• Zalo

Xử lý nợ xấu: VAMC đang ‘hụt hơi’?

Kinh tếThứ Tư, 13/08/2014 04:32:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sau hơn một năm thành lập, VAMC đã đạt những gì khi được kỳ vọng trở thành “cây đũa thần” xử lý nợ xấu, khơi dòng tín dụng, gỡ khó nền kinh tế?

(VTC News) – Sau hơn một năm thành lập, VAMC đã đạt những gì khi được kỳ vọng trở thành “cây đũa thần” xử lý nợ xấu, khơi dòng tín dụng, gỡ khó nền kinh tế? 

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời từng được kỳ vọng trở thành “cây đũa thần” xử lý nợ xấu, khơi dòng tín dụng, gỡ khó nền kinh tế. 

“Cây đũa thần” chưa đủ “phép”?

Vào ngày 12/7/2012, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, khi đó là quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã công bố con số nợ xấu chính thức theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là 8,6%, tương đương với khoảng 235 ngàn tỷ đồng - một con số “khổng lồ” mà theo nhiều chuyên gia thì chắc chắn các ngân hàng không thể tự giải quyết. Từ đây, ý tưởng thành lập một Công ty xử lý nợ xấu tầm quốc gia - VAMC được khơi lên, với hy vọng nó sẽ “dọn” sạch cục nợ xấu này, khơi thông dòng vốn, tạo đà phát triển kinh tế.

Sau nhiều cuộc họp bàn, nhiều phương án thành lập VAMC được đưa ra, đến cuối tháng 7/2013 VAMC chính thức ra đời với hy vọng ngập tràn về hiệu quả xử lý nợ xấu nhờ doanh nghiệp đặc biệt này.

Nhưng từ thời điểm đó đến nay đã hơn một năm, VAMC đã làm được gì? 

 Đến thời điểm này đã có 35 tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC 

Thời điểm mới thành lập cho đến cuối năm 2013, VAMC dồn dập mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng khiến nhiều người tỏ ra khá phấn khởi và tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của VAMC. Tuy nhiên, suốt từ đầu năm 2014 đến nay, việc mua nợ xấu của VAMC gần như chững lại. Con số nợ xấu mà VAMC mua được, bán ra bao nhiêu ít khi được công bố chính thức.

Thực tế, 7 tháng đầu năm nay, nợ xấu các tổ chức tín dụng vẫn được xử lý hết sức chậm chạp. Thậm chí, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì “nguy cơ nợ xấu gia tăng vẫn là điều đáng lo ngại” và mục tiêu đặt ra vẫn là phải triển khai các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng trong những tháng cuối năm.

Nhiều ngân hàng hiện đang thừa thanh khoản trong khi doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh thì ách tắc, không thể vay do nợ xấu chưa được xử lý. Điều này cho thấy hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC vẫn cực kỳ khiêm tốn. 
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn đang thấp ở mức đáng lo ngại. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 12/8 cho thấy, tới 31/7/2014 tăng trưởng tín dụng tăng 3,68% so với cuối năm 2013 - mức tăng trưởng tín dụng khá thấp so với kỳ vọng.

Nhiều ngân hàng hiện đang thừa thanh khoản trong khi doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh thì ách tắc, không thể vay do nợ xấu chưa được xử lý. Điều này cho thấy hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC vẫn cực kỳ khiêm tốn.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc Hội - tiết lộ: “Kể từ khi thành lập năm 2013 đến nay, công ty quản lý tài sản VAMC mới chỉ giải quyết (bán) được chưa đến 2% trong số 51.000 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD) nợ xấu ở các ngân hàng”.

Số liệu mà ông Kiên đưa ra có thể chỉ là con số áng chừng, nhưng có thể thấy, đó là con số quá ít ỏi, hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC không cao như kỳ vọng ban đầu.

Không khó để lý giải vì sao hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC lại thấp đến thế. Trên thực tế, dù đã thành lập được hơn 1 năm, nhưng đến nay, mô hình hoạt động, quy chế tổ chức hoạt động, bộ máy nhân sự… của ‘siêu’ doanh nghiệp này vẫn đang… trong quá trình hoàn thiện. Có nghĩa, đến thời điểm này, VAMC vẫn đang loay hoay với hoạt động của chính mình nên rất khó để đòi hỏi việc xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng hiệu quả như kỳ vọng.

Thậm chí, sau hơn 1 năm chính thức hoạt động, khi được hỏi về cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này vẫn khá dè dặt: “Chúng tôi đang hoàn thiện dần”.

Chờ cơ chế rõ ràng 

Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định về khoản thu, tạm ứng VAMC đối với các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt. 

Thông tư này quy định rõ tỷ lệ các khoản thu, tạm ứng của VAMC đối với các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt. Theo đó, VAMC được hưởng số tiền tương ứng với một tỷ lệ trên số tiền thu hồi nợ của VAMC như đã nêu ở trên. Trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng một hàng năm, tổ chức tín dụng bán nợ phải chuyển cho VAMC các khoản tạm ứng của năm trước liền kề tương ứng với một tỷ lệ trên số dư nợ gốc thực tế bình quân năm của các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của năm trước liền kề.

Theo quy định, thông tư này đến 30/9 mới chính thức có hiệu lực. 

Như vậy có có thể thấy sau hơn một năm, Ngân hàng Nhà nước mới có thông tư chính thức, quy định rõ về khoản thu để VAMC hoạt động. Sự chậm chạp này rõ ràng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của VAMC thời gian qua.

Trong bối cảnh nợ xấu đang tiếp tục gia tăng, những thay đổi về cơ chế, sự điều chỉnh về luật để VAMC hoạt động có hiệu quả là điều cần phải được tính đến như điều kiện tiên quyết để xử lý nợ xấu hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. 

Nói như các chuyên gia kinh tế thì “phải có tiền tươi thóc thật” mới hy vọng xử lý được nợ xấu, phải có cơ chế để VAMC bán nợ xấu, thu hồi vốn thì việc xử lý khối nợ xấu khổng lồ trên vai nền kinh tế mới có thể được khơi thông.

Lúc này kỳ vọng vào hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC vẫn đang được nuôi dưỡng bằng niềm tin khá mong manh.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, VAMC ra đời là cần thiết, có điều sự eo hẹp về đồng vốn hoạt động (chỉ với 500 tỷ đồng vốn điều lệ từ trái phiếu đặc biệt), sự chưa hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, các quy chế hoạt động còn nhiều bất cập… khiến năng lực của VAMC bị hạn chế nhiều.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng muốn xử lý được nợ xấu hiệu quả thì việc tăng quyền lực đủ mạnh cho VAMC để cơ quan này có đầy đủ khả năng xử lý được các khoản nợ có rắc rối về mặt pháp lý, giúp các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu là cực kỳ quan trọng. 

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng cần tạo cho VAMC có đủ quyền lực để xác lập quyền sử dụng, quyền sở hữu cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi mua lại khoản nợ và tài sản bảo đảm của VAMC. 

» Để AgriBank 'bết bát', ai chịu trách nhiệm?
» Nợ xấu siêu 'khủng' của AgriBank nói lên điều gì?
» Kinh doanh có lãi, nhiều 'ông lớn' vẫn ngập nợ khó đòi

Lan Uyên

Bình luận
vtcnews.vn