• Zalo

Vào 'vương quốc' của loài chim khổng lồ, tuyệt đẹp

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 03/04/2014 12:59:00 +07:00Google News

Chụp ảnh loài linh cầm (cao 1,5 m, nặng 8-10 kg, tiếng kêu vang tới 2 km) ấy luôn là niềm mơ ước với giới nhiếp ảnh.

Sếu đầu đỏ, tự thân cái tên loài chim quý này đã là điều huyền hoặc.


Chụp ảnh loài linh cầm (cao 1,5 m, nặng 8-10 kg, tiếng kêu vang tới 2 km) ấy luôn là niềm mơ ước với giới nhiếp ảnh và chính khát khao mãnh liệt đó đã thúc giục chúng tôi lên đường

Hội chụp ảnh chim của chúng tôi ai cũng rành rẽ “lý lịch” của loài sếu đầu đỏ phương Đông (tên khoa học là Grus antigone sharpii) từng xuất hiện khắp vùng Đông Nam Á nhưng nghe đâu nay chỉ còn thấy ở Campuchia và Việt Nam.

Đã nhiều lần tìm đến Hòn Chông (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) và Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) nhưng chúng tôi vẫn chẳng thu được kết quả khả quan nào. Chính “vua sếu” Tăng A Pẩu, người chụp được rất nhiều ảnh sếu nhờ “ăn dầm nằm dề” 2 năm trời ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng khuyến cáo rằng đi chỉ toi công mà thôi.

Để có được ảnh loài sếu quý, ai cũng biết cần phải có ống kính máy ảnh chuyên nghiệp, tiêu cự từ 600 đến 800, phải dự trù 3 đến 5 ngày cho chuyến săn ảnh gồm cả việc tập kết ở địa phương từ đêm rồi ra bãi trước tờ mờ sáng, chui vào trong “tum” (một dạng lều có phủ lá ngụy trang, chứa được 3 người) ngồi chờ cho đến tận chiều tà. Không chỉ phải ăn uống, vệ sinh tại chỗ khó khăn nhiều bề nhưng “rình” là một chuyện, sếu có “về” hay không lại là chuyện khác.

 
 
Một số hình ảnh sếu đầu đỏ do nhóm nhiếp ảnh chụp tại Campuchia 

Một ngày cuối năm 2013, tin sốc đến với chúng tôi khi biết đã lâu rồi sếu đầu đỏ không còn về Tràm Chim nữa do việc quản lý thủy văn ở đây chưa phù hợp, làm thu hẹp đáng kể diện tích đồng cỏ năn - nguồn thức ăn chủ yếu của sếu. Giữa lúc thất vọng cùng cực, chúng tôi như bắt được được vàng khi biết sếu đầu đỏ đang “tập kết” ở Campuchia và chỉ trong vòng 1 tuần, nhóm chúng tôi đã chuẩn bị xong cho chuyến đi mơ ước của mình mà không biết đằng sau đó là biết bao hiểm nguy đang chờ đợi.

Nhóm nhiếp ảnh của chúng tôi gồm 6 người, trẻ nhất cũng đã ngoài 50 tuổi; còn người lớn tuổi nhất đã tròm trèm 74. Tuổi tác cách biệt nhưng với sự đồng cảm và niềm đam mê về loài sếu, chuyến đi của chúng tôi luôn đầy ắp tiếng cười.

Khởi hành từ trưa thứ bảy, chúng tôi dừng chân tại một khách sạn ở Hà Tiên lúc 23 giờ. Hành trình dài 10 giờ dằng dặc khiến ai cũng mệt nhoài, lăn ra ngủ mê mệt nhưng vẫn kịp thức giấc lúc hơn 3 giờ sáng để đi tiếp. Yên vị trong chuyến xe trực chỉ biên giới, đến lúc này, chúng tôi mới chợt nhớ và nói vui: À, thì ra, tụi mình sắp ra nước ngoài rồi!

Xuống xe ở biên giới, một nhóm xe ôm người Campuchia chở chúng tôi lao đi trong màn đêm đến trạm cửa khẩu. Giữa chốn đồng không mông quạnh, chúng tôi chờ làm thủ tục “nhập cảnh” trong khoảng mươi phút. Không có hải quan, chỉ có một cảnh sát người Campuchia lúi húi ghi tên từng người vào một tờ giấy, dưới luồng sáng yếu ớt từ chiếc… điện thoại di động.

Xong thủ tục, cả nhóm lại lên xe ôm, vượt qua quãng đường dài đầy những ổ voi, ổ gà, mặt đường hẹp, chỉ chừng 3m, một bên là rừng cây, một bên là đầm lầy. Chúng tôi chỉ biết rõ như vậy khi trời mờ sáng, đủ để nhìn lại chặng đường mà mình vừa đi qua, đến hơn 45 phút. Điểm danh nhanh không thiếu một ai, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Niềm vui nhen nhóm khi người dẫn đường thông báo đã đến được vườn sếu, nơi có thể quan sát và chụp ảnh bầy sếu quý.

Thật ra, đấy là trạm dừng chân của Ban Bảo tồn động vật hoang dã của Liên Hiệp Quốc do một chuyên gia người New Zealand đứng đầu. Trạm có chòi cao để quan sát, có cả xuồng máy để các nhân viên đi thị sát vườn sếu. Nghe nhắc đến xuồng máy, chúng tôi thầm ngao ngán vì nghĩ tới cảnh vượt đầm lầy giữa trời mù sương khi lỉnh kỉnh mang vác túi xách với ống kính và những bộ máy chụp ảnh đắt tiền.

Xuồng nhỏ nên chúng tôi phải chia thành 2 nhóm và chỉ mất vài phút ngồi xuồng, trước mắt chúng tôi đã hiện ra từng nhóm sếu đứng lặng thinh giữa đầm. Trời dường như sáng rất nhanh và chính trong thời khắc nửa tối nửa sáng đó, chúng tôi có cảm giác như đang lướt đi giữa chốn tiên cảnh, suýt nữa quên cả máy ảnh trên tay, quên cả những dự định cần làm.

“Chụp đi, không thì lỡ mất”, giọng ai đó nhắc nhở làm cả nhóm sực tỉnh, giơ máy lên bấm liên hồi. Chúng tôi chụp liên tiếp hàng trăm “shot” trong tình trạng thiếu sáng, cố ghi lại mọi thứ nhìn thấy mà không làm kinh động bầy sếu đang tề tựu bên bờ con lạch, cách chúng tôi chỉ chừng vài chục thước.

Trời sáng bừng lên lúc nào chẳng biết. Chúng tôi phải tấp vào bờ để xuồng quay lại đón tốp sau. Gọi là “bờ” nhưng đấy chỉ là doi đất khô ráo giữa vùng đồng cỏ ngập nước. Do điểm dừng chân này khá xa nơi bầy sếu tụ tập nên mọi người hơi thất vọng. Vì thế, cả nhóm tìm cách vượt qua bãi lầy, nhập chung với nhóm sau được người lái xuồng “thả” gần hơn vài chục mét.

Mặt trời đã lên cao, chúng tôi tranh thủ chụp bầy sếu nhẩn nha ăn cỏ gần đấy. Sếu ở đây rất dạn, đùa giỡn và bình thản ăn cỏ trước mặt chúng tôi như thể chẳng có bất cứ sự hiểm nguy nào từ những vị khách không mời. Chúng chỉ giữ khoảng cách nhất định chừng vài bước trong mọi tình huống mặc cho chúng tôi tha hồ tác nghiệp, dựng chân máy, kê máy chụp những tấm ảnh đắt giá nhất, ưng ý nhất với những khoảnh khắc khó có thể tìm lại trong đời.

Chúng tôi rút về “cứ” khi mặt trời lên cao và đến 15 giờ, đợt tác nghiệp mới lại bắt đầu. Ở vùng đầm lầy, màn chiều buông xuống rất nhanh và chúng tôi buộc phải kết thúc công việc sớm trước khi mặt trời lặn sau khi cố nán lại chụp vài “tấm ảnh trong mơ” với cảnh đàn sếu gối lên mặt trời lúc hoàng hôn.

Rời trạm dừng chân Chòi Sếu, chúng tôi lại nhảy lên xe ôm của những bác tài người Campuchia để quay về Hà Tiên. Lúc đi háo hức bao nhiêu thì đường về với chúng tôi thực sự là một trải nghiệm hãi hùng. Những cung đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh và đầy nguy hiểm nhưng người lái xe ôm cứ phóng với tốc độ 50-60 km/giờ, như đang đua trên cung đường Paris - Dakar (giải đua xe địa hình khắc nghiệt nhất hành tinh) vậy! Họ tránh trạm thuế quan, cảnh sát? Họ sợ những hiểm nguy dọc đường sau khi biết chúng tôi mang vác những tài sản đắt giá? Cát bụi mù trời nên cả trăm câu hỏi cứ dội lên trong đầu chúng tôi và tất cả cứ ngồi im thin thít, mong cho cung đường ngắn lại.

Về đến Hà Tiên, cả nhóm thở phào, trút hết gánh nặng lo âu chồng chất. Quay về thành phố ngay trong đêm, chúng tôi kết thúc một chuyến phiêu lưu gian nan nhưng hạnh phúc. Còn gì vui hơn được thỏa mãn niềm đam mê nhiếp ảnh, niềm đam mê ghi lại những khoảnh khắc hiếm thấy trong cuộc đời về cuộc sống của loài chim quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng?


TheoKiều PhongNgười lao động
Bình luận
vtcnews.vn