(VTC News) – Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Công ty Cổ phần Traphaco phối hợp với Báo điện tử VTC News, kênh truyền hình VTC1 tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nữ trí thức Việt Nam với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập”.
Buổi giao lưu diễn ra từ 9h đến 10h30 ngày hôm nay (4/3) với khách mời là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số nữ lãnh đạo các Bộ, ngành.
Dưới đây là nội dung chương trình giao lưu:
Câu hỏi 1. Theo các cô, vai trò và vị trí của người phụ nữ Việt Nam hiện nay đã đổi khác như thế nào so với trước đây?
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa: Trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam từng tham gia việc nước, việc triều chính. Thời kỳ hội nhập, người phụ nữ phải năng động, chủ động hơn trong công việc của mình, đồng thời chủ động sắp xếp công việc nhà và gánh vác công việc xã hội.
Người phụ nữ trong xã hội hiện đại cần phát huy nội lực, tự phấn đấu vươn lên. Các chính sách của Đảng và nhà nước quan tâm đến nữ lao động trong có đội ngũ nữ trí thức, nên chị em trí thức được đào tạo bài bản cần phải nắm bắt cơ hội này.
Công, dung, ngôn, hạnh là truyền thống của phụ nữ từ xưa, ngày nay những yếu tố này vẫn cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là không chỉ tham gia công việc của xã hội mà chị em phụ nữ còn phải thu hút được các thành viên trong gia đình, chia sẻ công việc gia đình.
Ngoài ra, ngày nay chị em phụ nữ cũng cần có kỹ năng thuyết phục, linh hoạt trong đời sống.
Câu hỏi 2. Thưa GS-TS Phạm Thị Trân Châu, phụ nữ làm chủ đề tài nghiên cứu khoa học có thuận lợi, khó khăn gì? ([email protected])
GS–TS KH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch hội Nữ trí thức Việt Nam: Nam cũng như nữ, để làm chủ đề tài nghiên cứu khoa học phải có thực lực. Tuy nhiên, chị em có tính cầu toàn, đôi khi tự ti không đủ tự tin song ưu điểm là rất có trách nhiệm. Lời khuyên của tôi là chị em hãy mạnh dạn, lượng sức mình.
Tôi thấy ở Australia có cộng thêm điểm cho phụ nữ khi xét đề tài, tôi đã đề xuất việc này. Tuy nhiên, theo tôi, chị em tự sửa mình, khiêm tốn học tập kinh nghiệm, tự tin. Giai đoạn từ 2000- 2012 có 20% nữchủ nhiệm đề tài, đó cũng là bước tiến lớn.
Bà Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức VN: Chị em hãy mạnh dạn, lượng sức mình. |
Câu hỏi 3. Thưa các cô, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Phụ nữ Việt Nam nói chung, nữ trí thức nói riêng, ngoài những phẩm chất truyền thống thì cần rèn luyện những đức tính, yếu tố nào để đáp ứng yêu cầu của thời đại?
PGS – TS Nguyễn Thị Trâm: Trong bối cảnh hiện nay, ngoài những phẩm chất truyền thống, nữ trí thức cần phải có kiến thức.
Những tri thức này được tích lũy từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sau đó đánh giá năng lực bản thân để chọn được nghề thích hợp. Học tập không chỉ trong nhà trường mà còn cả ngoài xã hội, các tài liệu khác, như vậy mới trở thành người có trí tuệ.
Nếu có tri thức, khi được phân công công việc mới biến được tri thức thành sản phẩm cho xã hội.
Câu hỏi 4. Phụ nữ ở tuổi này hay hồi tưởng về quá khứ. Theo các vị khách mời thì điều gì trong quá khứ khiến các vị khách mời thấy luyến tiếc nhất?
Bà Lê Thị Hợp - Viện trưởng Viện dinh dưỡng: Tôi nghĩ đây là câu hỏi khó. Tôi còn nhớ, trong thời gian học ở Viện Dinh dưỡng Matxcơva, giáo sư dạy tôi nhận thấy với trình độ, ngoại ngữ của tôi đã đề xuất ở lại thực hiện nghiên cứu sinh luôn. Tuy nhiên, hồi đó con nhỏ, chồng ở xa nên tôi đã chọn về viện nghiên cứu làm việc. Sau đó, 10 năm sau mới có dịp đi học tiến sỹ ở nước ngoài.
PGS – TS Nguyễn Thị Trâm: Cuộc sống qua đi tôi thấy có nhiều luyến tiếc quá, song cái ấn tượng nhất là thời tôi bắt đầu đến tuổi đi học, đất nước lúc đó nghèo lắm.
Quê tôi ở Võ Nhai (Thái Nguyên), người dân có lúc phải đi đào củ mài. Lúc đó, tôi nghĩ có đất mà sao cuộc sống vẫn cứ khó khăn. Từ tấm bè, tôi thích trồng trọt, nên tôi đã gắn bó với cây lúa hơn 40 năm từ lúc ra trường đến nay. Tôi thấy cây lúa rất hay, đúng là cây tiên phong từ khai khẩn đất hoang, cây chịu hạn… có hạt vàng để nuôi nhân loại.
NSND Phạm Thị Thành: Hồi tôi làm Tổng đạo diễn chương trình 990 năm Thăng Long – Hà Nội, khi tôi viết kịch bản phải có voi để tái hiện cảnh đưa vua Quang Trung về giải phóng kinh đô. Tôi đã giao cho chị Tâm Chính (lúc đó còn là NSƯT) chuẩn bị 4 con voi. Nhưng khi tập ở sân Hàng Đẫy, voi ra đến sân, thấy đèn sáng và nhạc sôi động cứ nhảy lên không tập được.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đến tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Nữ trí thức Việt Nam với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập”.
Câu hỏi 5. Cháu là sinh viên thương mại năm cuối. Xin phép được hỏi, các bà các cô có lời khuyên gì dành cho các học sinh, sinh viên nữ trong thời đại mới? ([email protected])
Tiến sĩ Phạm Thị Tố - Nguyên Đại tá - Giám đốc Viện nghiên cứu ứng dụng Quân nhu: Với câu hỏi của bạn, mỗi người có một quan điểm khác nhau. Theo tôi, để thành đạt, hãy cố gắng, kiên trì và chuẩn bị mọi yếu tố để nắm bắt thời cơ.
Cho nên ngay từ trẻ phải có sự chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, trí tuệ, điểm tựa và là người có ích cho xã hội, Cứ cố gắng trời không phụ ta, có trí tuệ và sức lực để đón được thời cơ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Có thể nói thuận lợi cơ bản là chị em phụ nữ Việt Nam được sự quan tâm chu đáo của Đảng và Nhà nước, các chính sách, đặc biệt là nghị quyết 11, quy định phát triển khoa học cho nữ giới, luật bình đẳng giới.
Chị em nữ trí thức được đào tạo cơ bản, phương tiện làm việc đầy đủ, hiện đại, xã hội ủng hộ, gia đình ủng hộ, đó chính là môi trường thuận lợi để chị em nữ trí thức phấn đấu.
Câu hỏi 7. Có nhiều ý kiến tranh cãi về người phụ nữ hạnh phúc? Vậy, theo các cô người phụ nữ hạnh phúc là người như thế nào?
GS-TS Nguyễn Thị Trâm: Theo tôi, hạnh phúc có nhiều định nghĩa, người phụ nữ hạnh phúc là người có gia đình toàn vẹn, có chồng có các con ngoan. Hạnh phúc có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn, hòa nhập trong cộng đồng, mọi người tôn trọng lẫn nhau và mình cũng là một trong những người được quý mến. Đó cũng là một hạnh phúc.
NSND Phạm Thị Thành: Tôi cũng trùng ý kiến với chị Trâm, người phụ nữ hạnh phúc là người có sự nghiệp tương đối thành đạt, đam mê, vui vẻ, hết mình với sự nghiệp, gia đình êm ấm, tương đối đầy đủ cho con cái trưởng thành, học hành tốt, gia đình sum họp vui vẻ.
Thạc sĩ Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Cty Cổ phần Dược Traphaco: Tôi cũng thống nhất với ý kiến của các anh chị, con người sinh ra đã mang tính xã hội, người phụ nữ phải đóng góp cho xã hội, tôi hạnh phúc khi công ty tôi cách đây 10 năm có 300 nhân viên thì giờ đã hơn 1.100 nhân viên. Hạnh phúc của tôi là mình trở thành bờ vai cho các nhân viên của mình, không chỉ 1.100 người mà 1.100 gia đình.
Câu hỏi 8. Thưa NSND Phạm Thị Thành, chị nhận xét gì khi một bộ phận nữ trí thức dành nhiều thời gian cho sự nghiệp, lập gia đình muộn hoặc không lập gia đình?
NSND Phạm Thị Thành: Câu hỏi rất hay, nữ trí thức trong ngành tôi như tôi biết cũng nhiều người độc thân vì khi đã nghiên cứu, viết, làm việc, đam mê thành ra nhiều lúc quên nghĩ đến tình yêu và các việc khác.
Tôi là người viết kịch bản, tổng đạo diễn thì luôn phải sáng tạo, tìm ra ý hay, bố cục hay để viết kịch bản, chọn ai làm, ở đâu, đạo cụ, phục trang như thế nào... hàng trăm thứ phải lo từ nồi đồng cối đá, bông lau…
Tôi đã từng có gia đình, có con nhưng giờ bận không lo được nữa. Tôi cũng có quen một PGS.TS vừa dạy đại học vừa viết sách khoa học và nghệ thuật, đến giờ hơn 50 tuổi vẫn chưa có gia đình.
Năm vừa rồi, tôi làm chương trình Văn hóa cộng đồng các dân tộc, được xếp là một trong 10 sự kiện lớn VHTTDL, đúng là phải lăn lộn với nó mà chưa kể những cản trở phía con người, nhưng với quyết tâm của người tổng đạo diễn, mọi thứ đã thành công tốt đẹp.
Câu hỏi 9. Xin được hỏi chị thêm một câu, chị nghĩ mình đã thành đạt chưa?
NSND Phạm Thị Thành: Theo tôi sự nghiệp phải phấn đấu suốt đời, phấn đấu là phải học, tri thức cần phát triển thêm mới làm được tốt.
Giờ tôi vừa viết kịch bản, tổng đạo diễn, hội đồng thẩm định thạc sĩ, tiến sĩ, phó chủ tịch liên hiệp các hội UNESCO, hội phụ nữ nhưng luôn phải nghĩ đến những cái mới, cái tốt hơn nên tôi nghĩ mình chưa phải đã thành đạt.
Câu hỏi 10. Thưa Giám đốc Traphaco, thương trường như chiến trường, người phụ nữ cần vũ khí gì?
Bà Vũ Thị Thuận: Phụ nữ muốn được tôn trọng, thành đạt thì phải luôn vươn lên, ngoài việc học tập. Mình thiệt thòi so với nam giới là đến một lúc nào đó phải lui về gia đình.
Tôi cũng là một trí thức ngành Dược, cũng là một doanh nhân, và tôi cũng là một sĩ quan, với tôi thương trường đúng là là chiến trường. Nhưng người phụ nữ mềm dẻo, sức chịu đựng dẻo dai nhất là trong thời kì khủng hoảng kinh tế này, tôi thấy những doanh nghiệp có nữ giới đứng đầu thì vẫn ổn định.
Về trí tuệ, phụ nữ không thua kém gì nam giới, không phải sử dụng cơ bắp là thành công mà trí tuệ, khéo léo, tài năng, bao quát, cần cù, chịu đựng, chăm chỉ không ai bằng, đặc biệt giữ chữ tín. Phụ nữ giữ chữ tín tốt hơn nam giới, có lẽ vì không mất thời gian nhậu nhẹt. Văn hóa giao tiếp của phụ nữ cũng là lợi thế trong hợp tác, chia sẻ và vũ khí của phụ nữ là sự dịu dàng, đoan trang.
Chủ tịch Traphaco: Vũ khí của phụ nữ là sự dịu dàng, đoan trang. |
Câu hỏi 11. Phụ nữ không có tố chất liều lĩnh, quyết đoán như nam giới, điều này có đúng không thưa bà?
Bà Vũ Thị Thuận: Theo tôi điều đó không đúng, chúng ta là trí thức, có kiến thức và khi có kiến thức để làm quản lí thì không thể gọi là liều lĩnh. Bởi vì khi quyết định nghĩa là đã dựa trên tính khả thi, dự đoán thành công đến 70%, 30% còn lại là tập hợp đội ngũ và giải pháp. Quyết đoán thì phụ nữ không khác gì năm giới.
Câu hỏi 12. Là lãnh đạo nhà sản xuất thuốc nhất nhì hiện nay, bà có gặp khó khăn gì không?
Bà Vũ Thị Thuận: Quỹ thời gian không ai cho hơn nên phải sắp xếp khoa học. Gia đình tôi về cơ bản đã ổn định, tôi đã là bà ngoại của 3 cháu, các cháu đã có sự nghiệp, gia đình, đó là chỗ dựa để tôi toàn tâm toàn ý cho công việc, sự nghiệp.
Câu hỏi 13. Đâu là thời điểm hợp lí để phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp? Nếu trùng với giai đoạn xây dựng, lập gia đình thì giải quyết thế nào, thưa cô?
Bà Phan Thị Thùy Trâm (CLB Tiến sĩ trẻ): Khởi nghiệp là một trong những khát vọng cháy bỏng của thế hệ trẻ, không có thời điểm nào xác định, chính thống nhưng phù hợp hơn cả khi chúng ta trở thành công dân thực thụ. Cơ hội, chi phí khởi nghiệp sẽ giảm được tối đa.
Chúng ta đối mặt với việc có thể là lập gia đình trùng thời gian khởi nghiệp? Điểm mấu chốt là làm sao có thể sắp xếp, thu xếp và sử dụng thời gian hiệu quả nhất. Nếu chúng ta phải lập gia đình chậm khởi nghiệp nhưng đó chỉ là một vế mà ta phải sắp xếp thời gian để tạo ra được giá trị cho xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam phát triển kinh tế nhiều thành phần, giờ có nhiều cơ hội khởi nghiệp theo các yêu cầu của thị trường.
Câu hỏi 14. Tại sao trong các hình ảnh tuyên truyền, quảng cáo, phụ nữ luôn gắn với hình ảnh bếp núc, thưa bà Sâm?
Trưởng ban tuyên giáo Hội phụ nữ VN: Tôi làm công tác tuyên truyền, một trong những mục tiêu là tạo dựng được vị thế của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội.
Trong các sách giáo khoa, tuyên truyền, quảng cáo luôn gắn hình ảnh người phụ nữ với tề gia nội trợ. Đó là thực tế. Việt Nam hiện nay có thành tựu bình đẳng giới cao, vị thế được khẳng định, kể cả trong thời kì phong kiến khắc nghiệt cũng có người phụ nữ tiến sĩ là bà Nguyễn Thị Duyệt.
Thực tế hiện nay còn nhiều bất cập, vị thế người phụ nữ có nhiều thiệt thòi, định kiến giới, công việc bếp núc luôn đi liền hình ảnh. Nhưng đó cũng là sự tôn vinh.
Báo điện tử VTC News
Bình luận