• Zalo

Xử đại án Vifon: Nhiều bị cáo kháng cáo kêu oan

Pháp luậtThứ Ba, 13/05/2014 02:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều bị cáo kháng cáo kêu oan trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Công ty Cổ phần Kĩ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) diễn ra ngày 12/5 tại TPHCM.

(VTC News) - Nhiều bị cáo kháng cáo kêu oan trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Công ty Cổ phần Kĩ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) diễn ra ngày 12/5 tại TPHCM.

Ông Nguyễn Bi, nguyên Chủ tịch và Tổng Giám đốc Vifon đã làm đơn kháng cáo kêu oan đến Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM vì bị buộc 2 tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản “ và “ Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án đến 22 năm tù tại bản án sơ thẩm.

Bị kết tội vì ký quyết định khen thưởng?


Cấp sơ thẩm buộc ông Nguyễn Bi phạm tội “Cố ý làm trái các quy định quản lí kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Bi bị xác định ở hành vi do kí các quyết định khen thưởng, nhưng bản án sơ thẩm đã không phân tích, chứng minh được bị cáo này đã vi phạm quy định nào của Nhà nước.

Cấp tòa sơ thẩm cho rằng, bị cáo đã vi phạm khoản 4, Điều 6 Luật Kế toán “Phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính”; Điều 32 Nghị định 27/1999/NĐ-CP về “Lợi nhuận thực hiện của doanh nghiệp sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được phân phối” và điểm Mục C- 5 Thông tư số 64/1999/TT-BTC về Quỹ khen thưởng, trong đó quy định “Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kì cho cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp.
Các bị cáo tại phiên xét xử 

Mức thưởng do Giám đốc doanh nghiệp quyết định sau khi có ý kiến tham gia của tổ chức Công đoàn và trên cơ sở năng suất lao động, thành tích công tác của mỗi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp”. Song, bản án đã không chỉ ra ông Bi vi phạm nội dung nào trong những quy định này.

Ngoài ra ở tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hành vi được xác định, Phòng Tài vụ Vifon chuyển 2,28 tỉ đồng vào tài khoản con rể ông Bi với lí do chi là tiền huy động vốn. Ông Bi cho rằng, sau khi về hưu chưa quyết toán số tiền góp vốn, lương thưởng, số tiền cũng xấp xỉ 2 tỉ đồng nên phía Vifon chuyển trả số tiền trên là hợp lí.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra, ông cũng  Bi đã chuyển trả lại Vifon số tiền này, ngay từ khi vụ án chưa khởi tố bị can.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TPHCM nhận định, để thỏa mãn tội danh này, người phạm tội phải có các hành vi vay mượn, thuê tài sản, hoặc nhận tài sản qua hợp đồng rồi chiếm đoạt, bỏ trốn hay sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, buôn lậu…) không có khả năng trả lại.

Trong vụ án này ông Bi không hề có những hành vi nêu trên, cũng không có ý thức chiếm đoạt, do đó cần xem lại kết luận ông Bi phạm tội này.

Không có nguyên đơn dân sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ở phiên tòa sơ thẩm,  Bộ Công Thương không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, tại phiên tòa đại diện Bộ Công Thương cũng từ chối tư cách nguyên đơn dân sự.

Song, bản án đã cáo buộc, ngoài ông Nguyễn Bi, các bị cáo bị kết án khác gồm:  Nguyễn Thanh Huyền (cựu Kế toán trưởng) 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù; các bị cáo Đàm Tú Liên, Ka Thị Thu Hồng, Dương Thị Mẫn đều bị phạt 7 và 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ở phiên xét xử phúc thẩm ngày 12/5,  Hội đồng xét xử (HĐXX) đã phải hội ý vì tiếp tục sự vắng mặt đại diện Bộ Công thương (cơ quan chủ quản trước đây của Vifon) và đại diện Bộ Tài chính… là nguyên đơn dân sự. Cả hai Bộ này đều không có văn bản yêu cầu bồi thường nào cả.

Ngay khi diễn ra phiên sơ thẩm cho đến phiên phúc thẩm hôm nay, Bộ Công thương khẳng định không phải là nguyên đơn dân sự, Bộ Tài chính cũng vậy, có thể nói ở đây “Nhà nước không mất tiền, không thiệt hại tài sản”. 

Vậy không có nguyên đơn dân sự, thì các bị cáo đã chiếm đoạt hay làm thất thoát tài sản của ai? Nếu không phải tài sản của Nhà nước thì phải xem xét tội danh “tham ô” của bị cáo Huyền cũng như tội “cố ý làm trái…” của các bị cáo khác mà tòa sơ thẩm đã tuyên buộc. Đây là vấn đề mấu chốt mà các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Vifon đang chuẩn bị tranh tụng tại phiên phúc thẩm này.

Theo các luật sư, bởi lẽ tội “tham ô” chỉ áp dụng khi tài sản bị chiếm đoạt là tài sản của Nhà nước. Nhưng, thời điểm vụ án xảy ra, Vifon đã được cổ phần hóa, vốn sở hữu nhà nước chỉ còn 51%. Như vậy, các bị cáo đều bị kết án về hành vi chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại về tài sản, nhưng trong vụ án này Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa bao giờ có đơn yêu cầu đòi bồi thường.

Trong ngành sản xuất thực phẩm đóng gói, Vifon được xem là cánh chim đầu đàn của Việt Nam đã sả xuất ra các sản phẩm ăn liền và xuất đi nước ngoài mang về nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Ông Bi là linh hồn của công ty này.

Công lao của ông đưa Vifon, một doanh nghiệp nhà nước từ thời gian khó đi lên và vững mạnh, liên kết cùng các liên doanh Nhật khác như Acecook VN, Ajinomoto… giải quyết hàng nghìn lao động; làm nên câu chuyện bột ngọt nổi danh.

Chính vì thế ông được Đảng, Chính phủ tặng nhiều bằng khen và Huân chương lao động hạng ba. Bản án sơ thẩm cũng nhìn nhận được đều này khi trong bản án nêu “bị cáo Nguyễn Bi được xem là người có công lao rất lớn đối với sự phát triển vững mạnh của Vifon”…

Song, Hội đồng xét xử cũng phán quyết mức án rất nặng với ông. “35 năm cống hiến cho Nhà nước tôi không làm gì trái pháp luật, nên tôi trông chờ vào cấp tòa phúc thẩm này, mong mỏi được minh oan” – ông Bi nói.

Về hình thức, bản án số 480/2013/HSST ngày 27/11/2013, ở cuối trang 2, phần về “Nguyên đơn dân sự” có đoạn: “Bộ công thương Việt Nam – Địa chỉ trụ sở số: 54 Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hồ Chí Minh – Đại điện hợp pháp: có ông Nguyễn Thanh Bình (có mặt)”. Một đoạn văn hơn hai dòng mà có quá nhiều lỗi.

Trước hết, TPHCM không có quận Hoàn Kiếm; danh từ riêng “Bộ Công Thương” không viết hoa; “đại diện” gõ thành “đại điện”… Và bản án mắc khá nhiều lỗi chính tả. Điều đáng quan tâm là bản án không chỉ sơ suất về mặt kĩ thuật mà nội dung cũng có nhiều chỗ thiếu chặt chẽ.

Trước hết là việc vụ án chiếm đoạt tài sản nhưng không có nguyên đơn dân sự. Trong phiên tòa sơ thẩm, Bộ Công Thương cũng từ chối tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự, tức là Bộ không bị thiệt hại tài sản do các bị cáo gây ra.

Hồng Minh
Bình luận
vtcnews.vn