• Zalo

3 tỷ đồng, 300 triệu đồng và 'nhiệm kỳ kim tiền'

Thể thaoThứ Bảy, 20/06/2015 12:44:00 +07:00Google News

VFF cũng như BĐVN có lẽ cần một cơn dông quét qua, đủ mạnh để khiến cây cối, cột điện, cầu đường… bật gốc và lộ ra những “khoảng tối”.

VFF cũng như BĐVN có lẽ cần một cơn dông quét qua, đủ mạnh để khiến cây cối, cột điện, cầu đường… bật gốc và lộ ra những “khoảng tối”.

Tại sao lại treo thưởng U.23 VN trước trận tranh HCĐ?

“Chỉ thấy thương chúng nó thôi…”, ngày ĐT nữ Việt Nam trắng tay ở trận tranh HCĐ giải Đông Nam Á (thua 3-4 trước U.23 Australia), một “đàn chị” là cựu tuyển thủ QG than thở. Thương các cầu thủ nữ khi lần đầu tiên sau 20 năm trắng tay ở các giải đấu khu vực. Thất bại với bóng đá nữ, chính xác và chân thực nhất phải dùng 2 từ: Thất bát.

Cả năm, họ chỉ chờ đợi và trông vào AFF Cup hay SEA Games. Đó là cơ hội để họ chứng tỏ, cố gắng giành thành tích và kiếm tiền thưởng. Vô địch hay có thành tích là có tiền thưởng, với các cầu thủ nữ mấy chục triệu đồng quý và to lắm. Sửa nhà, giúp đỡ gia đình, chữa bệnh cho bố mẹ, người thân hay nuôi em ăn học…, nó giúp họ giải quyết rất nhiều vấn đề của cuộc sống, khi cả năm ngóng trông với hy vọng.

Không có thành tích nên không có thưởng, ĐT nữ Việt Nam thất bại ở AFF Cup 2015 nên cả đội chỉ có 300 triệu đồng chia nhau. Tính ra, cầu thủ loại A được 12 triệu, A- nhận 10,5 triệu còn B là 9 triệu đồng. Thế nên, rất nhiều tuyển thủ “vỡ kế hoạch”.

300 triệu đồng cho ĐT nữ, kể ra cũng nghiệt nếu so sánh với 3 tỷ đồng tiền thưởng dành cho U.23 VN với tấm HCĐ SEA Games 28. Tất nhiên, so sánh thì khập khiễng và giữa bóng đá nam với nữ có khoảng cách, không bao giờ có thể so bì. Nhất là khi cả nền bóng đá cũng như xã hội dành sự quan tâm cho U.23 VN với tấm HCV bao nhiêu năm vẫn chỉ là giấc mơ đau đáu. Và nhiều cầu thủ, họ cũng chỉ biết chua chát là ĐTVN không… may mắn.

Bóng đá nữ sau bao kêu gọi từ dư luận vẫn bị bỏ rơi
 Bóng đá nữ sau bao kêu gọi từ dư luận vẫn bị bỏ rơi

Không “may” như U.23 VN, thua ở bán kết và trước trận tranh HCĐ, bỗng dưng có người cho kích nổ một “quả bom”. Lá đơn tố cáo chính danh nhắm vào 2 nhân vật đứng đầu BĐVN khiến tất cả rúng động. Lại chuẩn bị có “bão” và ở thời điểm nhạy cảm như thế, người ta buộc phải tính toán.

SEA Games 2007 và 2011, U.23 VN từng thua xấu mặt ở những trận tranh HCĐ. Một trận thua đậm nữa là nguy cơ hiển hiện, với trạng thái suy sụp tinh thần sau thất bại cay đắng ở bán kết trước U.23 Myanmar cùng sự thất vọng ghê gớm của đám đông. Nếu thầy trò HLV Miura không gượng dậy được, đánh mất tinh thần, ý chí và thua 4-5 bàn như từng xảy ra thì tai họa khôn lường.

Khi đó, cuồng phong sẽ nổi với sự giận dữ của tâm lý đám đông và có nhiều người lãnh đủ. Ai sẽ “ăn đòn”, trở thành bia hứng đạn nếu U.23 VN thất bại ở trận đấu vớt vát tranh HCĐ? Lá đơn tố cáo được tung ra đúng thời điểm nhạy cảm như thế (dù có thể đó chỉ là động cơ cá nhân và chuyện đúng sai còn phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc kết luận) thì những người trong cuộc không thể không đưa ra phản ứng nhanh.

Đó là lý do trước trận đấu với U.23 Indonesia, một liều doping được bơm cho U.23 VN. Số tiền 2 tỷ đồng được treo và chưa khi nào, tấm HCĐ lại có giá đến vậy. U.23 VN thắng giòn giã 5-0, ở trận đấu thầy trò HLV Miura đá vì chính mình và đá cho cả các chú các bác, để rồi cứu nhiều người, nhiều thứ.

Thưởng 1 tỷ đồng cho việc hoàn thành chỉ tiêu lọt vào bán kết, thêm 2 tỷ đồng cho tấm HCĐ và 3 tỷ đó, chưa chắc đã phải là lý do, động lực giúp U.23 VN chiến đấu, chiến thắng U.23 Indonesia trong trận đấu đối thủ này sau đó bị tố bán độ. Chỉ chắc chắn một điều rằng, chiến thắng đó giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề, từ những chuyện to tát như danh dự, niềm tin, khả năng xoa dịu nỗi đau thất bại của đám đông đang ngập tràn thất vọng đến chuyện của một số cá nhân.

Nhiệm kỳ kim tiền

Thông tin tiền thưởng được tiết lộ sau giải đấu, khi U.23 VN đã hoàn thành nhiệm vụ và tiền không chỉ của VFF mà có cả của các nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân… Ở đây, có một vấn đề cần và nên nói. Đó là từ mấy năm qua, lãnh đạo VFF luôn kiên quyết nói không với việc treo thưởng. Những tuyên bố to tát, hùng hồn của các quan chức và chuyện treo thưởng khi được nhắc đến đều được đẩy lên như một thứ cấm kỵ, thậm chí rất xấu theo nghĩa tiêu cực. Thế nên, khoản thưởng treo 2 tỷ đồng mà những người có trách nhiệm âm thầm quyết định trước trận tranh HCĐ và quán triệt tinh thần chỉ nội bộ biết với nhau, rõ ràng là vấn đề, giống cái tát vào chính mặt mình sau những gì đã nói, đã làm.

VFF đang lao đao vì bê bối hối lộ
 VFF đang lao đao vì bê bối hối lộ

Câu chuyện tiền bạc xung quanh một trận đấu, một giải đấu và ở tình huống đặc biệt này nói lên nhiều điều. Đó là tư duy, cách làm và những vấn đề mang tính bản chất mà con số 3 tỷ đồng tiền thưởng cho tấm HCĐ giống một minh chứng.

Một vụ kiện tụng liên quan đến quyền lợi, tiền bạc xuất phát từ chính ngôi nhà VFF, một khoản thưởng kỷ lục ở trận đấu mang ý nghĩa danh dự và ít nhiều, người ta sẽ hiểu vì sao nhiều năm qua ở VFF qua vài nhiệm kỳ, người ta đúc kết và định nghĩa là “triều đại kim tiền”…

Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi vừa trao khoản tiền thưởng 12 triệu baht (tương đương 8 tỷ đồng) cho các tuyển thủ U.23 vô địch bóng đá nam tại SEA Games 28. Nhưng theo tờ Bangkok Post tiết lộ thì nếu gộp các khoản thưởng từ Chính phủ cùng các công ty, tổng số tiền U.23 Thái Lan nhận được là 22 triệu baht (14,25 tỷ đồng).


Nguồn: Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn