Ngoài nổi tiếng với việc là công ty của gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la), công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai còn được biết đến nhiều vì hay.... sai sót báo cáo. Không dưới một lần, báo cáo tài chính sau soát xét của Quốc Cường Gia Lai chênh lệch nhiều với báo cáo tự lập trước đó. Và trong nhiều trường hợp, sau khi kiểm toán vào cuộc, lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai thường bị sụt giảm.
Mới đây, công ty cổ phần Hùng Vương đã đi theo “vết xe đổ” của Quốc Cường Gia Lai. Cụ thể, ngày 3/6, Hùng Vương đã giải trình về kết quả kinh doanh giữa niên độ 2016 (từ 01/10/2015 – 31/03/2016) số trước soát xét và sau soát xét.
Ở báo cáo tài chính hợp nhất, “Vua thủy sản” Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết sau kiểm toán, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 2.673 tỷ đồng, tương ứng 24%. Do giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng 7%.
Sau kiểm toán chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ. Bên cạnh đó, lợi nhuận trong công ty liên kết liên doanh thay vì lãi 29 tỷ đồng đã bị điều chỉnh lỗ 29 tỷ đồng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 44% xuống chỉ còn 37 tỷ đồng.
Kết quả là sau khi kiểm toán vào cuộc, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của Hùng Vương giảm tới 32 tỷ đồng, tương ứng 45% xuống 39 tỷ đồng.
Hùng Vương lý giải sự thay đổi này là do kiểm toán loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện của các nghiệp vụ mua bán nội bộ và trích lập các khoản dự phòng.
Điều ngược lại đã diễn ra ở báo cáo tài chính riêng lẻ của công ty Hùng Vương. Kiểm toán xác nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ giảm 15% xuống mức 4.054 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn giảm rất mạnh nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng tới 64%.
Trong khi đó, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, tất cả các chi phí khác đều biến động nhẹ nên Hùng Vương có bước tiến lớn về các chỉ tiêu lợi nhuận còn lại.
Cụ thể, sau kiểm toán, chỉ tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp 2 lần lên 93 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 931% lên 93 tỷ đồng.
Với chêch lệch ở báo cáo tài chính riêng lẻ, Hùng Vương cho biết các điều chỉnh trọng yếu của kiểm toán là loại trừ doanh thu, giá vốn của nghiệp vụ bán hàng phát sinh ở kỳ sau nhưng ghi nhận ở kỳ này và ghi nhận doanh thu, giá vốn của nghiệp vụ bán hàng kỳ này nhưng ghi nhân ở kỳ sau.
Trong năm 2016, “Vua thủy sản” Hùng Vương không phải đơn vị hiếm hoi rơi vào tình cảnh này. Trước đó, một “đồng nghiệp” trong làng thủy sản của Hùng Vương là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) cũng phải giải trình chênh lệch báo cáo kết quả kinh doanh trước và sau soát xét.
Theo đó, sau kiểm toán, tình trạng lỗ của AGF thê thảm hơn rất nhiều. Thay vì chỉ lỗ 1,6 tỷ đồng như báo cáo tự lập, sau soát xét, số lỗ của AGF vọt lên 7,6 tỷ đồng, tăng tới 4 lần. Lợi nhuận tại AGF giảm chủ yếu do doanh thu bi ghi nhận giảm nhưng giá vốn lại tăng mạnh.
Điều đáng nói, AGF và Hùng Vương có liên quan chặt chẽ tới nhau. Với việc nắm giữ gần 22,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 79,6% vốn AGF, Hùng Vương đang là cổ đông lớn nhất tại công ty thủy sản này.
Trước đó, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) cũng gây sốc vì báo cáo tài chính trước và sau soát xét chênh lệch quá lớn. Trước kiểm toán, JVC báo lãi gần 4 tỷ đồng. Nhưng sau soát xét, chỉ tiêu lợi nhuận “lao dốc” không phanh khi kiểm toán ghi nhận khoản lỗ “khủng” 623 tỷ đồng.
Nguyên nhân của sự thay đổi này là do điều chỉnh tăng trích lập dự phòng. Chi phí quản lý tăng vọt từ 16,28 tỷ đồng lên 623,5 tỷ đồng. Theo giải trình của JVC, sau soát xét, công ty đã phải điều chỉnh tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng, phải thu khác, trả trước cho người bán và tài sản ngắn hạn khác. Đồng thời, một số khoản mục chi phí quản lý đã điều chỉnh ang giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng.
Bình luận