Các nhà khoa học tới giờ vẫn chưa biết chính xác chiếc hố lớn và sâu vậy hình thành thế nào. Đây là "hố tử thần" thứ 16 ở vùng được phát hiện từ 2014 tới nay.
Đã có nhiều giả thiết ban đầu khi chiếc hố đầu tiên được phát hiện gần mỏ đầu khí ở bán đảo Yamal ở tây bắc Siberia như do va chạm thiên thạch, UFO hay sự sụp đổ của kho chứa quân sự ngầm, theo CNN.
Các nhà khoa học giờ cho rằng chiếc hố có liên quan tới sự tích tụ của khí methane. Dù vậy, hiện còn nhiều câu hỏi các nhà khoa học chưa trả lời được.
Năm 2014, miệng hố đầu tiên xuất hiện trên bán đảo Yamal sau mùa hè nắng nóng bất thường. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này có tên khoa học là hydrolaccoliths - gò đất có lớp băng ngầm, tồn tại ở các môi trường đóng băng vĩnh cửu như Bắc Cực và cận Bắc Cực.
Các gò đất này tự hình thành khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy khiến khí methane tích tụ bên dưới bề mặt Trái Đất. Khi áp suất của hỗn hợp khí vượt quá 12 atm, khí methane tích tụ lâu năm được giải phóng khiến gò đất phát nổ.
“Hiện tại, chưa có giải thích thỏa đáng nào về sự hình thành hiện tượng phức tạp này”, Evgeny Chuvilin, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo (Nga), người đến khảo sát miệng hố mới nhất, cho biết.
“Có thể chúng đã hình thành trong nhiều năm nhưng rất khó để ước tính chính xác. Vì các 'hố tử thần' thường xuất hiện ở những khu vực không có người ở và hẻo lánh tại Bắc Cực nên thường không có ai nhìn thấy và báo cáo về chúng.
Ngay cả bây giờ, các hố sâu chủ yếu được phát hiện một cách tình cờ trong các chuyến bay trực thăng thông thường, không mang tính khoa học và cũng không phải do các thợ săn hay người chăn nuôi tuần lộc nhìn thấy”, ông Chuvilin nói thêm.
Tầng đất đóng băng vĩnh cửu, chiếm khoảng 2/3 lãnh thổ Nga, là một hồ chứa khí methane tự nhiên khổng lồ, loại khí nhà kính mạnh. Các mùa hè nóng nực trong những năm gần đây, bao gồm cả năm 2020 tại khu vực có thể góp phần tạo ra những miệng hố này.
Bình luận