• Zalo

VTC: Doanh nghiệp đầu tư giáo dục

Tổng hợpThứ Sáu, 25/02/2011 04:39:00 +07:00Google News

Nhắc đến giáo dục, người ta luôn nghĩ đó là lĩnh vực đầu tư con người một cách nhân văn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại...

Nhắc đến giáo dục, người ta luôn nghĩ đó là lĩnh vực đầu tư con người một cách nhân văn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, người ta nhận ra rằng giáo dục cũng là một ngành mang lại lợi nhuận như mọi ngành kinh doanh khác trong xã hội… và Ngày càng có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư vào giáo dục. Nhưng đó liệu có phải là một mảnh đất màu mỡ và dễ dàng gặt trái ngọt?

 

Đầu tư giáo dục – mảnh đất hứa…

Có thể nói, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục rất phong phú, đa dạng và được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau: xây dựng trường học dân lập, tư thục; liên kết tư vấn du học; mở trường trực tuyến; tham gia từ thiện hỗ trợ các công cụ học tập tại các trường học; tổ chức các chương trình xã hội, các cuộc thi mang tính giáo dục… Kinh doanh giáo dục là một lĩnh vực được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao và hướng tới đầu tư bởi rất nhiều lý do.

Trước hết, giáo dục có khả năng thu hút một lượng khách hàng lớn ở mọi lứa tuổi. Con người vốn có rất nhiều nhu cầu: ăn, mặc, làm việc, học tập, giao tiếp, giải trí… Nhưng ở thời đại ngày nay, người ta luôn hướng tới một xã hội học tập suốt đời để vươn lên với khát khao lập nghiệp. Vì vậy, khách hàng của giáo dục không bao giờ thiếu, nếu không nói nó đông đảo hơn cả những mảng kinh doanh "hot" nhất hiện nay: xe hơi, viễn thông, công nghệ… Chưa biết lợi nhuận thu về ra sao, nhưng chắc chắn lượng khách hàng ấy cũng đủ để giúp doanh nghiệp có thể lan tỏa thương hiệu của mình trong xã hội một cách rộng rãi, tới từng nóc nhà…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục luôn nhận được sự ủng hộ từ chính sách của nhà nước. Từ việc mở không gian cho giáo dục tư thục tới được giảm thuế so với những loại hình kinh doanh khác… Ngoài ra, đây cũng là lĩnh vực nhận được nguồn vốn đầu tư lớn từ phía… phụ huynh. Các bậc cha mẹ luôn cố gắng thắt lưng buộc bụng cho con đi học. Họ chỉ mong muốn con mình có điều kiện đi lên chứ không đòi… hoàn vốn. Trong khi đó, các "sản phẩm giáo dục" kém chất lượng lại không bao giờ có chuyện bị người sử dụng… trả lại.

 

Một lý do nữa là đầu tư vào giáo dục có thể giúp doanh nghiệp tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng cho chính bản thân mình bằng cách mở các trường dân lập, tự thục… Những chương trình từ thiện hay hỗ trợ công cụ học tập, cơ sở vật chất cho các trường học cũng thể hiện được trách nhiệm và đóng góp của doanh nghiệp với xã hội, tạo một tiền đề tốt về tập khách hàng tiềm năng cũng như những bước đi tiếp theo trên thị trường của doanh nghiệp. Và lý do quan trọng nhất, đầu từ vào giáo dục mang đến cho doanh nghiệp một lợi nhuận bền vững về lâu dài…

Ở các nước phát triển, việc doanh nghiệp đầu tư phát triển giáo dục đã được xây dựng từ rất lâu và luôn nhận được sự tôn trọng, tôn vinh của xã hội. Có rất nhiều sản phẩm ra đời nhờ sự lai ghép giữa giáo dục và kinh doanh đã gặt hái được trái ngọt. Minh chứng rõ nét nhất là sự chi phối của khối các trường tư thục so với trường công lập tại một số nước có nền giáo dục rất phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Mảng giáo dục trực tuyến vài năm gần đây cũng mang lại lợi nhuận khả quan tới mức nhiều người phải thốt lên: "ngạc nhiên chưa?". Những hoạt động từ thiện, các sự kiện giáo dục xuất phát từ các doanh nghiệp cũng được người dân ở các quốc gia ủng hộ và đánh giá cao…

Chỉ ngần ấy những lý do thôi cũng đủ để các doanh nghiệp ở Việt Nam coi giáo dục là mảnh đất hứa và nóng lòng được bỏ vốn đầu tư…

… Nhưng khó nhằn…

Khoảng hai chục năm trở lại đây, các doanh nghiệp ở Việt Nam bắt đầu đổ xô vào đầu tư giáo dục. Theo TS. Lê Thống Nhất, sự ra đời của trường Đại học Thăng Long vào năm 1988 có thể coi là dấu mốc đầu tiên của việc kinh doanh giáo dục. Cho tới nay, đã có 81 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập với số sinh viên chiếm gần 15% trong tổng số. Hàng ngàn cơ sở giáo dục tư thục, dân lập, từ mẫu giáo, tiểu học cho tới trung học cơ sở, hàng trăm trường quốc tế với vốn đầu tư của nước ngoài. Chưa kể gần 400 công ty và tư vấn du học liên kết với các cơ sở giáo dục trên khắp thế giới để kinh doanh. Các website giáo dục trực tuyến cũng nối nhau nảy nở như nấm mọc sau mưa: elearning.com.vn, hocmai.vn, hocngoaingu.com… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ giáo dục như: Cargill Việt Nam xây dựng và bàn giao 16 trường học sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam, Dutch Lady Vietnam dành 10 tỷ đồng mỗi năm cho các dự án giáo dục, Viettel cam kết đầu tư miễn phí đường internet vào các trường phổ thông… Những hoạt động xã hội, cuộc thi dành cho sinh viên học sinh cũng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư tài trợ và tổ chức…

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam vẫn được đánh giá là mới mẻ, chập chững ở những bước đi đầu tiên và còn tồn tại nhiều khó khăn. Rất nhiều "dự án" kinh doanh giáo dục đang duy trì ở dạng "treo" hoặc hoạt động cầm chừng…

Lý giải thực tế khó khăn này, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh – Nguyên chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch hội đồng sáng lập đại học quốc tế Trí Việt, nó xuất phát từ việc đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam khi đầu tư vào giáo dục đều chưa có một "tầm nhìn" xác định, không làm nổi bật được khái niệm "Giáo dục là một dịch vụ công ích, mặc dù bên cung cấp nó là một đơn vị công hay tư". Vì thế, chất lượng trong các sản phẩm giáo dục do các doanh nghiệp đầu tư vẫn là một bài toán khó còn để ngỏ, gây ra cái nhìn thiếu thiện cảm, thiếu tin tưởng của người dân.

Bên cạnh đó, đầu tư vào giáo dục không giống như mở một nhà máy. Đây là lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi sự kiên trì và thời gian đầu tư lâu dài. Muốn thu lãi từ giáo dục phải mất ít nhất 5 đến 7 năm. Điều này dẫn đến việc những doanh nghiệp nhỏ, không trường vốn nếu mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này sẽ dễ rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Mới mẻ và chưa có định hướng rõ ràng, tuy nhiên kinh doanh giáo dục ở Việt Nam thời gian gần đầy đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc khi xuất hiện những đơn vị kinh tế lớn tập trung đầu tư vào giáo dục một cách bài bản: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Tân Tạo… và đặc biệt là "tân binh" VTC…

VTC – Liệu có tạo ra một cú "hích" trong đầu tư giáo dục?

Cũng xuất phát từ việc nắm bắt được những lợi ích khi đầu tư vào giáo dục, tuy nhiên VTC có nhiều lợi thế khi quyết định tập trung phát triển vào lĩnh vực công ích đặc biệt này.

Là một đơn vị mạnh về truyền thông và công nghệ nội dung số, VTC có thuận lợi lớn trong việc quảng bá các sản phẩm giáo dục của mình tới đông đảo cộng đồng. Đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này hiện có hơn 10 công ty con, hiện diện ở hơn chục quốc gia trên thế giới: Mỹ, Nga, Indonesia, Campuchia, Lào, Ấn Độ…, tạo điều kiện tốt trong việc xây dựng, tạo ra các mối liên kết hợp tác quốc tế với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Để làm nền tảng cho lĩnh vực giáo dục, VTC đã phát triển đồng thời khá nhiều dịch vụ như: Mobile, Mạng xã hội, Nội dung số… Lợi nhuận từ những dịch vụ này có thể giúp VTC cân bằng tài chính một cách hài hòa khi tập trung đầu tư vào giáo dục. Điều này dẫn đến những sản phẩm giáo dục của VTC sẽ được chú trọng vào chất lượng nhiều hơn, đúng với tính chất của một dịch vụ công ích. Thế mạnh từ các mảng nội dung số cũng mang đến cho VTC những đối tác lớn, sẵn sàng bắt tay với doanh nghiệp này trong việc thực hiện các kế hoạch trong tương lai gần.

Ngoài những lợi thế sẵn có, VTC cũng được đánh giá là khôn khéo khi biết kế thừa những bài học thành công trong việc đầu tư giáo dục ở các quốc gia lớn trên thế giới, đồng thời tạo ra cho mình một kế hoạch bài bản với việc triển khai đồng thời hai lĩnh vực: giáo dục online và giáo dục offline.

Ngày 9/4/2010, VTC đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện các hoạt động phục vụ ngành giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thỏa thuận, VTC và Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp triển khai 12 nội dung, chủ yếu là các hoạt động dành cho học sinh, sinh viên. Nhận xét về sự hợp tác này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai khẳng định hoạt động này sẽ góp phần đẩy nhanh chương trình số hóa giáo trình, sách giáo khoa, tư liệu tham khảo phục vụ cho ngành giáo dục. Thỏa thuận hợp tác với Bộ GD&ĐT cũng là động lực lớn, tạo tiền đề giúp VTC vững tin khi triển khai các hoạt động giáo dục của mình.

Với giáo dục online, doanh nghiệp này lựa chọn phát triển giáo dục trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ và nội dung số sẵn có. Cổng giáo dục GoEdu của VTC ra đời với 5 mảng lớn: Học trực tuyến, Thi trực tuyến, Thư viện điện tử, Tạp chí điện tử và Tin giáo dục. Khác với các trang giáo dục trực tuyến khác ở Việt Nam, cổng giáo dục trực tuyến của VTC được đặt trong Mạng Việt Nam với tiêu chi thu hút cộng đồng và vươn tới sự chia sẻ cao nhất.

Hàng loạt các chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực giáo dục cũng được doanh nghiệp này mời về hợp tác và hỗ trợ về mặt chuyên môn như: PGS.TS Văn Như Cương, PGS.TS Đào Hữu Vinh, PGS.TS Lê Quang Hưng… Những trung tâm đào tạo kỹ năng sống, các trang luyện thi trực tuyến: truongtructuyen.vn, abconline.net… cũng bắt tay chia sẻ bài giảng với GoEdu…

 

Bên cạnh đó, GoTV cũng đã sản xuất được 3 số đầu tiên chương trình "Người thầy của tôi", nhận được những phản hồi tốt từ khán giả. Trong tương lai gần, những ý tưởng về giáo dục sẽ được đơn vị này tiếp tục triển khai trên màn hình di động.

Đặc biệt, cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE) do VTC phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức đã dành được thành công lớn. Sau gần 4 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút khoảng 1,5 triệu người tham gia – một con số khiến ngay cả Ban tổ chức cũng phải bất ngờ.

Không chỉ dừng lại ở Giáo dục trực tuyến, VTC còn tiếp tục xúc tiến triển khai các hoạt động giáo dục offline. Ngoài những hoạt động xã hội, tài trợ cơ sở vật chất, học bổng, máy móc, dụng cụ học tập cho các trường học, doanh nghiệp này còn đứng ra tài trợ và đồng tổ chức rất nhiều những sân chơi dành cho học sinh, sinh viên. Những cuộc thi: Ngôi sao tuổi teen, Tiếng hát sinh viên, Giải bóng đá sinh viên Việt Nam (VTC Cup)… đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia và nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cộng đồng.

Đặc biệt, việc sáp nhập Đại học Văn Hiến vào VTC để cho ra đời trường Đại học Văn Hiến VTC đã tạo ra bước đột phá trong các hoạt động giáo dục của doanh nghiệp này. Ngoài việc đào tạo nhân lực cho xã hội, đây cũng là nguồn nhân lực có chất lượng cao của VTC trong chiến lược trở thành tập đoàn truyền thông. Tập trung đầu tư đào tạo vào các chuyên ngành chính: công nghệ, multimedia, đồ họa, truyền hình… cũng là những lĩnh vực kinh doanh thế mạnh của VTC, các sinh viên của trường Đại học VTC Văn Hiến sẽ có cơ hội được học tập theo một mô hình hoàn toàn mới: kết hợp giữa học tập với thực hành. Mục tiêu của VTC là đưa Đại học VTC Văn Hiến trở thành một trong những trường ngoài công lập tốt nhất với chất lượng sánh ngang với các trường công lập.

Trong tương lai, ngoài việc đầu tư, xây dựng các trường đại học, VTC sẽ xây dựng các trường trung học phổ thông chất lượng cao. Ngoài ra doanh nghiệp này còn kỳ vọng có thể tổ chức các chương trình đào tạo chứng chỉ ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay…

Có thể, để có được một thành quả giáo dục giống như Đại học Harvard còn là còn đường dài phía trước, nhưng với những gì VTC đang thể hiện, người dân có quyền hi vọng, hướng cái nhìn thiện cảm và đặt lòng tin về những sản phẩm có chất lượng từ cái bắt tay giữa giáo dục và kinh doanh…

Khánh Toàn

Bình luận
vtcnews.vn