• Zalo

Venezuela: Từ một 'mỏ tiền không cạn kiệt', vì sao kinh tế 'sụp đổ'?

Kinh tếThứ Bảy, 29/07/2017 10:56:00 +07:00Google News

Từng là một trong những cường quốc dầu mỏ thế giới, nơi đáng đồng tiền bát gạo để du lịch, cái nôi của những người mẫu nổi tiếng nhất; vậy mà giờ đây Venezuela lại đang luỵ tàn một cách nhanh chóng, vậy nguyên do là gì?

Chỉ cách đây 10 năm thôi, Venezuela được mệnh danh là cường quốc về dầu mỏ, quốc gia thứ 9 về xuất khẩu dầu thô. Lúc đó người ta đã ví Venezuela như một mỏ tiền không bao giờ cạn kiệt.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh:Reuters)

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Venezuela là một cường quốc ở Nam Mỹ, mảnh đất này giàu có, thế lực đến mức cựu Tổng thống Bill Clinton đã chọn đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm của ông tới khu vực Nam Mỹ năm 1997.

Trước khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999, Venezuela là địa điểm ưa thích của giới nhà giàu Mỹ, châu Âu với hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, giải trí vào loại xa xỉ nhất khu vực và được xếp hạng cao trên thế giới. Và người đầu tư vào những nơi này không phải ai khác, chính là Mỹ với hàng loạt công ty, tập đoàn dầu mỏ, khoáng sản…có mặt ở Venezuela lúc đó.

Trong một thời gian rất dài, Mỹ phải nhập hàng triệu thùng dầu từ Venezuela mỗi ngày. Venezuela chỉ việc đào dầu lên bán cho Mỹ và nhiều quốc gia khác là có tiền, một công việc tưởng chừng rất đơn giản.

Nhưng tiền bán dầu được dùng vào việc gì? Số tiền này chủ yếu sẽ vào tay các quan chức, lãnh đạo, các công ty tư nhân, những đại gia dầu mỏ để họ mặc sức tiêu xài, chơi bời; đó là nguyên nhân dẫn tới cuộc lật đổ mà ông Hugo Chavez lãnh đạo. Sự nghèo khổ.

Vào thời kỳ đó, số lượng đại gia ở Venezuela chiếm tới hơn 40%, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực liên quan đến dầu mỏ, khoáng sản. Họ sống tập trung ở những khu phố, quận xa xỉ giàu có. Còn lại 60% là người nghèo, không cơm ăn áo mặc, khắp nơi trên quốc gia này tràn ngập sự cùng cực.

Video: Venezuela trong khủng hoàng: Hàng trăm người tấn công, cướp cửa hàng thực phẩm

Không phải nói quá khi nhân dân Venezuela và khu vực đã đặt cho ông Hugo Chavez biệt danh là ông vua của người nghèo. Bởi chính sách, cách hành động của ông luôn đặt tầng lớp những người lao động nghèo khó lên hàng đầu, đó là tiêu chí đầu tiên của ông: xoá bỏ nghèo đói và sự phân biệt giai cấp xã hội. Lý tưởng này được học tập từ cố Chủ tịch Fidel Castro của Cuba.

Trong suốt thời gian ông Hugo Chavez nắm quyền, thế giới đã biết đến Venezuela hoàn toàn khác; người nghèo được ăn, được học, khám chữa bệnh miễn phí, có công ăn việc làm đầy đủ. Hugo Chavez trở thành một vị thánh sống của nhân dân nơi đây. Không chỉ cải thiện đời sống xã hội, mà về mặt đối ngoại; ông Chavez cũng kết mối quan hệ thân thiết với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến Cuba, Việt Nam, Ecuador, Bolivia…

Nhưng cho dù có cố gắng đến mấy, ông Chavez cũng không thể “đánh bại” nạn lạm phát, tham nhũng đã ăn sâu vào bộ máy chính quyền của Venezuela. Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ thế giới thì Venezuela là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.

Ngoài lạm phát, việc ông Hugo Chavez sử dụng tiền vào các hoạt động từ thiện trong và ngoài nước, rồi tiền để kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng… cũng chiếm một khoản rất lớn. Người dân Venezuela sướng đến mức chỉ cần hàng ngày đến cửa hàng lấy đồ ăn về mà không phải động chân tay làm bất cứ một việc gì, rồi chỉ đi nghe Tổng thống phát biểu cũng được phát tiền…

Hậu quả là dưới thời ông Chavez và còn kéo dài đến tận bây giờ, thì Venezuela đang nợ tổng cộng 95 triệu USD(theo báo cáo của Quỹ tiền tệ thế giới), trong đó có tới 65 triệu USD của Trung Quốc, còn lại là của Nga và một vài quốc gia khác; hiện nay số nợ này đang được trả dần bằng việc cung cấp dầu miễn phí.

Vào thời kỳ cuối của ông Chavez, tình hình Venezuela đã dần lún vào “hố sâu” khủng hoảng, quan chức ở đây đã nhìn thấy trước tình hình này nên chủ động thu mua, cất giữ lương thực; có những người đã bị bắt với số lượng thực phẩm khổng lồ có thể dùng trong vài năm! Còn người nghèo, không có tiền chỉ biết chờ đợi.

Cuộc khủng hoảng về kinh tế ở Venezuela thực sự bùng phát khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền vào năm 2013. Sự cạn kiệt lương thực, nhu yếu phẩm, nhân dân mất niềm tin vào chính quyền, họ không còn tin vào những bài diễn văn tràn đầy nhiệt huyết như trước.

Lý giải cho sự giận dữ này của nhân dân Venezuela có hai cách. Một là trong hàng chục năm đa số họ không phải làm gì vẫn có thể ăn ngon, mặc đẹp do đó khi không còn gì để ăn, mặc thì họ rơi vào tình cảnh lo sợ. Cách thứ hai đó là ông Maduro không tạo được niềm tin trong dân chúng, ông ta không thực tế, không thể làm cho người dân cảm thấy no và thoả mãn bằng những bài diễn văn hừng hực khí thế được trong khi chính quyền của ông ta vẫn tham nhũng, vẫn lạm dụng chức quyền để tư lợi riêng, để làm giàu trên lưng người nghèo.

Dư luận cho rằng khủng hoảng dầu mỏ là nguyên nhân chính dẫn đến thảm cảnh của Venezuela hiện nay. Theo các chuyên gia thì vấn đề dầu mỏ chỉ là một trong nhiều nguyên nhân và đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng ở đây.

Bởi Venezuela không phải là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều vì giá dầu xuống thấp, quốc gia này mới chỉ đứng thứ 9, còn sau Ả rập Xê út, Nga… do đó nếu có ảnh hưởng thì chỉ một phần nào đó thôi.

Ngành dầu khí của Venezuela đi xuống từ khi ông Maduro lên làm Tổng thống, thiếu đầu tư, công nhân không làm việc dẫn đến tình trạng nhiều mỏ dầu chỉ khai thác cầm chừng, bệ rạc, thậm chí dừng hẳn. Tất cả là do không có tiền, tiền đã vào túi các quan chức, giới nhà giàu hết, rồi đem đi trả nợ hết.

Sự thiếu thốn về lương thực, thuốc men, trang thiết bị ở mọi nơi, mọi chỗ làm cho xã hội ngày càng hỗn loạn; nhưng ông Maduro lại chọn giải pháp trả nợ cho Trung Quốc và Nga thay vì mua lương thực, thực phẩm cho người dân. Giải pháp này của ông bị xã hội phản đối kịch liệt, giờ đây không chỉ là người giàu chống ông nữa, mà cả tầng lớp nghèo cũng không thể đồng tình nữa.

Vậy tại sao Tổng thống Venezuela lại chọn trả nợ thay vì dùng số tiền đó cải thiện điều kiện an sinh xã hội của đất nước? Nga và Trung Quốc từ lâu là đối tác chiến lược của Venezuela với khẩu hiệu “tình anh em, gắn bó, thuỷ chung, son sắt”, và đã thường xuyên cho quốc gia này vay những khoản tiền khổng lồ, bù lại là những quyền lợi về khai thác, đầu tư dầu mỏ, khoáng sản.

Nhưng do bất ổn chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng, rủi ro cho đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào nên Nga và Trung Quốc đang dần rút ra khỏi đây để không mất trắng nếu chế độ của ông Maduro sụp đổ. Mất đi đầu tư từ Nga, Trung Quốc là mất đi một nguồn thu khổng lồ cho Venezuela nhưng không có cách nào khác là phải chấp nhận sự thật đó và hàng năm phải trả số nợ kia cho Nga và Trung Quốc.

Rất nhiều lần Tổng thống Maduro và chính quyền của ông đổ lỗi cho các thế lực nước ngoài trong việc kích động gây nên tình trạng hỗn loạn của Venezuela hiện nay. Nhưng có lẽ đó mới chỉ là một phần của câu chuyện, và thật sự các thế lực nước ngoài không cần thiết phải tác động vào vấn đề ở đây. Vì chính quyền của ông Maduro đã quá thối nát, lạm phát, tham nhũng ở khắp nơi, gây mất niềm tin của người dân với chính phủ. Thêm nữa là những chính sách mang tính “sĩ diện hão” của ông Maduro, trong khi đất nước còn khó khăn, thiếu thốn đủ đường, bao nhiêu vấn đề cần phải giải quyết thì ông có thể chi hàng trăm triệu USD để hỗ trợ các nước nghèo khác trong khu vực và ở châu Phi, rồi những bài diễn văn mang đầy chất anh hùng cũng chẳng thể nào giải quyết được vấn đề trong nước, có chăng cũng chỉ là đánh bóng tên tuổi, nuôi dưỡng một cái gì đó hão huyền từ thế hệ trước.

Tình hình hỗn loạn của Venezuela còn kéo dài, nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì chỉ một thời gian ngắn nữa là chính quyền của ông Maduro sẽ phải đối mặt với giải pháp giải thể, từ chức. Nhưng hy vọng rằng, đã là người được nhân dân bầu lên lãnh đạo một đất nước, vị tổng thống này cùng bộ máy chính quyền sẽ tìm ra giải pháp hợp lý nhằm cải thiện nền kinh tế vô cùng khó khăn hiện nay; nhưng cũng cần đến sự chung tay góp sức của cộng đồng thế giới vì hoà bình trong khu vực.

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn