó khăn vì thiếu thốn tình cảm, xa đất liền, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nước ngọt thiếu, mỗi ngày mỗi chiến sĩ có 2-3 lít nước; mùa khô chỉ có 0,5 lít. Điện không có, mỗi ngày chỉ chạy máy nổ khoảng 2 giờ để có điện cho thông tin quân sự. Ban đêm thắp sáng bằng đèn dầu. Ra làm nhiệm vụ nhưng không có thời hạn về. Mọi liên lạc cá nhân với đất liền bị cắt đứt. Nhưng chúng tôi vinh dự vì không phải ai cũng được ra nhà giàn làm nhiệm vụ".

Nhà giàn hiên ngang trước bão Tembin.

Nhà giàn hiên ngang trước bão Tembin.

Không thể kể hết những khó khăn của những năm đầu nhà giàn mới thành lập. Sự khắc nghiệt của thời tiết, sóng, gió, bão biển thường trực và bốn bề chỉ có sóng nước. Những người lính DK1 thiếu từ rau xanh, nước ngọt, điện sinh hoạt đến thông tin liên lạc với hậu phương, gia đình.

Không chỉ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, hàng ngày cán bộ, chiến sĩ nhà giàn còn phải đối mặt với những hiểm nguy, căng thẳng bởi âm mưu của nước ngoài tiến hành các hoạt động trái phép trong khu vực.

Dù luôn tiềm ẩn hiểm nguy, nhưng với ý chí quả cảm, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn luôn cảnh giác, kiên cường bám trụ, vững chắc tay súng, hiên ngang canh giữ biển trời, theo dõi chặt chẽ các hoạt động trái phép của tàu nước ngoài, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ trạm, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc với lời thề: “Còn người - còn nhà giàn”.

Từ trong gian khổ, thử thách, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đã tỏ rõ sự trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ nhà giàn. Đó là tấm gương Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Chuẩn úy Lê Đức, Phạm Tảo, Nguyễn Văn Từ, Lê Tiến Cường, Ngô Sĩ Nga, Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hạnh và nhiều tấm gương khác bất chấp giông bão, kiên quyết không rời nhà giàn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh trực chốt và anh dũng hi sinh tại vùng biển thềm lục địa phía Nam.

Các anh đã vĩnh viễn nằm lại biển sâu trong khúc tráng ca bất tử của lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ sự sống còn cho những “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển” như một bằng chứng về ý chí kiên cường của các chiến sĩ nhà giàn DK1 sẵn sàng hy sinh, quên mình, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không chỉ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với những hiểm nguy, căng thẳng bởi âm mưu của nước ngoài tiến hành các hoạt động trái phép trong khu vực. Các thế lực bên ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến và thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm quyền chủ quyền của ta ở khu vực thềm lục địa phía Nam, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông.

Ngoài ra có nhiều tàu cá nước ngoài xuống đánh bắt trái phép hải sản ở khu vực này. Bởi vậy, công tác bảo vệ các nhà giàn luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao.

Thu Lan(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn