• Zalo

Xe máy ế ẩm, có nên tranh thủ cấm?

XeThứ Năm, 09/01/2014 07:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhu cầu mua xe tại các thành phố lớn giảm trong thời gian qua có phải là điều kiện tốt để khởi động lộ trình cấm xe máy?

(VTC News) – Nhu cầu mua xe tại các thành phố lớn giảm trong thời gian qua có phải là điều kiện tốt để khởi động lộ trình cấm xe máy?

Theo quan điểm của một số người ủng hộ việc cấm xe máy tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, thực trạng xe máy ế ẩm hiện nay có thể là yếu tố thuận lợi để khởi động lộ trình hạn chế xe máy.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News về quan điểm trên, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết hiện nay Bộ đang trình chính phủ đề án phát triển hợp lý các phương tiện vận tải ở các đô thị lớn tại Việt Nam nhưng chưa có bất cứ chính sách hay nghiên cứu gì cụ thể liên quan tới việc cấm xe máy.

hạn chế xe máy
Nhu cầu mua xe tại các thành phố lớn giảm trong thời gian qua có phải là điều kiện tốt để khởi động lộ trình cấm xe máy? 

Trong đề án trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các thành phố lập Dự án quản lý và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân kết hợp tăng cường vận tải hành khách công cộng trong các khu vực trung tâm và trên các tuyến giao thông có mật độ cao. Các dự án này phải hoàn thành trong năm 2014 và bắt đầu thực hiện vào năm 2015.


Ông Hùng khẳng định xe máy hiện tại vẫn đang phục vụ hơn 85% nhu cầu đi lại của nhân dân trong các thành phố lớn cũng như tại các vùng nông thôn vì vậy, việc quản lý và kiểm soát sử dụng xe máy cần phải được xây dựng và triển khai thực hiện song song với quá trình hoàn thiện năng lực và chất lượng của dịch vụ vận tải công cộng và đặc biệt là phù hợp với cấu trúc sử dụng đất của khu vực mà ta định quản lý.

Khi được hỏi có nên tính tới việc cấm xe máy trong lúc sức mua xe giảm mạnh hiện nay hay không, ông Hùng đã từ chối bình luận và cho biết chưa nghiên cứu về vấn đề này.

Xe máy có thể sẽ tự bị hạn chế?

Thừa nhận sản lượng toàn thị trường xe máy Việt Nam đang có xu hướng giảm từ 7 đến 10%, nhưng ông Hoàng Hà, Giám đốc bán hàng và marketing công ty Yamaha Motor Việt Nam khẳng định các hãng xe máy nói chung và Yamaha nói riêng vẫn có thể sống tốt tại Việt Nam trong ít nhất 10 năm tới vì hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam mới chỉ phát triển ở các đô thị lớn chứ chưa có tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Liên quan tới việc có nên đưa ra lộ trình cấm xe máy, đại diện Yamaha cho biết ông đã từng nghiên cứu mô hình phát triển giao thông đô thị ở Bangkok (Thái Lan) và Tokyo (Nhật Bản) và nhận thấy rằng ở đó người ta không hạn chế một cách cưỡng bức phương tiện giao thông cá nhân mà hạn chế một cách tự nhiên thông qua việc cung cấp dịch vụ công cộng một cách hữu hiệu.

Do đó, ông Hà cho rằng nên hạn chế xe máy một cách tự nhiên và việc cung cấp dịch vụ công cộng một cách hữu hiệu sẽ góp phần đáng kể cho việc thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân.

Người đại diện của Yamaha Việt Nam nhận định: “Cấm thì có thể cấm, có thể hạn chế nhưng tôi nghĩ rằng tìm cách hạn chế giao thông bằng cách cấm, thì chưa hẳn đã hợp lý và nhiều người cho rằng đó là vi phạm quyền con người”.

Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng cho đa dạng, dễ sử dụng và chi phí thấp chính là điều mà các cơ quan chức năng cũng như dư luận cần suy nghĩ đến nhưng điều này không dễ thay đổi một cách toàn diện trong 10 năm do hệ thống giao thông vận tải vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh việc lên lộ trình hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, còn có một yếu tố khác mà đại diện Yamaha Việt Nam cho rằng cũng cần thay đổi. Đó chính là thói quen đi lại của phần lớn người dân.

“Hiện nay, nhiều người Việt Nam đi từ nhà ra ngoài đường chỉ cách khoảng 500m mà vẫn đi xe máy, ít khi đi bộ. Khi nào người dân thay đổi thói quen đi bộ và coi việc đi bộ trong vòng 3-5 km như người Nhật Bản là bình thường, là một quãng đường rất ngắn thì may ra...” ông Hà nhận xét

Hạn chế xe máy
Xuất khẩu xe máy, hướng đi chính của các nhà sản xuất Việt Nam? Ảnh Khánh Hòa 

Vì thế, ông Hà cho rằng thói quen đi lại đó nếu không có những tác động tích cực sẽ chưa thể thay đổi nhiều trong 10 năm tới.


Về vấn đề thay đổi thói quen giao thông cũng như văn hóa xe máy tại Việt Nam, đại diện Yamaha cho rằng các nhà sản xuất cần thể hiện trách nhiệm với xã hội trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông.

Về phần mình, Yamaha đã liên kết với nhiều trường đại học, trường cấp 3, các khu công nghiệp... để tiến hành các lớp đào tạo kỹ năng lái xe an toàn và nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên, công nhân... Cho tới nay, liên doanh này đã đào tạo 1 triệu lượt người trên cả nước.

Xuất khẩu, hướng đi mới cho các nhà sản xuất xe máy Việt

Trong khi thị trường nội địa có xu hướng giảm, xuất khẩu được nhận định là một hướng đi quan trọng của các liên doanh sản xuất xe máy Việt Nam. Trên thực tế, nhiều hãng xe máy lớn đã xuất khẩu một lượng khá lớn xe ra các thị trường nước ngoài.

Ngoài việc duy trì thị phần lớn nhất ở thị trường trong nước, Honda Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu với khoảng 3.000 xe SH mode, 12.000 xe Lead 125… mỗi năm. Ngoài thị trường Nhật, HVN cung cấp xe cho cả các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Phillippines, Lào, Campuchia Parkistan, Ý và sẽ mở rộng sang các nước khác.

Tương tự như Honda, SYM đã và đang tập trung sản xuất xe để phục vụ việc xuất khẩu vào các nước khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Myanmar, Lào, Campuchia với số lượng trung bình 3.000 - 4.000 xe/tháng.

Piaggio Việt Nam hiện xuất sang thị trường ASEAN 30.000 xe mỗi năm và cung cấp thêm cho thị trường các nước Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Australia, Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đài Loan, Philippines và toàn thị trường châu Âu...

Chưa xuất khẩu xe nguyên chiếc nhưng Yamaha Việt Nam cũng đưa ra thị trường nước ngoài những linh kiện quan trọng để lắp ráp xe

Khánh Hòa
Bình luận
vtcnews.vn