Theo kết quả của nhiều nghiên cứu và khảo sát, ánh nắng chiếu qua thân chai nước, kính, quả cầu thủy tinh sẽ như một thấu kính hội tụ, tập trung ánh sáng và đốt cháy bề mặt tiếp xúc.
Vào mùa hè, khi xe phải di chuyển, đặc biệt đỗ dưới nắng nóng sẽ gây nhiều tác hại, trong đó nguy hiểm nhất là rủi ro cháy xe do những vật dụng đơn giản như chai nước, kính, quả cầu thủy tinh... Nguyên nhân là do thiết kế tròn, cong, hình trụ của những vật thể này tương tự như một thấu kính hội tụ (kính lúp). Khi ánh sáng chiếu qua chai nước sẽ hội tụ tại một điểm. Năng lượng tích tụ dưới dạng nhiệt năng sẽ đốt cháy bề mặt tiếp xúc.
Kết quả một cuộc thử nghiệm cho thấy, với điều kiện nhiệt độ 35 độ C, trời có nắng, mây rải rác, thời gian 12h-13h tại TP.HCM, ánh sáng qua chai nước (nhẵn, 1,5 lít) có thể đốt cháy chiếc khẩu trang để trong xe ngay khi tạo luồng sáng hội tụ.
Kết quả thử nghiệm trên khẩu trang dùng vải không dệt vốn là vật liệu chịu nhiệt kém, dễ cháy cũng cho thấy, chỉ cần khi góc chiếu của ánh sáng mặt trời qua chai nước phù hợp và tạo luồng sáng hội tụ, vải sẽ bị cháy gần như tức thì.
Với chất liệu ví da thật, màu đen, có phủ lớp nhựa bảo vệ bề mặt, thời gian kể từ khi bị ánh sáng hội tụ chiếu vào cho đến khi có hư hại xảy ra sẽ dài hơn. Cụ thể, sau 20-30 phút "đốt" bằng ánh sáng hội tụ, bề mặt da không cháy nhưng có dấu hiệu hư hại vì nhiệt như chảy nhựa, biến dạng.
Trên thế giới từng có những thử nghiệm với thời gian và góc chiếu đủ lâu, chất liệu da trong xe bị bốc cháy tạo khói.
Năm 2021, một clip được Aut Autakorn, thợ cơ khí ở Thái Lan, ghi lại vào một buổi chiều khi nhiệt độ ngoài trời là 33 độ C. Aut thấy khói bốc ra từ chỗ để cốc bên cạnh cần số của chiếc xe đang để ở xưởng sửa chữa của anh.
Ban đầu, Aut nghĩ rằng chủ xe đã để quên một điếu thuốc đang cháy dở bên trong xe, nhưng khi nhìn gần, anh mới phát hiện ra nước đã phản chiếu ánh nắng và đốt cháy phần da bọc ghế ở bên cạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia sức khỏe đã nhiều lần khuyến cáo mọi người không nên để chai nước bên trong xe, đặc biệt là vào mùa nóng, vì nhiệt độ cao có thể khiến nước uống đóng trong chai nhựa trở nên độc hại.
Ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài chỉ khoảng 22 độ C, nhưng nhiệt độ tích tụ trong xe khi tắt máy có thể tăng lên khoảng 40 độ C chỉ trong vòng một giờ. Nếu xe đỗ dưới trời nắng, khi nhiệt độ bên ngoài là khoảng 27-38 độ C, thì nhiệt độ bên trong xe ô tô có thể đạt ngưỡng 55-77 độ C.
Bên cạnh đó, việc để chai nước ở ngăn giữa hai ghế trước có thể dẫn đến tính huống khi xe đi qua đoạn đường xóc, hoặc phanh gấp, chai nước rơi xuống sàn, lăn vào vị trí chân ga, chân phanh, rất nguy hiểm.
Do đó, khi cần mang theo chai nước lên ô tô, hãy tập thói quen để ở hốc cửa, một vị trí an toàn hơn là giữa hai ghế phía trước, và cố gắng thường xuyên thay chai mới.
Không chỉ chai nước, một số vật dụng phổ biến hình cầu, trong suốt thường được để trên xe cũng có thể tạo ra luồng ánh sáng hội tụ như kính (đặc biệt kính viễn thị, kính lão), quả cầu pha lê, thủy tinh trang trí...
Các chuyên gia cho biết, không phải lúc nào ánh nắng đi qua chai nước hay quả cầu cũng tạo thành chùm sáng hội tụ lên một bề mặt vật liệu nào đó, vì phụ thuộc vào góc chiếu sáng, tuy vậy rủi ro vẫn có thể xảy ra khi đỗ xe thời gian dài dưới nắng, đặc biệt với những xe có cửa sổ trời toàn cảnh không đóng tấm che.
Vì vậy, tránh để những vật dụng hình cầu, bề mặt nhẵn tại những vị trí bị ánh nắng chiếu vào như táp lô, hàng ghế thứ nhất. Tốt nhất, chúng nên được cất gọn vào những nơi kín như hộp găng tay, hộc cánh cửa phía sau, cốp xe.
Bên cạnh việc tạo ánh sáng hội tụ gây cháy, việc đồ uống, thức ăn để trong xe bị nóng lên cũng khiến thay đổi chất lượng, phát sinh những chất độc. Vì vậy, thuốc, các loại kem y tế, mỹ phẩm, đồ điện tử, vật dễ cháy như bật lửa...cũng được khuyên không để trong xe đỗ dưới trời nắng nóng.
Bình luận