• Zalo

Vì sao Đức Phật đi khất thực?

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 16/08/2022 11:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Phụ vương của Đức Phật từng sốc và tổn thương bởi trong lần đầu về thăm nhà, Phật ra ngoài khất thực sau buổi thuyết pháp, trong khi cung điện đã chuẩn bị yến tiệc.

Kể từ khi thành đạo cho đến lúc nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn duy trì truyền thống trì bình khất thực mỗi ngày, trừ những hôm nhận lời đến nhà vị cư sĩ nào đó trai tăng. Ngài cũng yêu cầu các tăng ni duy trì nề nếp này.

Sự tổn thương của vua Tịnh Phạn

Sau nhiều năm rời nhà đi tìm đạo, Đức Phật trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) thăm gia quyến và độ cho họ bằng giáo pháp. Sau buổi thuyết pháp đầu tiên ở hoa viên của một vị hoàng thân, vì không có lời cung thỉnh trai tăng nên Đức Phật dẫn các đệ tử ra phố trì bình khất thực như thường lệ.

Vì sao Đức Phật đi khất thực? - 1

Đức Phật và tăng đoàn đi khất thực.

Vua cha Tịnh Phạn (Suddhodana) vốn đã sớm về cung để lo chuẩn bị yến tiệc, cho rằng con trai mình đương nhiên sẽ về nhà dùng cơm. Nhưng ngài chờ mãi không thấy, sau đó nhận được tin Phật và tăng đoàn đã ra phố xin ăn. Bàng hoàng và tổn thương, ngài lật đật đi tìm Phật, trách: “Sao con nỡ làm tổn thương thể thống hoàng tộc như vậy? Cha lấy làm nhục nhã khi thấy con đi khất thực trong chính cái thành phố mà thường ngày con chỉ đi bằng kiệu vàng. Tại sao con nỡ làm nhục cha như vậy?".

Đức Phật trả lời: "Tâu Đại vương, Như Lai không hề làm nhục Đại vương! Như Lai chỉ hành động theo đúng truyền thống của dòng dõi Như Lai".

“Nhưng Thái tử con ơi! Phải chăng truyền thống của dòng dõi hoàng tộc là nuôi mạng sống bằng cách khất thực? Hoàng tộc chúng ta là dòng dõi của vị chiến binh anh hùng Mahasammata chứ không phải hạng người tầm thường phải nhục nhã đi xin ăn để nuôi mạng”, nhà vua sửng sốt kêu lên.

Đức Phật giải thích: “Tâu Đại vương, truyền thống của hoàng tộc hẳn không phải là khất thực độ mạng. Nhưng đây là truyền thống của chư Phật. Hàng nghìn vị Phật trong quá khứ vẫn đi trì bình khất thực”.

Sau khi được giải thích, vua Tịnh Phạn mới hiểu ra và không còn cảm thấy bị tổn thương nữa. Vua đến gần rước bát của Phật và thỉnh ngài cùng các đệ tử về hoàng cung thọ trai.

Ý nghĩa của việc khất thực

Cảnh Phật và tăng đoàn đi khất thực được kinh Kim cương miêu tả rất ấn tượng:  “Thuở nọ, Đức Phật ở vườn Kỳ Thọ, Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ cùng với chúng đại tỳ kheo, một nghìn hai trăm năm mươi người cùng hội. Bấy giờ gần đến giờ ăn, Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Trong thành, Đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất thực xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm, rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi”.

Vậy ý nghĩa của việc khất thực là gì mà nó được coi là một phép tu? Ngoài việc nuôi thân để sống và tu tập, bằng việc xin ăn, chư tăng ni gieo duyên với chúng sinh trong “bát cơm ngàn nhà”, đánh thức Phật tính, lòng từ bi, giảm tính tham lam bủn xỉn trong mỗi người.

Đây cũng là cơ hội để họ truyền pháp, lan tỏa thông điệp từ bi hỉ xả, lối sống thiện lành. Nên nhớ, khi khất thực, Đức Phật và các đệ tử bưng bát ghé lần lượt từng nhà chứ không lựa chọn những nhà hảo tâm mà mình biết để nhanh chóng xin đủ bữa.

Vì sao Đức Phật đi khất thực? - 2

Với các nhà sư, khất thực là cơ hội để giáo hóa chúng sinh, và cũng để tu thân.

Với bản thân khất sĩ, việc xin ăn cũng giúp họ kiểm soát bản ngã, xóa bỏ tính kiêu ngạo, tự cao, học tính khiêm cung, nhẫn nại. Khất thực cũng giúp đoạn trừ được lòng tham còn lại trong tu sĩ, vì các vị được bố thí gì thì dùng cái đó, khi bước đi không biết được thí chủ cho gì, nhiều hay ít, ngon hay không.

Như vậy, các bậc tu hành đi khất thực vừa xin lại vừa cho, là người nhận bố thí nhưng cũng là người bố thí, là người dạy và cũng là người học.

Hiện nay truyền thống khất thực vẫn được duy trì ở các nước theo Phật giáo Nam tông (Phật giáo Nguyên thủy) như Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia… Người Việt Nam chủ yếu theo truyền thống Phật giáo Bắc tông (Đại thừa), chư tăng ni không đi khất thực mà nấu ăn tại chùa. Các vị thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông và Khất sĩ thì tùy duyên duy trì hạnh tu khất thực chứ không khất thực hàng ngày.

Huyền Vi
Bình luận
vtcnews.vn