• Zalo

3 kiểu trẻ em 'thông minh giả', lớn lên rất khó thành công

Gia đìnhThứ Hai, 28/08/2023 19:11:00 +07:00Google News

Nếu con bạn thuộc 3 kiểu "thông minh giả" như dưới đây thì không nên tự hào, phụ huynh cần định hướng giáo dục lại trẻ cho cẩn thận.

Cha mẹ nào cũng mong con mình thông minh, lanh lợi, như vậy thì lớn lên mới dễ thành công. Tuy nhiên, cũng có nhiều kiểu thông minh, nếu trẻ dính phải 3 kiểu "thông minh giả" như dưới đây thì phụ huynh đừng nên tự hào mà cần phải định hướng giáo dục lại cho cẩn thận.

Thông minh kiểu lý thuyết, chỉ biết nói, không biết làm

Tôi có biết một cậu bé nói rất giỏi, thậm chí có đầu có đuôi, ngọn ngành có lý hơn cả người lớn. Hỏi nhóc sao được nghỉ mà không đi chơi, nhóc nói: "Khoảng cách giữa học sinh giỏi và học sinh kém chỉ là một kỳ nghỉ hè". Cậu chàng muốn dùng một tháng rưỡi này để vượt qua người khác.

Khi hỏi nhóc có thích chơi game không và thường giải trí bằng cách nào, cậu nhóc lắc đầu và khẳng định mình còn không nghịch điện thoại: "Nghiện Internet là lãng phí cuộc đời".

Hỏi nhóc thế kế hoạch trong kỳ nghỉ của nhóc là gì, nhóc nói đã lên cả thời gian biểu, bận rộn học hành 24/7.

Thế nhưng khi tôi vừa định khen cậu bé có "gene học sinh giỏi", tự lập, chị cậu nhóc đứng ở bên cạnh lập tức "bóc phốt": "Nói nhiều có ích gì, cũng có thấy nó làm gì đâu".

Hóa ra, cậu nhóc này thà ở nhà ngủ nướng còn hơn ra ngoài phơi nắng; không chơi điện thoại thật nhưng suốt ngày ôm cái TV, xem chán lại nằm ườn ở sofa; thời gian biểu viết chi tiết lắm nhưng về cơ bản thì chẳng hạng mục nào hoàn thành.

Chẳng trách mà cậu nhóc này có thành tích thường ở top dưới của lớp, đây hẳn chính là kiểu trẻ "có nói mà không có làm" điển hình.

Ngày nay, có rất nhiều trẻ biết mình có thể làm gì và nên làm gì từ sớm nhưng lại bị sự lười đánh bại. Những đứa trẻ này nói chuyện rất có logic, rất đâu ra đấy nhưng nếu bạn muốn chúng bắt tay vào làm thì phải giục ba bốn lần, năng lực hành động của chúng phải nói là rất kém.

Điều này khiến tôi nhớ đến một trải nghiệm của họa sĩ nổi tiếng người Pháp Jean-Baptiste-Camille Corot.

Có một lần, ông chỉ ra vấn đề trong tác phẩm của một họa sĩ trẻ. Đối phương vừa nghe Corot nói vừa phụ họa xem chừng tâm đắc lắm, cuối cùng chốt một câu: "Đề nghị của ngài thực sự rất hay, ngày mai tôi sẽ sửa lại toàn bộ".

Corot nghe xong liền tức giận, lớn tiếng khiển trách: "Sao phải đợi đến ngày mai? Nói gì thì phải làm ngay, không được trì hoãn kiếm cớ".

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đây cũng là lời nhắn nhủ gửi tới những người có thói quen tương tự.

Nếu trẻ chỉ nói suông, lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen nói mà không làm. Trẻ có mục tiêu rõ ràng nhưng chỉ biết nói mà không biến ý tưởng thành hành động. Như vậy thì dù 10 hay 20 năm nữa, trẻ cũng không thể thành công được, càng không thể thành tài như cha mẹ mong đợi.

Thông minh kiểu "trái tim thủy tinh" - chỉ gặp một chút khó khăn đã bị đánh bại

Ai cũng nói trẻ em ngày nay càng ngày càng yếu đuối, không được mắng, không được đánh, một xíu đả kích cũng không chịu được, đụng tí là áp lực, tuyệt vọng, trốn chạy. Trong học tập cũng có rất nhiều tình huống tương tự.

Một nữ sinh 13 tuổi ở Hàng Châu từ khi còn nhỏ đã thuộc top học sinh giỏi nhất. Lên đến cấp 2, cô bé cũng thành công thi vào trường chuyên của thành phố.

Tuy nhiên, trong bài kiểm tra cơ sở không lâu sau khi năm học bắt đầu, cô bé chỉ đứng thứ 5 trong lớp. Dù thành tích vẫn rất cao nhưng cô bé không thể chấp nhận được kết quả này. Trong từ điển của nữ sinh chỉ có vị trí thứ nhất, chưa bao giờ thi kém như thế.

Từ đó, sự tự tin của cô bé bị ảnh hưởng nặng nề. Nữ sinh dần mất đi động lực và tinh thần phấn đấu học tập, lúc nào cũng thấy chán nản và chỉ muốn trốn ở nhà.

Thấy con gái như vậy, cha mẹ cô bé không khỏi mắng vài câu. Kết quả cô bé cầm ngay con dao rọc giấy cắt tay và hét lên: "Con không muốn sống nữa".

Sau khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ tâm lý chẩn đoán cô bé bị trầm cảm, lo lắng và mệt mỏi vì việc học trong thời gian kéo dài.

Các chuyên gia cho rằng cô bé quá tập trung vào việc học nên không có thời gian kết bạn hay giao tiếp với cha mẹ. Dưới áp lực học tập cao độ trong thời gian dài, tâm trạng của cô bé ngày càng chán nản, thất bại trong bài kiểm tra cơ sở trở thành "cọng rơm cuối cùng" đè bẹp cô.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều trẻ em gặp phải những vấn đề tương tự. Nhìn bề ngoài, đứa nào đứa nấy đều thông minh, có năng lực, IQ cao nhưng thực chất lại rất yếu đuối, chỉ cần gặp chuyện dù là nhỏ xíu, chúng cũng gục ngã bất cứ lúc nào.

Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Simon Anne đưa ra "lý thuyết tâm lý vỏ trứng": Một số trẻ có khả năng phòng vệ tâm lý yếu và mỏng manh như vỏ trứng.

- Chúng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về chúng.

- Không cho phép mình "thua", thích cạnh tranh với người khác để so sánh.

- Đối mặt với trở ngại hay thất bại, chỉ biết dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ và người khác, không thể tự mình giải quyết vấn đề.

 - Lúc nhỏ vấn đề biểu hiện không rõ ràng nhưng khi lớn lên sẽ rất khó có đủ can đảm để thử những thứ mới.

- Vào thời điểm quan trọng vẫn nghĩ rằng mình không thể làm được việc này việc kia, thiếu tự tin để đảm nhiệm những trách nhiệm lớn.

Thông minh kiểu "không đủ tập trung": Chơi rất hăng nhưng cứ học là mệt

Nhiều bậc cha mẹ thường đặt câu hỏi: Vì sao trẻ em bây giờ ăn sướng, mặc sướng, có đủ điều kiện và môi trường học tập tốt nhưng trẻ chỉ phát triển thể chất còn tình trạng học tập vẫn dậm chân tại chỗ?

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết: "IQ không phải thứ quyết định thành tích học tập của trẻ mà là sự tập trung. 80% trẻ thua cuộc không phải IQ thấp mà vì thiếu tập trung".

Một cuộc khảo sát do Viện Tâm lý học Trung Quốc thực hiện tại 660 thành phố vừa và lớn ở Trung Quốc cho thấy 20% đến 60% trẻ em thường mất tập trung và không thể kiên trì nghe giảng quá 30 phút. Tiết thể dục các em đều rất hoạt bát nhưng chỉ cần phải ngồi yên trong lớp là kiểu gì cũng có ngồi ngây người hoặc thơ thẩn nhìn ra ngoài cửa sổ, không nghe thấy giáo viên nói gì.

Nhiều em rõ ràng có thể giải rất nhiều bài toán khó nhưng lại thích vừa làm vừa chơi, không thể tập trung hoàn toàn vào bài vở. Đôi khi các em làm việc riêng trong lớp, kết quả là ngay cả những bài đơn giản nhất cũng không làm được, để rồi mất luôn cả hứng thú nói chuyện.

Những đứa trẻ như vậy không hề ngốc, chúng được tiếp xúc với những thông tin mới nhất, tiến bộ nhất, chúng có hệ thống kiến thức đầy đủ nhất nhưng do thiếu tập trung nên việc nâng cao khả năng học tập bị ảnh hưởng.

Sự tập trung là động lực đầu tiên cho việc học.

Nếu một đứa trẻ luôn khó tập trung, khi làm bài tập về nhà có lúc nghịch tay, có lúc nghịch bút, khó để tâm 100% vào một việc thì năng lực, chỉ số IQ của trẻ dù có cao đến đâu cũng chỉ là vật trang trí và không thể phát huy tác dụng gì. Điều này báo hiệu trẻ sẽ khó có tương lai tốt đẹp.

Cách biến "trí thông minh giả" của trẻ trở thành năng lực thực sự

Điều quan trọng nhất là sự hướng dẫn của cha mẹ. Trong cuốn sách Những kẻ phàm tục và thiên tài có câu: "Mọi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành người xuất sắc. Chính sự giáo dục hàng ngày của cha mẹ sẽ mang đến cho con cái một cuộc sống khác".

Khi trẻ gặp phải 3 tình huống "trí thông minh giả" nêu trên, cha mẹ nên quan tâm đúng mức, bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày, dần dần hướng dẫn trẻ biến chúng thành "năng lực thực sự".

1. Cha mẹ cần làm gương, đã nói là phải làm. Con cái học những quy tắc ứng xử mà chúng phải có từ cha mẹ, muốn con đã nói là làm thì cha mẹ cũng cần làm được điều tương tự.

Nhà văn Lev Tolstoy từng nói: "Tất cả hoặc tới 999 phần nghìn đều do tấm gương, sự ngay thẳng của cha mẹ tác động tới con cái họ".

Cha mẹ đúng, con cái sẽ đúng.

Trước mặt trẻ, làm mẫu thế nào là nói được làm được, có nói thì phải có làm sẽ tốt hơn việc ra rả 1000 câu bắt con phải thế này thế kia.

2. Đừng bảo vệ trẻ quá mức và đừng tùy tiện giao áp lực quá nặng. Sự tham gia tích cực và kỳ vọng cao của cha mẹ có thể khuyến khích và kích thích trẻ. Thế nhưng việc giữ trẻ trong thế giới riêng của chúng quá nhiều hoặc mong đợi sự tiến bộ của trẻ dựa trên thành tích của người khác thường phản tác dụng.

Thay vì gây áp lực tâm lý không đáng có cho trẻ, tốt hơn hết bạn nên nắm bắt tình trạng của con mình, bảo vệ chúng khi cần thiết và dõi theo trẻ từ xa. Yêu thương con cái cần phải phù hợp, thể hiện tình yêu thương cũng phải có giới hạn, đúng mực.

3. Khi trẻ học bài, hãy loại bỏ những tác nhân quấy rối không cần thiết. Tiền đề để trẻ duy trì mức độ tập trung cao độ là không làm phiền trẻ. Đừng liên tục vào phòng của trẻ chỉ để đưa trái cây hay đồ ăn nhẹ vì sợ trẻ đói, cũng đừng hỏi han trẻ khi trẻ đang tập trung vào việc học.

Quan trọng nhất là cung cấp cho trẻ một không gian học tập yên tĩnh và độc lập.

Khi con bạn đang học, đừng làm phiền con bằng cách xem TV, chơi bài, nghe nhạc hay giao nhiệm vụ khiến trẻ phải ngừng mạch suy nghĩ. Khi trẻ không học được nữa, hãy nhắc nhở trẻ một cách thích hợp nhưng đừng càm ràm thái quá.

Không bị quấy rầy, trẻ sẽ tập trung hơn và việc học theo đó mà hiệu quả hơn.

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)
102
Bổ ích
13
Xúc động
9
Sáng tạo
12
Độc đáo
12
Phẫn nộ
148 đã tặng
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới