• Zalo

10 vĩ nhân tuổi Tỵ lừng danh dân tộc

Thời sựThứ Sáu, 15/02/2013 04:48:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhân dịp năm mới, VTC News xin giới thiệu một số anh hùng sinh năm Tỵ có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử dân tộc.

(VTC News) – Nhân dịp năm mới, VTC News xin giới thiệu một số anh hùng sinh năm Tỵ có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử dân tộc.

1. Triệu Thị Trinh – Sinh năm Ất Tỵ 225

Triệu Thị Trinh hay Triệu Trinh Nương sinh năm Ất Tỵ 225, mất năm Mậu Thìn 246 là một nữ anh hùng dân tộc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô trong thời Bắc.

Bà quê ở Cửu Chân, huyện Nông Cống (nay thuộc vùng núi Quan Yên, miền Định Công - Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa).

Vốn giỏi võ, bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu tập nghĩa quân, quyết lòng đánh đuổi quân Ngô cứu nước, cứu dân. Năm 1948, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Giữa lúc trận chiến ác liệt với quân Ngô, anh bà đột ngột lâm bệnh rồi mất, bà tiếp tục chỉ huy dân quân đánh đuổi quân giặc.

Tranh Đông Hồ diễn tả hình ảnh Nữ vương đánh giặc. 

Tướng Ngô là thứ sử Lục Dận dùng của cải quyền tước mua chuộc một số tù trưởng khiến một số người rời bỏ cuộc chiến đấu, rồi đem quân đàn áp nghĩa quân dữ dội. Thất bại bà chạy đến Bộ Điền (Phú Điền, Mỹ Hóa) tự đâm cổ hy sinh trên đỉnh núi Tùng.

Về sau Lí Nam Đế lập miếu thờ bà và truy phong là "Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân".

2. Cao Bá Quát – Sinh năm Kỷ Tỵ 1809

Cao Bá Quát là một danh sĩ đời vua Tự Đức. Sinh năm Kỷ Tỵ 1809, mất năm Giáp Dần 1854. Quê làng Phú Thị huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).

Năm 1831, ông 22 tuổi, đậu á nguyên trường thi Hà Nội nhưng thi hội 2 năm đều bị đánh hỏng, ông không thi nữa, ngao du non nước. Năm 1841 quan đầu tỉnh Bắc Ninh đề cử ông với triều đình, ông được triệu vào kinh sung chức Hành tẩu bộ Lễ. Ít lâu, được cử chấm thi ở trường Hương - Thừa Thiên Huế.

Chân dung Cao Bá Quát. 

Ông và bạn đồng hội là Phan Nhạ dùng khói đèn sửa một ít quyển văn hay mà phạm húy, toan cứu vớt thí sinh giỏi. Việc phát giác, bị khép tội khi quân nhưng vua Thiệu Trị giảm tội cho ông, chỉ cách chức và phát phối vào Quảng Nam rồi đi sứ ở các nước.

Năm 1854, ông phải đổi lên Sơn Tây, làm Giáo thọ ở phủ Quốc Oai. Buồn chán, phẫn chí, ông bỏ quan theo làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình.

Việc khởi nghĩa ở Mỹ Lương thất bại, ông bị bắt rồi bị hành quyết cùng với hai con là Cao Bá Phùng và Cao Bá Phong. Anh ông là Cao Bá Đạt cũng bị liên lụy. Ông để lại cho đời bộ sách "Chu thần chi tập". Thơ văn ông dùng bằng chữ Hán hay chữ quốc văn đều hay.

3. Đào Tấn – Sinh năm Ất Tỵ 1845

Đào Tấn sinh năm Ất Tỵ 1845, mất năm Đinh Mùi 1907. Ông quê ở làng Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Lúc nhỏ ông là học trò của cụ tú Nguyễn Diêu, tác giả của nhiều vở tuồng có tiếng. Chịu ảnh hưởng của thầy học nên ông đã tập viết tuồng từ thuở còn bé.

Năm 22 tuổi, ông đậu cử nhân 4 năm sau ông làm Hiệu thư ở Huế, chuyên soạn các vở tuồng theo lệnh vua Tự Đức.

Năm 1874, ông được bổ làm Tri phủ Quảng Trạch, sau thăng Thừa chỉ, Thị độc, rồi Phủ doãn tỉnh Thừa thiên. Khi vua Tự Đức mất (năm 1883), ông cáo quan về nhà, nhưng sau đó lại ra làm quan dưới triều Đồng Khánh. Năm 1889, ông được bổ làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), rồi lần lượt làm Thượng thư bộ Công, bộ Binh, bộ Hình.

Chân dung Đào Tấn. 

Vì mâu thuẫn với tên việt gian Nguyễn Thân, Thượng thư bộ Lại, một kẻ thân Pháp, ông xin về hưu khoảng năm 1902. Ông nổi tiếng thanh liêm, công minh, đuợc hầu hết sĩ phu trọng vọng, lại giỏi văn chương, thích soạn tuồng hát.Chính ông lập ra môn hát bộ ở Bình Định. Tại quê nhà có lập một trường dạy kịch nghệ gọi là Học bộ đình.

Ông mất năm 1907, thọ 62 tuổi.

4. Nguyễn Bá Học - Sinh năm Đinh Tỵ 1857

Nguyễn Bá Học là nhà văn, quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội).

Ông theo đuổi nghiệp văn chương năm 1918 bằng việc viết truyện ngắn, chính luận và chọn dịch các bài Hán văn, Pháp văn đăng ở Tạp chí Nam Phong, Tạp chí Đông Dương.

Ông được giới văn học đánh giá là một trong hai cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng Quốc ngữ trong văn học Việt Nam.

Trong vòng ba năm (từ năm 1918 đến 1921), ông viết 7 truyện ngắn đăng trên Tạp chí Nam Phong. Nguyễn Bá Học nổi tiếng với câu nói: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

Ông mất năm Đinh Mùi 1907.

5. Tống Hữu Định- Sinh năm Kỷ Tỵ 1869

Tống Hữu Định là người khởi xướng bộ môn ca kịch cải lương, hiệu Tịnh Trai, tục gọi là Thầy Phó Mười Hai (vì ông làm phó tổng và là người con thứ 12 trong gia đình); quê quán ở làng Long Châu, tỉnh Vĩnh Long.

Ông nổi tiếng là người hào hoa, say mê âm nhạc dân tộc. Chính ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu hát "ca ra bộ" (năm 1914) – tiền thân của nghệ thuật hát cải lương sau này.

Trong lịch sử bộ môn hát cải lương Nam bộ, các nhà nghiên cứu đã dành cho ông một chỗ đứng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của bộ môn này.

Ông mất năm Nhâm Thân 1932.

6. Nguyễn Khắc Nhu (Tân Tỵ 1881 – Canh Ngọ 1930)

Nguyễn Khắc Nhu sinh năm Tân Tỵ 1881 mất năm Canh Ngọ 1030, là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Quê ở làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

 Năm 1912, ông đỗ đầu xứ trong kỳ thi khảo hạch tại Bắc Ninh (vì thế ông được gọi là Xứ Nhu). Ông sang Quảng Tây gia nhập Việt Nam Quang phục quân để đánh đuổi thực dân.

Tượng đài Nguyễn Khắc Nhu hiện nay.

Ý nguyện không thành, ông trở vê quê mở trường dạy học và lo tổ chức lực lượng chuẩn bị nổi lên chống Pháp. Ông tổ chức Hội Việt Nam Dân quốc có cơ sở ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang.

Năm 1927, Hội dự định đánh chiếm Bắc Ninh rồi tiến về Hà Nội, nhưng kế hoạch bị bại lộ. Năm 1928, ông đưa hết người trong tổ chức của mình gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học thành lập và trở thành một trong những lãnh tụ chủ chốt của Đảng này, được bầu là trưởng ban Lập pháp; Nguyễn Thái Học làm Phó ban.

Năm 1929, sau khi Việt Nam quốc dân Đảng tổ chức ám sát được chủ sở mộ phu Bazin, thực dân Pháp đã kết tội ông và các lãnh tụ khác của Đảng. Ông bị kết án vắng mặt 20 năm cấm cố.

Ngày 10/2/1930, ông cùng Nguyễn Thái Học quyết định khởi nghĩa nhưng không thành, ông bị thương, bị giặc Pháp bắt. Ông tự tử trong nhà giam ngày 11/02/1930.

7. Hồ Văn Huê – Sinh năm Đinh Tỵ 1917

Hồ Văn Huê là bác sĩ quân y cấp hàm đại tá, quê ở thị xã Tân An, tỉnh Long An.

Từ năm 1947, ông đã cùng với nhiều y, bác sĩ, dược sĩ khác mở Phòng Dược Khu 7, bào chế thành công nhiều loại thuốc tân dược phục vụ cho công tác phòng, chữa các bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lỵ, sâu quảng.

Ông đã từng lặn lội qua khắp các chiến trường miền Nam và từng giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Hậu cần miền, Trưởng phòng Quân y miền...

Ông mất năm Bính Thìn 1976.

8. Nhà thơ Thâm Tâm – Sinh năm Đinh Tỵ 1917

Chân dung nhà thơ Thâm Tâm. 
Nhà thơ Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh năm Đinh Tỵ 1917 ở thị xã Hải Dương.


Năm 1938, ông vẽ tranh và sáng tác văn học. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ, Phổ thông bán nguyệt san.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia văn hóa Cứu quốc, ở trong Ban biên tập Báo Tiên Phong (1945-1946); sau đó ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân (sau là Báo Quân đội Nhân dân).

Trong số các tác phẩm của ông, “Tống biệt hành” là một thi phẩm nổi tiếng với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện hào khí yêu nước rất cao.

Ông mất năm Canh Dần 1950

9. Nhà văn Nam Cao – Sinh năm Đinh Tỵ 1917

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, sinh năm Đinh Tỵ 1917, mất năm Tân Mão 1951 tại làng Đại Hoàng, Cao Đà, huyện Nam Song nay là xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học tư, sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết xã hội.

Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động tích cực ở quê ông. Năm 1946 nhập đoàn quân Nam tiến vào miền nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc.

Chân dung Nam Cao trên bìa sách.

Ngày 30/11/1951 ông hi sinh tại bốt Hoàng Đan, Gia Viễn, Ninh Bình trên đường đi công tác vào vùng địch.

Các tác phẩm chính của ông đã được xuất bản: Chí phèo, Sống mòn, Đôi mắt, truyện ngắn Nam Cao,....

10. Lê Văn Thới – Sinh năm Đinh Tỵ 1917

Lê Văn Thới sinh năm Đinh Tỵ 1917, mất năm Quý Hợi 1983. Là một Giáo sư, quê ở Gò Dâu, Tây Ninh.
Năm 1942, Lê Văn Thới đỗ cử nhân khoa Lí Hóa, rồi đỗ đầu kĩ sư hóa học (1943). Đến 1947 ông đỗ tiến sĩ quốc gia, hạng tối danh dự với lời ban khen của Hội đồng giám khảo.

Từ 1947-1956 ông phụ trách nhiều đề tài Hóa học hữu cơ cơ cấu, là Trưởng ban khảo cứu cây thông của viện Đại học Bordeaux Pháp.

Từ 1956-1958, ông làm trưởng phòng khảo cứu sinh học tại Sở khai thác thuốc lá và diêm quẹt ở Paris và khảo cứu các chất gây ung thư của khói thuốc lá.

Chân dung nhà khoa học Lê Văn Thới. 

Về nước từ năm 1958, ông giữ nhiều chức vụ trong ngành đại học và trong khảo cứu khoa học. Ông luôn theo dõi và nghiên cứu hóa học hiện đại, làm giáo sư tại trường Đại học khoa học Sài Gòn (nay là trường Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).

Điều ông đặc biệt quan tâm là đặt nền móng tân tiến cho nền thuật ngữ Việt Nam, tiếp tục công trình mà Hoàng Xuân Hãn đã khởi sự.

Từ năm 1970, ông cùng các đồng nghiệp gây dựng nên ủy ban soạn thảo danh từ chuyên môn, đề ra nguyên tắc soạn thảo danh từ chuyên môn. Dù bận rộn đến đâu, ông cũng vẫn đến chủ trì buổi họp của ủy ban Danh từ vào mỗi sáng thứ 7 tại bộ Giáo dục Sài Gòn.

Sau 1975, ông là chủ tịch Hội trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Đại học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1983 ông mất, thọ 66 tuổi. Giới khoa học, văn hóa và mọi người đều có tình cảm thân thiết đều thương tiếc ông.

Thủy Trần(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn