• Zalo

Xét xử Lê Văn Luyện: Vì sao Luyện vui vẻ, bình thản?

Pháp luật Chủ Nhật, 08/01/2012 05:12:00 +07:00Google News

Trước ngày hầu tòa, Luyện vẫn tỏ ra không hề hối hận, lạnh lùng khi nhắc tới hành vi man rợ của mình.

Chỉ còn 3 ngày nữa, phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện (thủ phạm gây thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích, Bắc Giang) sẽ diễn ra. Trước ngày hầu tòa, Luyện vẫn tỏ ra không hề hối hận, lạnh lùng khi nhắc tới hành vi man rợ của mình.

Hơn 4 tháng trong trại tạm giam hiện, tình hình sức khỏe của Lê Văn Luyện khá ổn định, trông béo trắng và đẹp trai hơn so với khi bị bắt. Khi tiếp xúc với luật sư Nguyễn Bá Ngọc lần cuối trước ngày hầu tòa, Luyện vẫn không hề sợ hãi về tội mình gây ra, đặc biệt không quan tâm tới mức án phải chịu trong phiên tòa sẽ mở sau 3 ngày tới.

Duy có điều làm Luyện hối hận nhất là làm liên lụy tới bố mẹ, họ hàng nhà mình. Trong buổi gặp gỡ, Luyện không quên hỏi thăm xem mẹ về chưa? Em trai đã đi học chưa?

Luật sư Ngọc kể lại buổi gặp Luyện cuối cùng tại trại giam trên báo Giáo dục Việt Nam, ông kể: ban đầu khi chưa biết mình có thể không bị xử tử hình do chưa quá vị thanh niên, Luyện có vẻ ít nói, trầm lặng hơn. Khi hiểu khung hình phạt cao nhất chỉ ở mức 18 năm tù, mặc dù nói rằng cháu chỉ muốn chết, nhưng Luyện dường như vui vẻ, nói nhiều hơn.

Khi được hỏi, khi ra tù có sợ đối mặt với dư luận xã hội và có dự định chuyển đi nơi khác sinh sống không? Luyện nói: "Cháu sẽ sống cuộc sống bình thường và không thấy có lý do gì để phải rời khỏi quê hương. "


PV đã đi tìm câu trả lời, "giải mã" cho tâm lý này của Lê Văn Luyện.

 "Cuộc chơi đã không còn gì đối với Luyện..."
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, chuyên gia tâm lý - TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình bày tỏ quan điểm: Phải nói rằng, trước khi phạm tội, kiến thức về luật pháp của Lê Văn Luyện chưa phải là con số 0, mà là sơ khai. Khi Luyện phạm tội cũng có nghĩa rằng Luyện đã không còn tôn thờ giá trị chân – thiện – mỹ, ham tiền của nên đi cướp vàng và giết người.

TS. Trịnh Hòa Bình 
Sau khi bị bắt giam và có thời gian suy ngẫm, bị tác động bởi nhiều chiều, Luyện cũng đã biết được những áp lực đối với y. Luyện biết được khung hình phạt nào đối với mình, và thậm chí cũng biết sự tranh cãi an toàn dành cho y bao nhiêu là vừa.


Lê Văn Luyện biết được tuổi của y không thể lĩnh án cao hơn là 18 năm tù. Và khi luật sư hỏi, ở Luyện có cái gì đó ở trạng thái bão hòa. Luyện có sám hối hay không? Có ân hận hay không? Quay lại hướng thiện hay không? đó là câu hỏi mọi người muốn tìm biết từ Luyện và mọi người sẽ lấy làm thất vọng vì Luyện trơ lì, không đáp trả, ráo hoảnh, lạnh tanh.

Ở đây, chúng ta cũng nên hiểu rằng, cuộc chơi đã không còn gì đối với Luyện cả. Thành ra sự trả lời của Luyện không hoàn toàn là sự đóng kịch có ý thức, nhưng nó cũng không phải là sự vô thức, tức là y hiểu rằng y không thể thay đổi được bản chất của sự việc nữa. Và trong quá trình điều tra, cũng có lúc Luyện nói thương cháu bé, do đó ở Luyện không phải là đã mất tính người.

Ở đây có vấn đề về tâm lý của kẻ phạm tội tuổi vị thành niên, và Luyện bị dồn đến bước đường cùng. Nhiều người khai thác ở Luyện rất nhiều và như một bản năng Luyện như một con thú vào đường cùng.

Luyện phản xạ không còn bài bản, không có tính chủ đích, Luyện cũng không có sự hằn học đáp trả lại mà hắn làm thế để cho xong. Thường lúc nào tỉnh táo, Luyện đoán tâm lý của người ta, người ta muốn Luyện trả lời gì thì hắn sẽ trả lời xiên xẹo đi.

Đó cũng là cách phản ứng, tự vệ yếu ớt của Luyện. Cả khi Luyện nói khác với ý nghĩ thật của mình, trả lời theo cách người ta mong muốn, hay trả lời khác với cách người tra hỏi mong muốn, thì đều là phản ứng tự vệ, đến mức độ “để xem thế nào nữa” rồi. Luyện lững lờ bởi mọi việc đưa đẩy không còn như Luyện quyết định nữa.

Mọi người trông chờ liệu Lê Văn Luyện có chờ sự khoan hồng của pháp luật không? Có hối tiếc không? Có ăn năn không? Có thể là có. Tuy nhiên, những phản xạ của Luyện lúc này là phản xạ vô hướng, là phản xạ thiếu bài bản, để cho xong chuyện.


Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa (10 - 11/1/2012), vụ án cướp tiệm vàng Bắc Giang sẽ được đưa ra xét xử. Lê Văn Luyện sẽ phải hầu tòa với 3 tội danh: giết người, cướp tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc, dự kiến HĐXX gồm 5 người, 3 thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó Chánh tòa Hình sự, TAND Bắc Giang.  

Cùng hầu tòa có 6 người thân của Luyện gồm: Lê Văn Miên (bố), Trương Thanh Hồng (anh họ), Lê Thị Định (cô ruột) và Lê Văn Nghi (chú rể) và vợ chồng ông Trương Văn Hợp (bố, mẹ của Hồng). Họ bị truy tố về các tội che giấu và không tố giác tội phạm.

Theo kết luận điều tra kiến nghị của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang, dù khi gây án Luyện ở độ tuổi vị thành niên (17 tuổi 10 tháng 6 ngày), song cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Bá Ngọc (người được chỉ định bào chữa cho Lê Văn Luyện) cho biết, theo quy định của Bộ Luật hình sự, mức án 18 năm tù giam là mức cao nhất có thể dành cho bị cáo dưới 18 tuổi.

Theo Minh Nhật/PhunuToday


Bình luận
vtcnews.vn