Sáng 1/10, nhiều vấn đề về tỷ giá đồng Việt Nam được đặt ra tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019 của Ngân hàng Nhà nước.
Trả lời câu hỏi vì sao Ngân hàng Nhà nước không phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cần tính toán trên bài toán tổng thể giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai để đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia, đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường.
Theo ông Đào Minh Tú, tỷ giá đồng Việt Nam đang được điều hành hài hoà. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng nhận định chính sách điều hành tỷ giá hiện nay đang điều hành hợp lý.
Tỷ giá đồng Việt Nam đang ở mức ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, vì thế cơ quan chức năng không đặt ra các kế hoạch về việc phá giá như một số quốc gia hiện nay.
Phó Thống đốc Ngân Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, đơn vị này tính toán trên bài toán tổng thể giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai, làm sao cho hợp lý và đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia, đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường.
Viện dẫn một số quan điểm cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại do tỷ giá không được phá giá, ông Tú lý giải, Việt Nam không thể lấy tỷ giá làm công cụ chỉ thúc đẩy xuất khẩu vì nhập khẩu cũng là vấn đề lớn cần lưu tâm. “Đó là lý do vì sao Ngân hàng nhà nước quyết định không phá giá", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Vẫn theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường để đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Liên quan đến vấn đề đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm giá, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam từ đây đến cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, không nên nghĩ đến việc phá giá tiền đồng.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, thương chiến Mỹ - Trung đã khiến nhiều quốc gia đồng loạt hành động khẩn trương để tạo thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của mình. Nhiều nước châu Á có tham vọng phá giá tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, đó không phải là hướng đi tốt của Việt Nam thời điểm hiện tại.
Theo chuyên gia kinh tế, phá giá tiền tệ để cạnh tranh là cuộc đua xuống đáy mà Việt Nam cần tuyệt đối né tránh. Ông cho rằng, nếu quốc gia nào cũng chạy theo cuộc đua phá giá thì sẽ không có chỗ cho việc xuất nhập khẩu.
Trong khi đó về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng, các biến động tỷ giá đến nay vẫn mang tính chất ngắn hạn.
Theo ông Long, không nên chạy theo ngắn hạn để thiết lập một nền tảng dài hạn. Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn vào những yếu tố dài hạn như thể chế, chính sách, sự phát triển của nền kinh tế. Theo chuyên gia, với những thuận lợi hiện có về kinh tế - chính trị, Việt Nam cần tranh thủ bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn để nhân cơ hội đưa ra những cam kết, phát đi những thông điệp ổn định về môi trường đầu tư.
Bình luận