• Zalo

"Vợ nhặt" của người đàn ông cụt hai chân

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 16/01/2012 06:35:00 +07:00Google News

Xin mãi một chỗ ai cũng quen mặt nên Khiển phải tìm chỗ mới và đi xa hơn. Chính tại nơi đây, Khiển đã đưa về một cô "vợ nhặt".

Sau khi quyết định nhập thân vào kiếp ăn mày, hàng ngày Khiển lang thang khắp các ngã tư, bến xe, góc chợ để xin chút lòng thương của mọi người. Nhưng xin mãi một chỗ ai cũng quen mặt nên Khiển phải tìm chỗ mới và đi xa hơn. Và chính tại nơi đây, Khiển đã đưa về một cô "vợ nhặt".

Trong một lần công tác tại tỉnh Bắc Giang, khi đi qua thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam) tôi tình cờ chứng kiến một người đàn ông khắc khổ, nhỏ thó và tật nguyền, ngồi trên một chiếc ván mỏng có lắp bánh xe cứ xoải mạnh đôi tay sần sùi lên mặt đường, cố để chiếc xe leo ngược lên con dốc thoai thoải.

Chẳng phải người ăn xin tật nguyền đó làm tôi lạ, trong những chuyến đi của mình, tôi thậm chí đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng hơn. Nhưng cái cách người tài xế nhường đường cho người đàn ông khốn khổ, cùng ánh mắt ái ngại của anh ta khiến tôi cảm thấy có cái gì đặc biệt nơi người đàn ông nọ.

Gia cảnh khốn cùng...

Người đàn ông đó khoảng 50 tuổi, gương mặt nhăn nhúm đã sạm đen vì nắng gió. Anh ta vận một chiếc áo bay cũ kĩ rộng thùng thình. Đặc biệt là đôi chân, teo tóp và bé tí như một khúc thịt thừa treo lủng lẳng trên chiếc xe lăn tàn tạ. Đằng sau chiếc xe, người đàn ông buộc một chiếc xô nhỏ cũ nát và bẩn thỉu, trong xô có một ít tiền lẻ.

Số tiền có lẽ anh ta vừa xin được sau một ngày rong ruổi trên khắp các tuyến đường bụi bặm. Hỏi ra tôi được biết, ở cái thị trấn Đồi Ngô bé nhỏ này, chẳng ai lạ lẫm hoàn cảnh đáng thương của người ăn xin nọ. Người đàn ông tên là Trần Văn Khiển ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (cách thị trấn Đồi Ngô khoảng 15 km -PV). Anh Khiển có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bản thân anh bị tàn tật bẩm sinh nhưng vẫn phải "gánh" trên mình 4 miệng ăn gồm cả mẹ già, con nhỏ và một người vợ mắc bệnh hiểm nghèo.

Người tài xế chở tôi cũng cho biết, đã từ lâu lắm, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, anh Khiển cũng lăn xe khắp các ngả đường quanh thị trấn này để đi ăn xin. Số tiền xin được không chỉ là miếng cơm manh áo cho gia đình mà còn là tiền thuốc thang cho căn bệnh quái ác đang ngày đêm hành hạ vợ anh Khiển nữa. Tất cả đều đè nặng trên đôi vai người đàn ông tật nguyền.

Bấy nhiêu lời chia sẻ cũng đủ làm lòng tôi như nghẹn lại, sự tò mò lạ lẫm chùng xuống, thế chỗ cho một nỗi xót xa... Chẳng muốn làm phiền đến "công việc" của anh Khiển, tôi lên đường đến thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, nơi có tổ ấm khốn cùng của anh.

Chẳng khó gì để tìm ra căn nhà tàn tạ của gia đình người đàn ông ăn xin giữa vùng đồi núi bạt ngàn một màu đất đỏ cằn cỗi. Đó là một căn nhà thấp lè tè, dột nát và có lẽ từ lâu lắm rồi không được sửa chữa. Khi chúng tôi đến, trong căn nhà xập xệ ấy có đủ mẹ già, con thơ và vợ dại của anh Khiển, đều trong tình trạng ốm quặt quẹo, cả ngày họ chỉ biết quanh quẩn ở nhà, trông chờ vào "thu nhập chính" từ người đàn ông tật nguyền.

Những người còn lại trong gia đình khốn quẫn của anh Khiển.

Thấy khách lạ đến nhà, cả ba người đều tỏ ra sợ sệt, có lẽ lâu lắm rồi trong căn nhà rách nát ấy mới xuất hiện những người lạ mặt, họ cứ rúm ró trên chiếc giường cũ nát rồi đưa mắt nhìn chúng tôi dò xét, chẳng ai dám mở lời trước. Biết chúng tôi đến để tìm hiểu thêm về gia cảnh khốn quẫn của gia đình, ban đầu bà Vũ Thị Bướng (mẹ anh Khiển, năm ngay đã ngoài 70 tuổi) tủi thân rơm rớm nước mắt. Bà xúc động vì hoàn cảnh khốn quẫn của gia đình bà đã được người đời thông cảm.

Ngoài chiếc giường là nơi duy nhất có thể ngồi đã được dành cho cô con dâu đau ốm, bà Bướng đành phải mời khách ngồi trước bậu cửa để tâm sự. Rồi bà Bướng nghẹn ngào trải lòng với chúng tôi. Theo đó, anh Khiển sinh năm 1960, bị tật nguyền bẩm sinh. "Khi phát hiện ra con mình chỉ phát triển phần thân và tay còn chân ngày một teo tóp đi, tôi đã linh cảm thấy có chuyện chẳng lành nhưng thời ấy nghèo đói quá, chẳng có tiền cho con đi khám nên cứ đành để vậy", bà Bướng nghẹn ngào nhớ lại.

Lớn lên một chút, cậu bé Khiển không những không đi được mà đôi chân ngày càng èo uột, lủng lẳng. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ người khác. Ông bà đành để Khiển lên một chiếc xe lăn và Khiển lấy đôi tay đẩy đi hết chỗ này đến chỗ nọ. Khi đến tuổi đi học thấy bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy đến trường, Khiển cũng muốn được cắp sách đến trường nhưng với đôi chân dị tật, không thể đi lại, lại thêm gia cảnh quá cực khổ nên giấc mơ đến trường cũng đành gác lại.

Khi đã ở tuổi thanh niên, do chân yếu không lao động được, nhìn bố mẹ vất vả nuôi mình, nhiều lúc Khiển cũng đau lòng lắm. "Một lần trên đường đi ra phố, có người qua đường thấy Khiển tàn tật thì động lòng cho một ít tiền. Thế là từ đó, con tôi về nhà xin bố mẹ hãy để mình đi ăn xin, ít nhất là cố gắng đủ tự nuôi lấy mình. Chúng tôi đã hết sức can ngăn nhưng Khiển vẫn không chịu, nó nói không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình thêm nữa. Khuyên con mãi chẳng được, chúng tôi đành chấp nhận cho nó đi ăn xin", bà Bướng kể.

Cứ thế, sau khi quyết định nhập thân vào kiếp ăn mày, hàng ngày Khiển lang thang khắp các ngã tư, bến xe, góc chợ để xin chút lòng thương của mọi người. Nhưng xin mãi một chỗ ai cũng quen mặt nên Khiển phải tìm chỗ mới và đi xa hơn. Và chính tại nơi đây, Khiển đã đưa về một cô "vợ nhặt".

Hạnh phúc mong manh!

Ở cái xã Thanh Hải, chuyện anh Khiển cụt đi ăn xin "nhặt" được vợ đã trở thành điển tích để người dân nhớ mãi. Chẳng cần đến bà Bướng, ngay từ khi bước chân vào con đường đất đỏ hun hút dẫn vào thôn Tân Giáp, chúng tôi đã được những người dân địa phương kể về câu chuyện này với một sự xót xa không giấu giếm.

Theo đó, vào khoảng năm 2000, trong một lần lọ mọ lên tận Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) để ăn xin, anh Khiển đã gặp chị Nguyễn Thị Tuyên, một cô gái quá lứa lỡ thì và không có nhan sắc. Dù là một người tàn tật, nhưng trong thâm tâm của một người đàn ông vẫn le lói niềm hy vọng về một hạnh phúc nhỏ nhoi trong đời.

Thế rồi, như duyên tiền định, cô gái nọ chóng vánh đồng ý theo anh Khiển về Bắc Giang làm dâu. Hôm anh Khiển đưa cô gái về, cả xã Thanh Hải xôn xao. Họ hết sức ngạc nhiên về câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Hôm đám cưới đơn sơ được diễn ra để báo cáo tổ tiên, cả làng đổ đến căn nhà rách nát của anh Khiển, ai cũng mong muốn được nhìn thấy cô dâu hiền thơm thảo giàu lòng nhân ái, dám vượt qua những mặc cảm của số phận để mang tình yêu sưởi ấm trái tim cô đơn của người đàn ông tàn tật.

Anh Khiển vẫn ngày ngày hành khất trên đường để nuôi tổ ấm của mình

Lấy vợ xong, ra dáng một người đàn ông trụ cột của gia đình, anh Khiển thôi ăn xin rồi vay mướn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà, hai vợ chồng bán quán, giật gấu vá vai cũng đủ cơm cháo qua ngày. Rồi năm 2001, chị Tuyên sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh, cháu bé được đặt tên là Trần Văn Được. Cái tên là bao khát vọng của người cha khi cuộc đời anh đã nếm trải bao cay đắng thiệt thòi.

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi sinh con, chị Tuyên bỗng mắc một chứng bệnh lạ. Căn bệnh khiến chân tay chị cứ run bần bật, đau nhức các khớp xương, muốn đi đâu cũng phải có người dìu, mọi sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào người khác. Bệnh tình ngày một nặng, sức khỏe càng ngày càng yếu dần, dù đã đi khám và thuốc thang nhiều nhưng bệnh tình của chị Tuyên vẫn không thuyên giảm.

Cùng lúc ấy, mẹ anh Khiển bắt đầu sinh đủ các thứ bệnh của người già, trái gió trở trời bà đau yếu luôn, nằm liệt cả tuần mới dậy, cháu Được lại đang độ lớn, cần bao nhiêu chi phí khác. Cuộc sống quá cùng quẫn, không còn cách nào khác, anh Khiển đành quay trở lại hành nghề ăn xin. Anh ngồi trên chiếc xe lăn bốn bánh lang thang khắp các nẻo đường góc chợ với hi vọng xin được chút tiền để mua gạo ăn và mua thuốc chữa bệnh cho vợ.

Đưa mắt quan sát cậu bé Được đã 10 tuổi nhưng đen nhẻm và còi cọc, ngồi cạnh người phụ nữ gương mặt cứ thộn ra như người bị bệnh đao khiến chúng tôi không khỏi nao nòng. Hạnh phúc mong manh của anh Khiển là đây, một gia đình toàn những người đau yếu và dặt dẹo.

Rưng rưng nhìn cô con dâu bệnh tật, bà Bướng cũng nghẹn lòng xót thương người con trai đã từng ấy tuổi vẫn phải đi lạy lục thiên hạ xin miếng cơm ăn qua ngày. Bà Bướng kể: "Nhiều hôm mưa gió, tôi thường khuyên nhủ con ở nhà nhưng nó không chịu. Nó bảo ở nhà thì lấy gì mà ăn, mà thuốc thang cho vợ. Ngày được nhiều thì còn đỡ, ngày ít thì con tôi lại nhịn đói, nhường cơm lại cho vợ con nó. Đau lòng lắm chú ạ".

Trở gót khỏi nhà bà Bướng, lòng tôi trĩu nặng, lo lắng mông lung về số phận của những con người tội nghiệp trong căn nhà xập xệ ấy. Hạnh phúc của anh Khiển thật quá mong manh...

Thành Đông - ĐS&PL



Bình luận
vtcnews.vn