Câu hỏi:
Vợ chồng tôi ly hôn lúc con gái 1 tuổi. Toà án tuyên xử giao quyền nuôi con cho vợ tôi. Hiện, con gái tôi 8 tuổi và vợ cũ đã tái hôn. Nhiều lần con gái bày tỏ muốn được sống chung với tôi chứ không chịu sống chung với mẹ và cha dượng. Tuy nhiên, vợ tôi không đồng ý giao con cho tôi.
Xin hỏi, tôi có thể nộp đơn ra tòa án để giành quyền nuôi con được không?
Trả lời:
Theo Luật sư Trần Công Tú - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, vợ chồng sống không hạnh phúc với nhau dẫn đến việc ly hôn và vấn đề giành quyền nuôi con khi ly hôn được pháp luật quy định rất rõ ràng và chi tiết. Tuy nhiên, hậu ly hôn, vợ hoặc chồng có thể tái hôn và trẻ phải sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế. Nếu trẻ nhận được tình cảm cũng như sự quan tâm, chăm sóc từ cha dượng hoặc mẹ kế, đó là điều tốt và đáng trân trọng. Ngược lại, nếu trẻ không nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ cha dượng hoặc mẹ kế mà còn bị bạo hành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, sức khỏe và tính mạng.
Trong thời gian qua, có rất nhiều vụ án liên quan cha dượng bạo hành con riêng của vợ hoặc mẹ kế bạo hành con riêng của chồng. Hành vi trên, không những tổn thương đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.
Trở lại câu hỏi của bạn, khi vợ chồng bạn ly hôn, thời điểm đó con gái của bạn chỉ 1 tuổi, tòa án giao quyền nuôi con cho vợ bạn. Sau 7 năm, vợ cũ của bạn đã tái hôn, con gái bạn lại muốn được sống cùng bạn và bạn có quyền khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi vợ cũ của bạn tái hôn hay không.
Khởi kiện đòi quyền nuôi con sau khi ly hôn là quyền của một trong các bên yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp giành lại quyền nuôi con sau khi quan hệ vợ chồng đã chấm dứt bằng bản án hoặc quyết định của tòa án. Tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Tuy nhiên, việc thay đổi trực tiếp người nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 2, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Cụ thể:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Khi vợ cũ của bạn không đồng ý giao con cho bạn, đồng nghĩa là bạn và vợ cũ chưa thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, bạn cũng chưa chứng minh được vợ cũ bạn không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Hiện nay, con của bạn đã 8 tuổi, do đó bạn có thể xem xét nguyện vọng của con. Như bạn trình bày, con của bạn có nguyện vọng sống với bạn, đây là cơ sở để tòa án có thể xem xét để quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con từ vợ cũ sang bạn. Bởi vì, căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên”.
Từ những phân tích nêu trên, bạn có thể khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con từ vợ cũ sang bạn. Con của bạn đã 8 tuổi tức là trên 7 tuổi theo luật đã quy định, nếu có nguyện vọng về sống chung với bạn, đây là cơ sở để tòa án xem xét quyết định cho bạn được trực tiếp nuôi con.
Bình luận