(VTC News) – Bóng đá Việt những ngày qua tiếp tục nóng vì vấn nạn bạo lực sân cỏ nhưng những cú ra tay đánh chặn vẫn chỉ nằm ở chỗ Ban kỷ luật. NHM lúc này đang tự hỏi, vai trò của VPF nằm ở đâu? Bộ đôi điều hành các giải đấu của VPF, ông Trần Duy Ly (bên trái) và ông Phạm Ngọc Viễn (Ảnh: VSI)
Vòng 3 Super Legue sặc mùi bạo lực, kết quả, cũng chỉ có Huy Hoàng, Samson nhận án, số còn lại liên quan đến văn hóa phản ứng trọng tài.
Xem lại hình những pha vào bóng ở vòng 3 với điểm nóng sân Vinh mà không khỏi rợn tóc gáy. Chẳng phải cảm tưởng đâu. Nếu không có quả bóng làm vật trung gian, thì sân Vinh hệt một võ đài.Sân Vinh như một võ đài nếu không có quả bóng là vật trung gian (Ảnh VSI)
Ấy thế mà khi nghị án, thì cái án cả Huy Hoàng và Samson nhận cũng chẳng bằng giới túc cầu xứ khác phạt lỗi thái độ, chứ đừng nói đến đã xảy ra hậu quả. Án được coi là nhẹ, nhưng người nhận án thì vẫn kêu là nặng (một phản ứng tự nhiên). Vậy tránh sao khỏi cái tiền lệ để lại?
Và đúng là sau vòng 3 Super League không lâu, ở Cup Quốc gia, sân Vinh trong trận chủ nhà Sông Lam Nghệ An gặp V.Ninh Bình lại có liền 3 thẻ đỏ, toàn thẻ đỏ vì tội bóng không đá đi đá nhau.
Còn ở sân Thống Nhất, có cả màn cầu thủ Thanh Hóa rượt đuổi Huỳnh Kesley chạy vòng tròn. Sau trận, cửa kính ô tô của đội Thanh Hóa còn ăn nguyên một quả “đậu bay”, vỡ tan tành. Xuân Hợp số không may ngồi gần cửa kính mà đổ máu. Cái anh Xuân Hợp này, thường “dính đòn” tai vạ. Nhớ lần nào đó ở sân Hàng Đẫy, dù chấn thương không thi đấu, chỉ đến sân xem đội nhà đá, lúc vào cửa anh cũng ăn nguyên một vật cứng vào đầu, phải vô viện khâu.
Có hay không chuyện Kesley phân biệt chủng tộc? Có hay không chuyện khán giả Sài thành khiêu khích cầu thủ đội Thanh Hoá? Có hay không nhưng lời qua tiếng lại mà mỗi bên liên quan đều nhận định nó đã mang tính xúc phạm…? Chắc hôm nay sẽ rõ khi mà Ban kỷ luật họp “mổ”.Loạn đả trên sân Thống Nhất tại Cup Quốc gia (Ảnh: VSI)
Nhưng, nếu vẫn chỉ là từng ấy con người của cái Ban kỷ luật với ông Nguyễn Hải Hường đứng đầu, thì án ban, xem ra chỉ là án ban bổ vào đầu những ai dính líu chứ người vô can, hoặc chưa dính tới vẫn lắc đầu mặc kệ. Một khi thái độ mặc kệ còn hiện hữu thì đá láo lúc cần là có ngay. Đá cho tới khi ông Hường gọi tới tên mình mới thưa, mới nhận, mới chấp hành. Xong xuôi tất cả lại chứng nào tật ấy.
Và nếu, nền bóng đá này, cái sự thực bạo lực lù lù còn bị các ông thầy thản nhiên dung túng, bao che, thậm chí chủ trương cho học trò, có lẽ 10 ông Hường ở Ban kỷ luật cũng không nghị kịp án.
“Nhà dột từ nóc”, các cụ ta nói thế. Bóng đá Việt gần đây sặc mùi bạo lực cũng là lẽ dĩ ngẫu bởi nó là căn bệnh đã xuyên suốt nhiều năm qua rồi. Có điều mùa này, khi người ta đang hy vọng, nó sẽ được thuyên giảm nhờ cuộc “cách mạng” VPF thì ai ngờ mới qua vài vòng đấu, nó đã lại nóng ran.
Tới thời điểm sau vòng tứ kết Cup Quốc gia, người hâm mộ bóng đá cả nước vẫn chưa nhìn thấy vai trò trọng yếu của VPF trong giảm thiểu vấn nạn bạo lực sân cỏ nằm ở đâu. Đành rằng, cái tổ chức do ông Nguyễn Hải Hường đứng đầu là độc lập. Nhưng bao năm qua cũng chỉ vì “độc lập” mà thành ra nông nỗi như hôm nay. Bây giờ chẳng nhẽ VPF cũng để thế sao?
CEO Phạm Vạn Ngọc Viễn của VPF tất nhiên là người sốt ruột nhất, và ông cũng đã đăng đàn để lý giải sự gia tăng của bạo lực sân cỏ. Tuy nhiên, cách nhìn nhận của ông cũng có cái gì đó giảm tránh. Thế mới có câu ông nói: “Nhiều thẻ đỏ, không thể coi là biểu hiện bạo lực”.
Hà Thành
Bình luận