Đáng chú ý, việc hoãn tổ chức đại hội diễn ra sau khi đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank tiếp tục có văn bản gửi tới Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) về các vấn đề liên quan tới nhân sự chủ chốt.
Lại hoãn đại hội cổ đông
Hội đồng quản trị Eximbank vừa ra nghị quyết hoãn đại hội cổ đông lần thứ 3 (dự kiến tiến hành ngày 15/12 tới tại Hà Nội), nhằm thực hiện quy định phòng chống dịch COVID-19.
“Đại hội cổ đông thường niên 2020 lần thứ 3 sẽ được dời sang thời điểm khác thích hợp”, Eximbank cho biết.
Eximbank trước đó đã 2 lần đại hội cổ đông thường niên 2020 bất thành. Lần đầu do tỷ lệ cổ đông tham dự dưới 65%, lần hai dưới 51%. Tại đại hội cổ đông thường niên lần 3, Eximbank không yêu cầu tỷ lệ cổ đông tham dự tối thiểu, song cuối cùng vẫn chưa thể diễn ra.
Ngoài nguyên nhân phòng chống dịch COVID-19, một lý do khác cũng có tác động đến đại hội đồng cổ đông của Eximbank là chưa tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn.
Theo đó, chỉ vài ngày diễn ra đại hội, cổ đông Eximbank đồng loạt gửi kiến nghị tới HĐQT và BKS ngân hàng này về các vấn đề liên quan tới nhân sự. Cụ thể, đại diện các cổ đông nói trên đề nghị HĐQT đưa vào chương trình họp đại hội cổ đông thường niên 2020 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.
Eximbank cũng đồng thời nhận được thư kiến nghị của nhóm cổ đông đang nắm giữ 11,23% cổ phần phổ thông đề nghị đưa kiến nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị của ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú vào chương trình họp.
“Chúng tôi được biết ông Đặng Hoàng Mai, ông Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú là những thành viên HĐQT không hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của Thành viên HĐQT khi có tỷ lệ tham dự các cuộc họp HĐQT rất ít dẫn đến hiệu suất làm việc của HĐQT của Eximbank bị giảm sút, đặc biệt đối với trường hợp của ông Đặng Anh Mai - người đã bị miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT vào ngày 25/7/2020”, văn bản nêu.
Hiện HĐQT của Eximbank gồm 9 người là các ông Saitoh, Cao Xuân Ninh, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Theo một số cổ đông, những bất ổn tại Eximbank xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn. “Hội đồng quản trị Eximbank có 9 người, trường hợp 7 người bị miễn nhiệm theo yêu cầu của các nhóm cổ đông thì ngân hàng sẽ đi đâu về đâu?”, cổ đông lo ngại.
Nhiều cổ đông cho rằng, đây là thời điểm cuối nhiệm kỳ cho nên việc bãi nhiệm là không cần thiết. Việc có đến 7 thành viên bị yêu cầu bãi nhiệm, trong khi về luật quy định thì Eximbank phải bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới lại không thực hiện được vì nhiều nguyên nhân càng làm cho ngân hàng thêm bất ổn.
Lao đao vì bất đồng
Trong khi đại hội cổ đông năm 2020 vẫn chưa thể diễn ra thì đại hội bất thường năm 2019 của ngân hàng này đến nay cũng vẫn chưa được tổ chức lại dù lần đầu bất thành từ ngày 30/6.
Do vấn đề nhân sự cấp cao rối ren nên hình ảnh và hoạt động kinh doanh của Eximbank vài năm trở lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo tại ngân hàng đúng theo trình tự thủ tục của Eximbank và tuân thủ quy định của pháp luật nhưng ở các lần công bố nhân sự cấp cao, ngân hàng này đều vướng lùm xùm sau đó.
Vốn là một ngân hàng gạo cội, từng góp phần tạo nên hình ảnh thị trường tiền tệ, nhưng Eximbank hiện nay phải chấp nhận ngồi “chiếu dưới” nếu so với các ngân hàng có quy mô vốn, mạng lưới, nhân sự ngang Eximbank.
Báo cáo tài chính cho thấy 9 tháng đầu 2020, Eximbank ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng giảm 10,6% xuống 101.302 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng giảm 8,2% xuống 127.844 tỷ đồng.
Trong khi tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 30/9 là hơn 2.491 tỷ đồng, tăng 29%. Tro đó nợ nghi ngờ tăng 279%, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 99%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng lên mức 2,46%.
Trên thị trường, cổ phiếu Eximbank đang giao dịch mức 17.200 đồng/cổ phiếu, giảm 0,8%. Tính từ đầu năm, mã EIB giảm gần 4%, tương đương mỗi cổ phiếu “bay” 700 đồng.
Bình luận