Hãng hàng không thứ 5 xuất hiện
Sáng 16/1/2019, Bamboo Airways – hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam chính thức thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên trên chặng TP.HCM – Hà Nội.
Sự kiện đánh dấu một bước tiến mới của hàng không Việt Nam. Đến nay, sau gần một năm cất cánh chính thức, Bamboo Airways đang khai thác 34 đường bay nội địa, quốc tế và đang nhanh chóng mở rộng mạng bay. Đội bay của hãng dự kiến đạt con số 30 máy bay đến tháng 1/2020, bao gồm các dòng máy bay hiện đại như Boeing 787-9 Dreamliner, Airbus A321neo...
Trong thị trường hàng không nội địa, Bamboo Airways đang chiếm gần 5% thị phần. Tuy nhiên hãng này nuôi tham vọng sẽ tăng lên 30% vào năm tới sau khi IPO và niêm yết cổ phiếu. Dù vậy, một diễn biến mới đây cho thấy có thể có việc hợp nhất Bamboo Airway vào FLC (công ty mẹ của hãng bay này).
Trong 9 tháng đầu năm 2019, khi Bamboo Airways bước vào giai đoạn mở rộng, FLC gần như không còn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này giảm về gần 0%, trong khi cùng kỳ năm 2018, con số này đạt xấp xỉ 10%.
Tuy nhiên, bất chấp những đồn đoán về lợi nhuận, mới đây Bamboo Airway công bố đón siêu máy bay Boeing 787-9 Dreamliner được mua từ Mỹ. Chiếc Boeing mang tên riêng "Ha Long Bay" (Vịnh Hạ Long) hạ cánh tại sân bay Nội Bài ngày 22/12, đánh dấu việc Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tư nhân Việt Nam đầu tiên khai thác máy bay thân rộng.
Bamboo Airways sẽ điều phối và khai thác siêu máy bay này trên đường bay Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Phú Quốc ngay từ đầu tháng 1/2020 trước nhu cầu di chuyển tăng cao của người dân trong dịp Tết Canh Tý.
Boeing 787-9 Dreamliner cũng sẽ được Bamboo Airways xác định là dòng máy bay đóng vai trò chủ lực trong kế hoạch phát triển các đường bay tầm trung và dài tới châu Á, châu Âu, châu Mỹ trong năm 2020, trong đó hãng đặt mục tiêu bay thẳng sang Mỹ vào cuối 2020, đầu 2021. Dự kiến đến tháng 1/2020, hãng sẽ vận hành 4 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner.
Đồng loạt rót tiền mua siêu máy bay
Ngoài Bamboo Airway, 3 hãng hàng không khác cũng được Bộ GTVT cấp phép hoạt động trong năm 2019 và chuẩn bị gia nhập bầu trời Việt là Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Kite Air.
Trong dự án hàng không vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Vingroup lên kế hoạch mua 9 “siêu máy bay” Boeing 787-9 và Airbus 350-900 trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, quy mô đội tàu bay của người giàu nhất Việt Nam sẽ là 30 chiếc.
Vinpearl Air đăng ký sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu khai thác tại Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn.
Nếu được Thủ tướng phê duyệt, hãng hàng không Vinpearl Air sẽ bắt đầu cất cánh khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội bay 6 chiếc máy bay thân hẹp Airbus 320-200 Neo, Airbus 321-200 Neo và Boeing 737-NG. Quy mô đội bay sẽ nâng lên 12 chiếc vào năm 2021.
Năm 2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ mua 3 máy bay thân rộng, những dòng “siêu máy bay” hiện đại nhất thế giới hiện nay là Boeing 787-9 và Airbus 350-900. Số lượng “siêu máy bay” sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2023.
Đến năm 2024, hãng bay cuả người giàu nhất Việt Nam sẽ mua tiếp 3 máy bay thân rộng nữa và duy trì đội bay này tới năm 2025 với tổng số 30 chiếc, trong đó có 9 máy bay Boeing 787-9 và Airbus 350-900.
Theo hồ sơ dự án, khi đi vào hoạt động Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê ướt (máy bay và tổ lái) và thuê khô (thuê máy bay) nhằm giải quyết bài toán ngắn hạn. Từ năm 2020, hãng này sẽ đa dạng hóa nguồn cung máy bay và phương thức sở hữu thuê-mua, mua-thuê lại và thuê ướt bổ sung thời vụ.
Cũng trong năm 2019, ông lớn trong ngành du lịch là Vietravel công bố sẽ mở Vietravel Airlines. Dự án lập hãng hàng không Vietravel Airlines có số lượng máy bay khai thác năm đầu tiên 3 chiếc Airbus A320, A321, Boeing B737 hoặc tương đương, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 máy bay.
Vietravel Airlines sẽ dành khoảng 5 - 6 tháng chuẩn bị cho việc cất cánh và dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2020.
Một cái tên khác cũng gây chú ý trong ngành hàng không 2019 là Kite Air của Thiên Minh Group. Tập đoàn Thiên Minh từng liên doanh với Air Asia (một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia) trước đó. Tuy nhiên khi liên doanh này bị đổ vỡ doanh nghiệp này đã quyết định tự mở hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air).
Hãng bay của đại gia Trần Trọng Kiên dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2024), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương. Dự án đặt sân bay căn cứ tại CHK Chu Lai và CHK quốc tế Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư dự án 1.000 tỷ đồng.
Dự tính đến năm 2020, khi các hãng mới đi đúng kế hoạch khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên, Việt Nam sẽ có đến 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay đến năm 2023.
Bình luận