• Zalo

Vì con, mẹ viết lại đời mình

Pháp luậtChủ Nhật, 15/02/2015 04:22:00 +07:00Google News

Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Thị Văn (SN 1992, quê gốc Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nay trú tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk)

Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Thị Văn (SN 1992, quê gốc Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nay trú tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) nước mắt chỉ lăn dài. 

Hiện nữ phạm nhân này đang thụ lý cùng lúc hai mức án cùng về tội “trộm cắp tài sản” với tổng cộng 4 năm tù giam tại phân trại số 2 (trại giam Đăk Trung, thuộc Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an).

Phạm nhân “đặc biệt”
Nói phạm nhân Văn là một phạm nhân “đặc biệt” của phân trại số 2 bởi cô chính là mẹ của bé Susu (SN 2014), hiện cả hai mẹ con đều đang trong trại. Khi vào trại trả án được 8 ngày thì Văn chuyển dạ sinh con ngay tại trại giam. Tiếng đứa trẻ khóc chào đời đã khiến cả 239 phạm nhân nữ đang cải tạo tại đây có một đêm không ngủ... Cùng với Ku Kem (tên một bé trai khác đang ở cùng mẹ là phạm nhân ở buồng giam bên cạnh), Susu đã trở thành sợi dây gắn kết yêu thương và động lực cho người mẹ một thời lầm lỡ gắng cải tạo tốt để sớm trở về với cộng đồng.
Nguyễn Thị Văn sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em. Sớm nghỉ học và bập vào yêu đương, năm 2009, khi mới 17 tuổi, Văn đã có đứa con đầu lòng với một anh chàng lái xe. Chuyện tình yêu của Văn còn đơm hoa kết trái thêm một lần nữa khi Văn sinh hạ thêm một cháu trai vào năm 2012.
Tuy nhiên, ngã rẽ cuộc đời đối với cô bắt nguồn từ gánh nặng cuộc sống khi Văn liên tiếp gây ra nhiều vụ “trộm cắp tài sản” ngay tại nơi mình làm việc. Bị bắt quả tang sau lần lấy trộm ví của bà chủ quán nhậu, Văn bị bắt và bị TAND thị xã Tam Kỳ xử phạt 2 năm 6 tháng tù. Do đang nuôi con nhỏ nên Văn được tạm hoãn thi hành án nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Không có việc làm, Văn lại nảy sinh “tắt mắt” rồi bị TAND TP.Buôn Ma Thuột xử phạt 18 tháng tù giam, vẫn về hành vi “trộm cắp tài sản”. 
Lần này, bi kịch của cô gái trẻ càng thêm buồn khi gia đình nhà chồng đuổi cô ra khỏi nhà và đón hai đứa cháu về nuôi. Khi Văn đi thụ án, gia đình chồng đã phủi hoàn toàn trách nhiệm. 
Văn tâm sự: “Không trách ai được cả mà em chỉ tự trách mình, không làm ăn đàng hoàng mà trộm cắp của người ta thì con cái chỉ thêm khổ. Hai cháu về đó biết đâu có điều kiện thành người hơn ở bên em”. Chính trong thời gian chờ đi cải tạo, Văn quen thêm một người con trai và mối quan hệ này dừng lại khi Văn biết mình mang thai thêm một lần nữa. Ngẫm tưởng chàng trai sẽ giúp Văn ổn định lại cuộc đời nhưng anh ta đã nhanh chóng bỏ đi. Văn sụp đổ. Cô khóc và viết đơn xin vào trại giam Đăk Trung trả án khi ngày sinh nở đã cận kề...
Được phân về phân trại số 2 được 8 ngày thì Văn trở dạ sinh con. Các bác sĩ trại giam đã phải xin hỗ trợ từ bệnh viện Cư M’gar (nơi trại giam Đăk Trung đóng quân) để hai mẹ con Văn “mẹ tròn con vuông”. Đêm 21/8/2014 là một đêm đáng nhớ với toàn bộ phân trại số 2, nơi giam giữ 239 phạm nhân nữ đón tiếng khóc chào đời của một thiên thần nhỏ. Cháu được đặt một cái tên đáng yêu: Susu. 
 Mẹ con Văn trong trại giam
Yêu thương là động lực cải tạo
Biết hoàn cảnh của Văn, lại vừa mới sinh nở, Ban giám thị trại giam Đăk Trung và cụ thể là phân trại số 2 đã sắp xếp phạm nhân này ở riêng một phòng của bệnh xá trại giam và bố trí thêm một nữ phạm nữa chăm sóc cho hai mẹ con cô. 
Văn xúc động nói: “Sinh con trong trại giam là điều chưa bao giờ em nghĩ tới. Tuy nhiên, thấy các chị em cùng cảnh ngộ động viên, chăm sóc, an ủi và yêu thương hai mẹ con, em thấy mình vững tâm và tự tin lên nhiều lắm! Cháu ăn được, ngủ được và rất ngoan nên em cũng an tâm. Thêm các cán bộ quản giáo và ban giám thị trại tạo điều kiện hết sức nên em cũng bớt tủi thân khi không có ai thân thích bên cạnh. Giờ chỉ gắng cải tạo cho tốt để hai mẹ con sớm trở về bên bà ngoại cháu mà thôi”.
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Phạm Hồng Việt (Phó giám thị phụ trách phân trại số 2, trại giam Đăk Trung) cho biết: “Anh em cán bộ, chiến sĩ rất cảm thông và hiểu được hoàn cảnh của phạm nhân Văn nên chủ động bố trí chỗ ăn nghỉ, miễn lao động cải tạo cho phạm nhân này và bố trí thêm một nữ phạm nhân khác chăm sóc cho hai mẹ con”. 
Cũng theo Đại tá Việt, ngoài tiêu chuẩn thông thường của một phạm nhân cải tạo, phân trại thường xuyên ưu tiên thực phẩm và đồ dùng cho hai mẹ con Văn. Thậm chí để cải thiện chất tươi, cứ mỗi tuần hai mẹ con Văn được phân trại  2 tặng thêm hẳn một chiếc chân giò lợn để tăng lượng sữa từ mẹ cho Susu. 
Điều khiến chúng tôi cảm động hơn nữa chính là việc rất nhiều phạm nhân nữ đang cải tạo tại đây trích bớt phần ăn, phần chi tiêu của mình được gia đình gửi vào nhờ cán bộ quản giáo mua bỉm, sữa cho bé Susu. Hằng ngày, bệnh xá phân trại giam số 2 không lúc nào ngớt tiếng cười nói, hỏi thăm của mọi người dành cho hai mẹ con Văn. Cô gái trẻ mang đến hai tiền án có lúc cười mà như khóc. 
Văn tâm sự: “Em xúc động lắm, các chị cùng cảnh ngộ cứ xuống bệnh xá là qua ngồi với hai mẹ con một lúc dù thời gian đi khám bệnh chỉ có hạn. Ai cũng muốn bế bé chỉ vài phút. Các chị cán bộ cũng vậy. Có hôm hết giờ làm, lại qua chơi với hai mẹ con nên nhiều lúc nghĩ mình là phạm nhân thật nhưng chả khác gì ở nhà, thấy lòng mình ấm lại sau bao cơ cực nhà báo ạ”.
Văn bảo, cô đã từng rất tuyệt vọng, thậm chí có lúc đã tìm đến bệnh viện định bỏ thai nhưng nghĩ tới giọt máu mình mang suốt một thời gian dài đến 7 tháng, cô lại thôi. Sinh con xong, Văn như tìm lại được chính mình vì theo lời cô “em sẽ cố gắng hết sức có thể để làm lại cuộc đời mình. Giờ Susu vừa là động lực vừa là những yêu thương em gửi gắm”. 
Dẫn chúng tôi xuống bệnh xá thăm hai mẹ con Văn, Đại tá Việt trầm tư: “Tôi thường nói với các phạm nhân nữ và các cán bộ của mình thế này, tôi cũng có mẹ, vợ và con gái nên phải hiểu tâm tư, tình cảm và tâm lý mới có thể giáo dục, cải tạo được họ. Riêng đối với trường hợp của Văn, đã là mẹ thì ai cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con mình. Mẹ cháu có lỗi chứ cháu vẫn là một công dân của đất nước, cháu sẽ được đảm bảo các điều kiện tốt nhất để phát triển”.
Theo sự bố trí của phân trại, phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Thư (60 tuổi) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do tuổi cao, sức yếu ở lại bệnh xá chăm sóc hai mẹ con Văn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phạm nhân Thư không có con và một cuộc đời nhiều gian truân, vất vả. Với tất cả sự yêu thương, phạm nhân Thư chăm sóc hai mẹ con Văn như chính con gái và cháu ngoại của mình. 
Phạm nhân Thư nói: “Thương hai mẹ con nó lắm! Biết là mỗi người một hoàn cảnh nhưng những lúc như thế, Văn cần một sự sẻ chia và đùm bọc từ mọi người mới có thể vượt qua được khó khăn mà yên tâm cải tạo”.
Chào từ biệt hai mẹ con Văn ra về, hình ảnh đọng lại trong chúng tôi là một cháu trai bụ bẫm và nụ cười tươi hẹn ngày về sớm nhất có thể của người mẹ. Hiện bé Susu đã được 9kg sau 5 tháng ở trại, ngoan và ngủ ngon lành trong vòng tay của các phạm nhân nữ khác và cả các cán bộ quản giáo nữ. Giờ đây, cậu bé chính là yêu thương, là động lực để Văn làm lại cuộc đời mình. Cuộc sống sẽ còn không ít khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng Văn sẽ làm được như lời cô đã hứa với ban giám thị trại và các chị em đã yêu thương, đùm bọc hai mẹ con...
Nguồn: PLO
Bình luận
vtcnews.vn